Hạ đường huyết xảy ra khi lượng đường trong máu xuống dưới mức 70 mg/dl hoặc 3,9 mmol/L. Các triệu chứng thường gặp của hạ đường huyết là run, yếu sức, đổ nhiều mồ hôi, đói dữ dội, tim đập nhanh, chóng mặt, choáng váng, lo lắng, nhìn mờ, mất phương hướng và một số triệu chứng khác, theo trang thông tin sức khỏe Everyday Health (Mỹ).
Hầu hết trường hợp bị hạ đường huyết đều xảy ra ở người bị tiểu đường. Tuy nhiên, một số ít dù không bị tiểu đường cũng có thể bị hạ đường huyết.
Hạ đường huyết có thể xuất hiện nếu tuyến tụy tiết ra hoóc môn insulin nhiều quá mức cần thiết. Một nguyên nhân khác là do uống nhiều rượu bia, từ đó làm cản trở khả năng tích tụ đường glucose của gan. Ngoài ra, vấn đề về thận, bệnh gan, viêm gan, chán ăn, nhiễm trùng huyết hoặc rối loạn tuyến thượng thận cũng có thể là nguyên nhân làm hạ đường huyết.
Với người bị tiểu đường, hạ đường huyết xảy ra do sự kết hợp của các yếu tố như vận động thể chất quá mức, bỏ bữa hoặc dùng quá nhiều insulin.
Nếu không nhận thức được, người bệnh dễ rơi vào tình trạng hạ đường huyết nghiêm trọng đến mức nguy hiểm, gây ra các triệu chứng như co giật, ngất xỉu, hôn mê, thậm chí tử vong.
Không chỉ bệnh nhân tiểu đường mà người thân của họ cũng cần biết về nguy cơ của hạ đường huyết. Nếu nhận thấy các triệu chứng của hạ đường huyết, người bệnh cần báo ngay với người thân, bạn bè hay ai đó xung quanh để có thể giúp đỡ.
Để ngăn chặn nguy cơ hạ đường huyết, điều cần thiết là người bệnh phải theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên, tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục ở mức độ vừa phải và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Duy trì đường huyết trong phạm vi khỏe mạnh giúp giảm nguy cơ biến chứng, cải thiện sức khỏe và người bệnh có thể sống chung với tiểu đường, theo Everyday Health.
Tiềm ẩn nguy cơ ngừng tim cao trong phòng tắm
Bình luận (0)