Tình trạng tim bỗng dưng đập nhanh thình lình có thể xuất hiện ở bất kỳ nơi đâu. Đó có thể là lúc bạn đang đứng xếp hàng trước thang máy hay đang đi siêu thị, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Nhịp tim bình thường của con người sẽ dao động từ 60-100 nhịp/phút. Ở trạng thái nghỉ ngơi, nhịp tim có thể từ 60-70 nhịp/phút. Ngay cả khi nghỉ ngơi mà nhịp tim lên 90 nhịp/phút cũng có thể là điều bình thường.
Các chuyên gia tim mạch cho biết trong hầu hết trường hợp, nhịp tim nhanh bất thường hay bỗng dưng lỡ mất một nhịp đập không phải là dấu hiệu đáng lo. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là do trạng thái căng thẳng và lo âu có sẵn.
Không may là việc nhận ra tim mình bỗng dưng đang đập nhanh hơn có thể gây gia tăng căng thẳng ngay lúc đó và khiến tim đập nhanh hơn. Những lúc như vậy, các kỹ thuật hít thở và thiền có thể giúp làm dịu nhịp tim.
Những nguyên nhân thường gặp khác khiến nhịp tim tăng nhanh đột ngột có thể là do tác động của caffeine, rượu, nicotin trong thuốc lá, tác dụng phụ của một số loại thuốc giảm cân và thuốc thông mũi.
Đôi khi, tim đập nhanh có thể là dấu hiệu một số vấn đề trong cơ thể. Hạ đường huyết, nồng độ kali bất thường, thiếu máu, huyết áp thấp, nồng độ oxy thấp và tác dụng phụ của thuốc điều trị huyết áp cao đều là những nguyên nhân làm tăng nhịp tim.
Nguyên nhân khác có thể là do hoạt động bất thường ở tuyến giáp. Tuyến giáp có chức năng tiết ra các hoóc môn điều chỉnh quá trình trao đổi chất của cơ thể. Nếu các hoóc môn này tiết ra quá nhiều sẽ đẩy quá trình trao đổi chất nhanh hơn. Hệ quả là làm tăng nhịp tim.
Trong trường hợp nghiêm trọng, tăng nhịp tim đột ngột là dấu hiệu của rung tâm nhĩ, đặc biệt là ở người già. Tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ bị đột quỵ.
Nếu tim bạn có xu hướng đập nhanh hơn sau khi uống cà phê thì nguyên nhân có thể là do caffeine. Sau vài giờ, nhịp tim sẽ trở lại bình thường.
Nếu nhịp tim bỗng dưng nhanh và trước đây chưa bao giờ xảy ra tình trạng này thì nguyên nhân có thể do sự kiện nào đó gây căng thẳng nghiêm trọng gần đây hoặc tác dụng phụ của loại thuốc nào đó mới dùng.
Nếu nhịp tim tăng cao trên 100 nhịp/phút mà người mắc không vận động hay bị sốt thì cần đưa đến bệnh viện ngay. Tương tự, tim đập nhanh kèm theo đau ngực, khó thở, bất tỉnh hoặc chóng mặt cũng cần đưa đi cấp cứu. Đây đều là những dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng, theo Medical News Today.
Bình luận (0)