Bộ Công thương vừa có Quyết định số 1989/QĐ-BCT về kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Sản phẩm đường mía còn có nhiều tên gọi như đường cát, đường trắng, đường nâu, đường tinh luyện, đường thô...
Theo đó, áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với nhóm công ty gồm Công ty Mitr Phol Sugar Corp., Ltd. và 4 công ty liên kết; Công ty Czarnikow Group Limited; nhóm Công ty Thai Roong Ruang Industry Co., Ltd và 5 công ty liên kết.
Mức thuế chống bán phá giá thấp nhất được đưa ra trong quyết định này là 25,73% và cao nhất 32,75%, còn mức thuế chống trợ cấp cao nhất 4,65%. Bộ Công thương cho biết, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp là thuế nhập khẩu bổ sung, áp dụng với mía đường nhập khẩu có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan, kể cả nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan.
Mức thuế này có hiệu lực từ ngày 18.8.2023 đến 15.6.2026 (trừ trường hợp được thay đổi, gia hạn theo quyết định khác của Bộ Công thương căn cứ trên kết quả rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp theo quy định của pháp luật).
Trước đó, từ tháng 6.2021, Bộ Công thương đã chính thức áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức đối với các sản phẩm này là 47,64%. Kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra vụ việc đã xác định, có tồn tại hành vi bán phá giá, được trợ cấp của hàng hóa nhập khẩu bị điều tra (sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan), khiến ngành sản xuất ở trong nước đang chịu thiệt hại đáng kể; có mối quan hệ nhân quả giữa nhập khẩu hàng hóa bán phá giá và được trợ cấp với thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước...
Bình luận (0)