Đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu: Xăng lậu từ Singapore về muốn vào Việt Nam phải báo trước cảnh sát biển, biên phòng...

28/10/2022 15:05 GMT+7

Trả lời thẩm vấn tại phiên tòa xét xử đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu, bị cáo Phan Thanh Hữu khai khi đưa xăng lậu từ Singapore vào Việt Nam phải gọi điện báo cho cảnh sát biển, biên phòng, cảng vụ... biết.

Sáng 28.10, phiên tòa xét xử 74 bị cáo trong đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu bắt đầu bước vào phần xét hỏi những bị cáo cầm đầu trong vụ án.

Bị cáo Phan Thanh Hữu (bên trái) và Đào Ngọc Viễn tại phiên tòa

T.D

Hé lộ "liên minh" trong đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu

Hai bị cáo cầm đầu là Đào Ngọc Viễn và Phan Thanh Hữu là 2 bị cáo được gọi tên đầu tiên để xét hỏi.

Theo cáo trạng, Viễn và Hữu góp vốn và mua xăng lậu từ Singapore đưa về Việt Nam tiêu thụ. Trong đó, Hữu có trách nhiệm liên hệ thỏa thuận mua bán với chủ hàng ở Singapore và tìm đầu mối tiêu thụ ở Việt Nam.

Viễn có nhiệm vụ điều 2 tàu biển là Pacific Ocean (trọng tải 3.000 tấn) và tàu Western Sea (trọng tải 5.000 tấn) qua Singapore lấy hàng chở về Việt Nam, neo đậu ngoài phao số 0, chờ tàu của Hữu ra lấy vận chuyển vào nội địa.

Từ tháng 3.2020 đến tháng 2.2021, Viễn cùng đồng phạm sử dụng 2 tàu biển trên vận chuyển tổng cộng hơn 197 triệu lít xăng A95 từ Singapore về Việt Nam.

Tại tòa, bị cáo Viễn cho rằng cáo trạng truy tố có phần không đúng. Cụ thể, số tiền Viễn hưởng lợi không nhiều như vậy vì trong quá trình vận chuyển xăng về Việt Nam, bị cáo chỉ được chiết khấu 1.500 đồng/lít xăng (chứ không phải 2.000 đồng/lít) và tổng số tiền thu lợi là hơn 36 tỉ đồng chứ không phải là 46 tỉ đồng như kết luận của cơ quan điều tra.

Việc xét hỏi bị cáo Viễn diễn ra khá lâu, kéo dài gần 2 giờ. Sau khi HĐXX xét hỏi xong, đại diện Viện KSND và cả luật sư đều đặt nhiều câu hỏi để làm rõ những vấn đề liên quan.

Lột trần nhóm ‘Anh em siêu nhân’ trong đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu

Đến lượt bị cáo Hữu, tòa hỏi về quy trình nhận xăng. Bị cáo Hữu nói trước khi đưa xăng vào Việt Nam phải báo cho cảnh sát biển, biên phòng, cảng vụ. Tòa hỏi có báo cho hải quan không, bị cáo Hữu nói “Bị cáo không chơi với hải quan”.

Bị cáo Hữu khai thêm, những chuyến xăng lậu ban đầu do màu trắng quá, khách hàng ý kiến, nên Hữu lên mạng gặp được một người tên Vinh. Vinh hẹn bị cáo Hữu lên TP.HCM và bán cho Hữu một loại bột màu vàng cùng dung môi để pha chế vào xăng lậu, tạo ra màu vàng giống xăng trong nước.

Liên quan đến vụ án, ngày 15.7.2022, Tòa án quân sự Quân khu 7 đã tuyên phạt cựu đại tá Phùng Danh Thoại, cựu Trưởng phòng Xăng dầu, Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, 7 năm tù về tội “buôn lậu”; cựu đại tá Nguyễn Thế Anh, cựu Phó cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng, cựu Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, cựu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang, tù chung thân về tội “nhận hối lộ” và 2 năm tù về tội “tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” (tổng hình phạt là chung thân).

Ngoài ra, Tòa án quân sự Quân khu 7 còn tuyên phạt 11 bị cáo khác cùng tội “nhận hối lộ”, trong đó cựu thiếu tướng Lê Văn Minh, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, lãnh mức án 15 năm tù; cựu thiếu tướng Lê Xuân Thanh, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, lãnh án 12 năm tù. 9 bị cáo còn lại nhận mức án từ 2 năm 6 tháng tù cho hưởng án treo đến 16 năm tù.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.