Chiều 28.12, TAND TP.Hà Nội tiếp tục phiên sơ thẩm xét xử ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cùng 6 bị cáo khác trong vụ án thao túng cho Công ty Nhật Cường trúng thầu, xảy ra năm 2016.
“Vỡ mộng” vì Nhật Cường hoán thầu, không làm gì
Tiếp tục giữ nguyên quan điểm đã trình bày, bị cáo Nguyễn Văn Tứ, cựu Giám đốc Sở KH-ĐT TP.Hà Nội, khẳng định việc 3 lần ông Nguyễn Đức Chung gọi điện thoại chỉ đạo dừng gói thầu số hóa 2016 để tạo điều kiện cho Công ty Nhật Cường trúng cả 2 gói thầu (gói thầu số hóa được chia thành 2 giai đoạn, năm 2016 và 2018, tương ứng với 2 hợp đồng kinh tế).
Bị cáo Nguyễn Văn Tứ |
nam anh |
Trả lời thẩm vấn của luật sư, ông Tứ cho hay việc thực hiện gói thầu được giao cho bị cáo Ngô Tiến Học, cựu Phó giám đốc Sở KH-ĐT, quản lý. Sau đó, ông Tứ được nghe báo cáo việc Công ty Nhật Cường giới thiệu sự tối ưu, vượt trội của công nghệ số hóa tiên tiến từ Cộng hòa Liên bang Nga, và Nhật Cường đang độc quyền làm đại diện cho công nghệ này.
Theo bị cáo Tứ, việc đưa công nghệ mới vào là mong muốn, tin tưởng mang lại hiệu quả hơn công nghệ cũ, và bản thân không chỉ đạo để tạo lợi thế cho bất kỳ doanh nghiệp nào dự thầu. Bất cứ doanh nghiệp nào mang công nghệ tốt hơn, giá không đổi thì hoàn toàn ủng hộ.
“Tại thời điểm đó, Nhật Cường có thể nói là doanh nghiệp được thành phố tin tưởng, đang được giao cho làm nhiều phần mềm quan trọng của thành phố. Ngoài ra, Nhật Cường còn được tham dự hầu hết các cuộc họp của thành phố. Nhật Cường còn gửi cho chúng tôi tài liệu thể hiện họ có công nghệ tiên tiến. Tôi không hình dung ra được họ hoán thầu, không làm gì, làm chúng tôi vô cùng vỡ mộng", ông Tứ trả lời câu hỏi của luật sư về quy kết đưa công nghệ mới vào nhằm tạo lợi thế cho Công ty Nhật Cường.
Các bị cáo trong vụ án |
anh hùng |
Theo cáo buộc, sau khi Sở KH-ĐT Hà Nội ký hợp đồng gói thầu số hóa 2016 với Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh (gồm Công ty TNHH giải pháp phần mềm Nhật Cường và Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đông Kinh), Bùi Quang Huy (Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường; đang bỏ trốn) đã chuyển nhượng 100% công việc theo hợp đồng cho Công ty Đông Kinh thực hiện.
Kết quả thực hiện gói thầu cho thấy, chỉ có 45% tài liệu hồ sơ được đẩy lên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, song liên danh Nhật Cường - Đông Kinh vẫn được sở KH-ĐT Hà Nội thanh toán 100% giá trị hợp đồng, tức hơn 42 tỉ đồng. Trong đó, Công ty Nhật Cường được hưởng lợi gần 20 tỉ đồng.
Tìm “quân xanh” giúp thông thầu do áp lực từ Nhật Cường
Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung hầu tòa lần thứ 3 |
Trong vụ án này, bị cáo Võ Việt Hùng, cựu Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đông Kinh, bị cáo buộc mời các công ty làm “quân xanh”, tạo điều kiện cho Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh trúng thầu; ký kết hợp đồng chuyển nhượng trái phép với Công ty Nhật Cường, thực hiện hành vi thông thầu, chuyển nhượng thầu trái phép trong hoạt động đấu thầu.
Trả lời thẩm vấn tại tòa về động cơ tìm “quân xanh” hỗ trợ thông thầu, bị cáo Hùng cho rằng do chịu áp lực từ Công ty Nhật Cường.
“Nói sòng phẳng, nhờ Nhật Cường nên công ty Đông Kinh của tôi mới có cơ hội có việc làm, nên họ yêu cầu làm gì thì phải làm. Tôi nhận thức việc này không đúng, nhưng khi đó chỉ nghĩ đơn giản mời nhà thầu khác làm “quân xanh” cho đủ số lượng, chứ không thay đổi bản chất năng lực nhà thầu chúng tôi”, bị cáo Hùng nói.
Về căn cứ khẳng định sự ưu việt của công nghệ số hóa đang nắm giữ, bị cáo Hùng cho rằng việc scan và đẩy dữ liệu như yêu cầu của gói thầu không có gì phức tạp, chỉ là việc sao chép dữ liệu từ điểm này sang điểm khác.
“Cái khó là để đưa được lên hệ thống thì phải có chỗ để lưu dữ liệu đấy và các số liệu của điểm đến và điểm đi phải trùng khớp”, ông Hùng khai, và cho rằng vấn đề cơ bản của việc không thể hoàn thành gói thầu là do tài liệu Sở KH-ĐT Hà Nội cung cấp không đáp ứng được các điều kiện này, và đã từng gửi văn bản nêu 32 tồn tại, khó khăn, đề nghị Sở giải đáp.
Theo bị cáo Hùng, sau khi trình 32 vấn đề lên, bị cáo này không trực tiếp chỉ huy tại công trường nên không biết Sở KH-ĐT đã có giải pháp hay chưa.
Bình luận (0)