Như những năm trước, thành phố Cannes thuộc vùng Riviera của Pháp đã cấm các cuộc biểu tình gần trung tâm LHP Cannes. Tuy nhiên sân trước của khách sạn Carlton, nơi có khoảng hai chục công nhân biểu tình, nằm ngoài phạm vi cấm vì đây là tài sản riêng.
Pháp là nơi diễn ra các cuộc đình công và biểu tình trong nhiều tháng qua, chủ yếu là do luật cải cách lương hưu của Tổng thống Emmanuel Macron, tăng tuổi nghỉ hưu lên 64.
"Những người trẻ tuổi không muốn làm nghề khách sạn vì cực nhọc, quá mệt mỏi. Vì vậy, hãy tưởng tượng một người 64 tuổi vẫn còn làm nghề, điều đó thực tế là không thể", Ange Romiti, Tổng thư ký Tổng Liên đoàn Lao động (CGT) cho biết.
Romiti nói thêm, những người biểu tình rất vui khi được tiếp đón nghệ sĩ tham gia LHP Cannes. Tuy nhiên họ muốn sử dụng sự kiện LHP kéo dài đến ngày 27.5 để giúp truyền bá nhận thức về những khó khăn trong cuộc sống của họ.
Dominique Chave, đại diện cho Liên đoàn kinh doanh của CGT, cũng cho biết cô muốn mọi người biết điều kiện làm việc của những công nhân đã giúp đón tiếp các ngôi sao và khách du lịch tại LHP Cannes.
Chave nói với Reuters: "Người Pháp tạo ra sự sang trọng, hào nhoáng cho LHP Cannes nhưng đằng sau đó là toàn bộ nhân viên khách sạn, quán cà phê và đặc biệt là nhà hàng nhận mức lương thấp, với điều kiện làm việc tồi tệ. Khi bạn đi nghỉ mát, bạn chỉ thấy mặt tốt của mọi thứ. Tuy nhiên, bạn không thể nhìn ra điều kiện làm việc khó khăn".
Các thành viên của CGT trong ngành điện đã đe dọa cắt điện tại LHP Cannes như một phần của cuộc biểu tình chống lại những cải cách của Tổng thống Macron. Hôm đầu tuần này, Giám đốc LHP Cannes Thierry Fremaux cho biết các cuộc đàm phán với CGT cho đến nay đã có kết quả tích cực.
Bình luận (0)