Liên quan đến đường dây khai thác than lậu 2,5 triệu tấn, những nhân vật cầm đầu đường dây được công an xác định gồm: Châu Thị Mỹ Linh (ngụ Q.12, TP.HCM, là Giám đốc Công ty CP Yên Phước) và anh em đại gia lan đột biến rất nổi tiểng là Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang tại Quảng Ninh.
Trước đó, ngày 27.8, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế, buôn lậu, tham nhũng (C03) - Bộ Công an đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với 12 bị can để điều tra về tội "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”.
Bước đầu, CSĐT xác định bị can Châu Thị Mỹ Linh đã cấu kết với hai anh em đại gia lan đột biến hình thành một đường dây khai thác, mua bán và vận chuyển than trái phép có quy mô cực lớn.
Trước khi bị bắt giữ trong vụ án này, cặp anh em song sinh Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh được biết đến là những chủ nhân của “vườn lan var đất mỏ”, có trong tay hàng ngàn tỉ đồng từ việc nuôi trồng, kinh doanh lan var; xây biệt thự hoành tráng và mua sắm xe siêu sang đắt tiền.
|
Việc bà "trùm" Châu Thị Mỹ Linh bị khởi tố, bắt giam khiến cho nhiều người không khỏi bàng hoàng, đặc biệt là trong giới đầu tư, kinh doanh bất động sản tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Bà Linh không chỉ điều hành Công ty CP Yên Phước mà còn được biết đến là Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư Phúc Phúc Yên (thuộc Tập Đoàn Phúc Yên Prosper, địa chỉ tại Q.7, TP.HCM). Công ty này khá nổi tiếng với nhiều dự án chung cư, biệt thự, nhà phố ở TP.HCM, điển hình như dự án Căn hộ Prosper Plaza, đường Phan Văn Hớn, P.Tân Thới Nhất, Q.12.
Trong vụ án khai thác lậu than do bị can Châu Thị Mỹ Linh cầm đầu, theo C03, lực lượng công an đã đồng loạt kiểm tra 21 bãi than thuộc các doanh nghiệp nằm rải rác tại thị xã Kinh Môn, Hải Dương, phát hiện các bãi than này có dấu hiệu nhập lậu, khai thác lậu. Sau 6 ngày kiểm tra, lực lượng chức năng xác định có những điểm bị phát hiện các bãi than có khối lượng tồn trữ vượt quá số lượng rất nhiều so với hóa đơn nhập hàng.
Đa số các bãi than được bố trí nằm cách nhau từ 5 - 7km, giáp bờ sông để thuận tiện cho việc vận chuyển đường thủy, nằm ở xa khu dân cư, có người canh gác rất kỹ lưỡng, khó tiếp cận. Lực lượng công an đã rất khó khăn trong quá trình điều tra, xác minh.
Bà trùm đưa người nhà để vận hành công ty ra sao?
Theo hồ sơ điều tra, tháng 9.2012, Công ty CP Yên Phước được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận lần đầu, đến tháng 12.2013 thì thay đổi lần 1 với vốn điều lệ 100 tỉ đồng. Trong đó thành viên góp vốn gồm: Châu Thị Mỹ Linh góp 39 tỉ đồng chiếm 39%, ông Ngụy Phúc Yên (chồng của bà Linh) góp 60 tỉ đồng chiếm 60% và bà Ngụy Thị Xuyến (em ông Phúc Yên) góp 1 tỉ đồng chiếm 1%.
Thực tế, bà Linh và các thành viên chỉ đăng ký, không thực hiện việc góp vốn. Nguồn vốn hoạt động của công ty do bà Linh tự bỏ ra, phát sinh chi phí đến đâu thì bà Linh tự chi đến đó.
Để Công ty CP Yên Phước đi vào vận hành, bà Linh đưa nhiều người trong gia đình vào công ty làm việc. Trong đó, bà Linh là Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật, điều hành chung mọi hoạt động kinh doanh; Ngụy Quang Thuyên (là em chồng của bà Linh) thay mặt Linh trực tiếp điều hành mọi công việc tại mỏ than. Ngoài ra còn một số nhân viên, gồm: Bùi Minh Hợp (Giám đốc điều hành khai thác mỏ, chịu trách nhiệm về kỹ thuật và an toàn khai thác mỏ); Đỗ Thị Luyến và Doãn Thị Định là nhân viên kế toán; Đặng Văn Hoàng là nhân viên kiểm tra chất lượng kiêm nhân viên cân hàng, thực hiện các công việc theo chỉ đạo của bà Linh.
Đến giữa 2014, Công ty CP Yên Phước được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đầu tư và Giấy phép khai thác khoáng sản, cho phép công ty này được khai thác với công suất 8.500 tấn/năm; thời hạn khai thác đến hết ngày 28.6.2031.
Tháng 8.2018, Công ty CP Yên Phước ký hợp đồng thuê Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương (công ty có sự tham gia góp vốn của hai anh em Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang với 48 tỉ đồng- PV) thực hiện khai thác than tại mỏ than Minh Tiến với giá 450.000 đồng/tấn. Đồng thời, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương là đơn vị được thu mua toàn bộ sản lượng than khai thác được từ mỏ của Công ty Yên Phước, với giá thỏa thuận theo từng loại than khác nhau.
Từ tháng 3.2019 - 8.2021, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương trực tiếp thực hiện việc khai thác dưới sự chỉ định và giám sát của nhân viên Công ty CP Yên Phước, với sản lượng khoảng 2,5 triệu tấn than nguyên khai, gấp rất nhiều lần khối lượng 8.500 tấn/năm theo giấy phép.
Từ 18.5.2019 đến 31.12.2020, Công ty CP Yên Phước đã xuất bán cho Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương gần 1 triệu tấn than, thu số tiền hơn 106 tỉ đồng; hơn 240 nghìn bã sàng thu hơn 14 tỉ đồng và 13.662 m3 đá đen trị giá 683 triệu đồng, tổng cộng số tiền thu về hơn 121 tỉ đồng. Theo đó, Công ty Đông Bắc Hải Dương đã thanh toán hơn 106 tỉ đồng, trong đó chuyển khoản vào 2 tài khoản cá nhân của bà Linh hơn 90 tỉ đồng; số tiền còn lại được cấn trừ các khoản đặt cọc và các khoản công nợ khác.
Theo C03, tại bãi chứa ở chân mỏ khai thác, vẫn còn tồn số lượng than nguyên khai, than cám nghiền từ bã sàng, than xít … khoảng gần 1,5 triệu tấn than.
Như vậy, ngay từ đầu thỏa thuận và ký hợp đồng, bị can Linh đã để Công ty Đông Bắc Hải Dương vào khai thác gấp hàng chục lần công suất hằng năm được cấp phép là 8.500 tấn, vượt cả sản lượng mỏ được cấp phép là 136.000 tấn.
C03 xác định, hành vi khai thác vượt trữ lượng tối đa của giấy phép khai thác khoáng sản, không đúng với nội dung giấy phép của các bị can gây thiệt hại cho Nhà nước về thuế hàng chục tỉ đồng. Hiện C03 đang điều tra làm rõ về đường dây khai thác than lậu cả triệu tấn nói trên.
Bình luận (0)