Người đút cơm cho cụ bà khuyết tật trên đường, gây sốt mạng xã hội là ai?

02/06/2021 12:01 GMT+7

Bức ảnh nữ thanh niên xung phong đút cơm cho người khuyết tật ngay trên vỉa hè được nhiều người chia sẻ mạng xã hội , truyền cảm hứng về lòng nhân ái cho giới trẻ .

Sáng 1.6, hình ảnh nữ thanh niên xung phong đang đút cơm cho một phụ nữ khuyết tật tại góc đường Võ Thị Sáu - Hai Bà Trưng (P.Tân Định, Q.1, TP.HCM) làm lay động nhiều người dùng mạng xã hội.
Trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ chia sẻ hình ảnh đẹp này và gọi đó hành động đầy ý nghĩa của nữ thanh niên xung phong, chị Trần Thị Thanh (46 tuổi), giữa lúc TP.HCM áp dụng lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.

Đút cơm cho người khuyết tật từ 2 năm nay

Chiều 1.6, Phóng viên Báo Thanh Niên có dịp trò chuyện cùng chị Thanh ngay tại giao lộ Võ Thị Sáu - Hai Bà Trưng. Lúc đó, chị Thanh đang thực hiện nhiệm vụ điều tiết giao thông.
Chị Thanh cho biết chị chính là người đút cơm cho phụ nữ khuyết tật trong bức ảnh được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội. Đến chiều 1.6, chị mới biết mình được chụp ảnh và cảm thấy rất bất ngờ khi nhiều người biết đến bức ảnh này.
Đây không phải là lần đầu tiên chị Thanh có nghĩa cử đẹp đối với người phụ nữ khuyết tật bán vé số. Chị Thanh đút cơm cho người phụ nữ khuyết tật này trong suốt 2 năm qua, kể từ khi bà đến đây bán vé số. 

Bức ảnh nữ thanh niên xung phong đút cơm cho người khuyết tật gây sốt mạng xã hội

ảnh chụp qua mạng xã hội

Ban đầu, khi nhận thấy bà cụ tay chân co quắp, miệng không nói được lời nào và luôn làm rơi thức ăn, chị Thanh đi mua cơm và đút cho bà vào giờ giải lao trong ca trực buổi sáng.
“Thật sự tôi không biết rõ người ta như thế nào. Tôi chỉ thấy người ta tật nguyền, bán vé số mưu sinh. Ban đầu, tôi cũng hơi ngại khi đút cho bà giữa đường nhưng rồi cũng quen và cảm thấy bình thường. Tôi thấy hoàn cảnh như vậy nên chịu không nỗi tôi mới giúp, chứ tôi không nghĩ gì. Tôi giúp bằng sự hoan hỉ của mình. Tôi nghèo nhưng giúp được gì thì tôi giúp”, chị Thanh nói.
Bên cạnh đó, chị Thanh liên tục rửa tay cho bà cụ để đảm bảo phòng dịch Covid-19xịt dung dịch khử khuẩn lên tóc, vé số để cụ được an toàn khi tiếp xúc với người khác.

Công việc của chị Thanh điều tiết giao thông tại chốt Võ Thị Sáu - Hai Bà Trưng

Chị Thanh công tác trong Công ty TNHH MTV DV Công ích Thanh niên xung phong được hơn 19 năm. Trải qua nhiều nhiệm vụ khác nhau, chị được điều động hỗ trợ điều tiết giao thông cách đây 3 năm.
Trước đây, khi còn trực ở chốt Trần Quang Khải, chị Thanh từng giúp đỡ một cụ bà khuyết tật đi ăn xin bằng cách chở cụ về nhà, che nắng mưa cho bà trên đường. Thậm chí, chị còn xin quần áo thay cho cụ ngay trên đường khi cụ đại tiện.
“Tôi cũng không thấy dơ hay ngại ngùng gì, chỉ xem cụ như người thân trong nhà, tôi cũng không suy nghĩ gì hết”, chị Thanh chia sẻ.

Tôi giúp bằng sự hoan hỉ của mình. Tôi nghèo nhưng giúp được gì thì tôi giúp

Chị Trần Thị Thanh 

Truyền cảm hứng về lòng tốt cho giới trẻ

Chia sẻ hình ảnh của chị Thanh lên mạng xã hội, Nguyễn Minh Thư (27 tuổi, nhân viên văn phòng ở Q.3, TP.HCM) cho rằng nghĩa cửa đẹp này là niềm cảm hứng về lòng tốt cho giới trẻ.
Minh Thư nhận xét việc làm của chị Thanh tuy đơn giản nhưng không phải ai cũng có đủ dũng cảm để thực hiện, nhất là ở trên đường. Đó là điều đáng quý và trân trọng,càng đặc biệt hơn diễn ra trong mùa dịch Covid-19. Đây là một bài học rất giá trị về cuộc sống cho giới trẻ, về sự cho đi không cần nhận lại, theo Minh Thư.

Bạn trẻ cho biết, lòng tốt của chị Thanh đã truyền cảm hứng đến với nhiều người

Còn Nguyễn Kỳ Hoa (25 tuổi, ngụ đường Tăng Nhơn Phú B, TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết cô cảm nhận lòng tốt luôn ở xung quanh sau khi xem bức ảnh đó. "Nó như nhắc nhở những người trẻ phải sống một cách có ích, biết giúp đỡ người khác trong lúc khó khăn. Chị Thanh xứng đáng được nhận hàng triệu trái tim từ cộng đồng bởi hành động đẹp này", Kỳ Hoa chia sẻ.
Kỳ Hoa nói thêm: “Chúng ta không cần phải kêu gọi giúp đỡ ở đâu xa, những người xung quanh mình họ cũng cần sự giúp đỡ. Nhất là trong mùa dịch này, hình ảnh đút cơm cho người khuyết tật của nữ thanh niên xung phong ấy thật sự ý nghĩa với cộng đồng, để không một ai bị bỏ lại phía sau”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.