Đường đi trước, đô thị theo sau

06/05/2022 06:30 GMT+7

“Sửa sai” cho tư duy quy hoạch trước đây, các dự án hạ tầng giao thông mới hiện nay đang được nghiên cứu, xây dựng theo hướng phát triển để khai thác hiệu quả tối đa giá trị đất đai sau khi đầu tư xây dựng tuyến đường.

Hà Nội: phát triển đô thị dọc trục đường Vành đai 4

Quy hoạch mạng lưới đường bộ cả nước tới năm 2030 tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đã chỉ rõ hệ thống đường đô thị sẽ được phát triển phù hợp với quy hoạch phát triển không gian, kiến trúc đô thị, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, liên thông với mạng lưới giao thông vận tải của vùng, quốc gia. Phấn đấu tỷ lệ quỹ đất hạ tầng giao thông đường bộ đô thị đạt bình quân từ 16 - 26% so với quỹ đất xây dựng đô thị.

Dự án Vành đai 3 của Hà Nội dù mới khai thác vài năm nay nhưng đã có dấu hiệu mãn tải, cấp thiết phải xây dựng Vành đai 4

Ngọc Thắng

Một trong những dự án đang nhận được nhiều quan tâm nhất của Hà Nội hiện nay là trục đường Vành đai 4 vùng thủ đô. Theo Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn, việc thiết lập Vành đai 4 không chỉ mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội cho Hà Nội mà còn tạo ra hành lang phát triển kinh tế cũng như hành lang vận tải liên vùng. Trên thực tế, việc quy hoạch Vành đai 4 vùng thủ đô đã chậm hơn 10 năm, với thực trạng mãn tải của cao tốc Vành đai 3 trở thành đường trên cao đô thị, việc cấp tốc xây dựng Vành đai 4 sẽ cho phép điều hòa hệ thống cao tốc của Hà Nội cũng như giảm tải cho Vành đai 3. Lãnh đạo TP.Hà Nội cũng cho rằng việc mở rộng Vành đai 4 cho phép TP điều chỉnh tổng thể quy hoạch thủ đô, để khai thác động lực phát triển quỹ đất 2 bên tuyến với lộ giới rất rộng từ 90 - 135 m.

Quy hoạch tới năm 2030 thì khu vực chuỗi đô thị phía đông Vành đai 4 có quy mô dân số khoảng 1,2 - 1,4 triệu dân và đến năm 2050 là 1,7 triệu người. Đây là khu vực có tính chất đô thị ở, dịch vụ và thương mại tài chính ngân hàng, vui chơi giải trí, không gian có các công trình văn hóa, lịch sử của quốc gia. Quy hoạch cũng định hướng phát triển chuỗi khu đô thị phía đông Vành đai 4 trở thành các trung tâm hành chính, thương mại - dịch vụ của quốc gia và TP, nhằm đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, dịch chuyển dân cư từ đô thị trung tâm...

Định hướng không gian đô thị tại khu vực hai bên đường Vành đai 4 sẽ theo hướng đô thị nén, phát triển tập trung xung quanh khu vực ga đường sắt đô thị (TOD) và lan tỏa dần trong chuỗi đô thị, nâng hệ số sử dụng đất. Đặc biệt, khai thác không gian, đất đai hai bên tuyến đường để tăng hiệu quả đầu tư và giá trị quỹ đất.

Đáng chú ý, TP.Hà Nội sẽ nghiên cứu định hướng phát triển đô thị hai bên trục đường Vành đai 4 để khai thác hiệu quả giá trị đất đai sau khi đầu tư xây dựng tuyến đường...

TP.HCM cấp phép dự án dựa trên hạ tầng hiện hữu

Trong khi TP.HCM cũng đang lên kế hoạch chi tiết điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 và lập đồ án thiết kế đô thị riêng khu vực xung quanh những nhà ga các tuyến metro nhằm khai thác quỹ đất này. Đặc biệt, tuyến metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) sắp hoàn thành đã được xây dựng quy chế quản lý kiến trúc riêng cho khu vực hai bên đoạn từ chân cầu Sài Gòn đến cuối tuyến. Theo đó, đoạn hai bên dọc tuyến từ cầu Sài Gòn đến khu công viên lịch sử văn hóa dân tộc có chiều dài 14,83 km, diện tích rộng hơn 577 ha sẽ được phân thành 10 khu chức năng đô thị, được phân chia cụ thể như Khu A (Thảo Điền) là trung tâm đa chức năng của khu vực dân cư Thảo Điền; tổ chức quảng trường nhà ga và các dịch vụ hỗ trợ nhà ga metro; Khu B (An Phú) là khu trung tâm đa chức năng hiện đại, có quy mô lớn và đồng bộ của khu vực bắc xa lộ Hà Nội; Khu C (Rạch Chiếc) là nút giao thông quan trọng của TP, tổ chức đô thị theo hướng bảo đảm ít ảnh hưởng tới hoạt động giao thông cũng như bảo đảm môi trường sống tốt hơn cho người dân trong khu vực…

KTS Ngô Viết Nam Sơn đánh giá cách làm để hạ tầng đi trước là đúng đắn và là 1 trong 3 nguyên tắc quản lý đô thị đầu tiên mà TP.HCM cũng như các đô thị lớn tại VN cần ban hành. Nguyên tắc thứ hai là cấp phép xây dựng cho dự án không dựa trên hạ tầng tương lai mà dựa trên hạ tầng hiện hữu. Thứ ba, trường hợp nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn để đầu tư hạ tầng cho đạt yêu cầu về giao thông thì cần khuyến khích và có chính sách ưu đãi về tiền thuế hoặc lãi vay… “Chỉ cần tuân thủ 3 nguyên tắc này, công tác quản lý đô thị của các TP sẽ đi đúng hướng. Nếu công trình được cấp phép không đúng theo nguyên tắc thì lãnh đạo Sở trực tiếp liên quan phải chịu trách nhiệm. Như vậy vừa đảm bảo tính hợp lý, vừa minh bạch, triệt tiêu các tiêu cực trong quản lý cấp phép hạ tầng công trình”, ông Sơn góp ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.