Không chỉ đạo cấp dưới làm việc với Công ty Nhật Cường
Ngày 28.12, TAND TP.Hà Nội tiếp tục phiên sơ thẩm xét xử cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung, cùng 6 bị cáo khác trong vụ án thao túng cho Công ty Nhật Cường trúng thầu, xảy ra năm 2016.
Hầu tòa lần thứ 3, ông Nguyễn Đức Chung bị đề nghị mức án 3-4 năm tù |
Tại phiên tòa, HĐXX tập trung làm rõ nội dung 3 cuộc gọi của ông Chung, chỉ đạo cấp dưới là ông Nguyễn Văn Tứ, cựu Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội, đình chỉ thầu, kéo dài thời gian để Công ty Nhật Cường chuẩn bị hồ sơ dự thầu và việc ông Chung yêu cầu Sở KH-ĐT Hà Nội tổ chức họp để nghe Công ty Nhật Cường giới thiệu công nghệ mới.
Phiên sơ thẩm xét xử cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng 6 bị cáo trong vụ án thao túng cho Công ty Nhật Cường trúng thầu |
T.N |
Trước tòa, bị cáo Tứ xin bảo lưu hoàn toàn lời khai tại phiên xét hỏi ngày 27.12, đồng thời mong khôi phục ghi âm các cuộc gọi này. Theo bị cáo Tứ, 2 cuộc điện thoại vào ngày 15.5.2016 của ông Chung nói rằng Sở KH-ĐT triển khai không đúng theo yêu cầu của TP và phải dừng. Đến cuộc gọi thứ 3 vào ngày 16.5.2016, ông Chung yêu cầu dừng gói thầu lại để đưa công nghệ mới vào. “Tôi khẳng định cho Công ty Nhật Cường làm thí điểm và thầu là do ông Nguyễn Đức Chung chỉ đạo”, bị cáo Tứ khai.
Đối chất lại lời khai của bị cáo Tứ, bị cáo Nguyễn Đức Chung khẳng định không chỉ đạo cụ thể ông Tứ hay Sở KH-ĐT làm việc với Công ty Nhật Cường. Đồng thời đề nghị bị cáo Tứ chỉ rõ gặp ở đâu, thời gian nào.
Giải thích về lý do yêu cầu dừng gói thầu số hóa, bị cáo Chung trình bày ông Tứ và các đơn vị liên quan báo cáo rằng đơn vị làm công tác số hóa thời điểm đó chưa tích hợp được các bản scan tài liệu lên trang tin của Bộ KH-ĐT, nên đã chỉ đạo phải có công nghệ tương thích với 6 đơn vị: hải quan, ngân hàng, bảo hiểm, cổng dịch vụ công của TP và của Chính phủ. Ông Chung khai nêu điều này trong cuộc họp ngày 21.5.2016 và khẳng định chỉ chỉ đạo chung các sở, ngành.
Trong khi đó, bị cáo Tứ khai, khoảng tháng 7.2016, trong cuộc họp, bị cáo Chung có nói đến Công ty Nhật Cường qua trao đổi về công nghệ mới và khẳng định được ông Chung chỉ đạo. Tuy nhiên, ông Chung nói: “Tôi khẳng định ông Tứ bịa đặt việc tôi chỉ đạo riêng ông ấy” và cho biết sau khi Chủ tịch UBND Q.Long Biên báo cáo 4 đề xuất, trong đó có việc mời Công ty Nhật Cường sang tư vấn về công nghệ, ông Chung đã nói ai có nhu cầu thì liên hệ thẳng với Công ty Nhật Cường, chứ không chỉ đạo cụ thể.
Bị cáo nói gì về cáo buộc làm “quân xanh” ?
Tại tòa, bị cáo Võ Việt Hùng, cựu Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đông Kinh (Đông Kinh), bị cáo buộc mời các công ty làm “quân xanh” tạo điều kiện cho liên danh Nhật Cường - Đông Kinh trúng thầu. Ngoài ra, còn có các hành vi như ký kết hợp đồng chuyển nhượng trái phép với Công ty Nhật Cường, thực hiện hành vi thông thầu, chuyển nhượng thầu trái phép trong hoạt động đấu thầu.
Bị cáo Hùng khai việc tìm “quân xanh” hỗ trợ thông thầu là do chịu áp lực từ Công ty Nhật Cường và chỉ nghĩ đơn giản làm “quân xanh” cho đủ số lượng chứ không thay đổi bản chất năng lực nhà thầu. Bị cáo này khai công việc là sao chép dữ liệu từ điểm này sang điểm khác. Hợp đồng gói thầu giữa Sở KH-ĐT Hà Nội với liên danh Nhật Cường - Đông Kinh gồm scan hơn 13 triệu trang tài liệu, đính lên hệ thống hơn 300.000 tài liệu. Liên danh này sau đó scan vượt yêu cầu, được gần 14 triệu trang nhưng chỉ đính lên hệ thống được hơn 182.000 tài liệu, đạt tỷ lệ 55% yêu cầu của gói thầu và phạm vi công việc. Bị cáo trình bày khi thực hiện gói thầu, liên danh Nhật Cường - Đông Kinh đã gửi văn bản đến Sở KH-ĐT Hà Nội. Văn bản này nêu ra 32 tồn tại, khó khăn, đề nghị có giải đáp.
Phía đại diện Đông Kinh cũng cho biết hoàn toàn có thể đính tài liệu lên hệ thống, nhưng những tài liệu chưa đẩy lên là do Sở KH-ĐT Hà Nội, không phải lỗi của Đông Kinh. Cáo trạng nêu Đông Kinh làm được 55%, nhưng chính phía Sở KH-ĐT Hà Nội cũng “không biết mình có bao nhiêu tài liệu”. Do vậy, những con số trong hợp đồng chỉ là “dự kiến”.
Bị cáo Phạm Thị Kim Tuyến, cựu Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH-ĐT Hà Nội, khai từng giải thích với Đông Kinh việc đăng ký kinh doanh qua nhiều thời kỳ với nhiều quy định khác nhau nên thông tin trên giấy đăng ký kinh doanh khác nhau, khó “số hóa”. Còn liên quan đến cáo buộc gói thầu số hóa do liên danh nhà thầu này thực hiện từng 3 lần được điều chỉnh thời hạn hoàn thành, từ 256 ngày, lên 730 ngày, tức là gấp ba lần, bị cáo Tuyến phân trần Sở KH-ĐT Hà Nội làm đúng luật, mỗi lần gia hạn hồ sơ đều có văn bản với Bộ KH-ĐT và được chấp thuận mới làm.
Bình luận (0)