(TNO) Gọi là “quan trẻ” bởi đạo diễn Bùi Như Lai vừa lên chức Trưởng đoàn 1 của Nhà hát Tuổi Trẻ, với gương mặt rất trẻ và máu nghề đang sôi sùng sục. Anh vừa vào Sài Gòn, đem theo một “cô Hến” sắc sảo và mấy chục đào kép giỏi xinh của đất Hà thành, mong chinh phục trái tim khán giả đất phương Nam. Các vở diễn sẽ ra mắt tại Nhà hát TP.HCM và rạp Công Nhân, từ ngày 3 đến ngày 13.3.
>> Có những đạo diễn trẻ "dám liều, dám chơi
|
Hai năm, đến hẹn lại lên, đoàn 1 của Nhà hát Tuổi Trẻ lưu diễn phía Nam. Nhưng năm nay, đạo diễn Bùi Như Lai vừa thay cho NSƯT Anh Tú nắm giữ đoàn 1.
Thanh Niên Online đã có cuộc trò chuyện với Bùi Như Lai, một đạo diễn vừa nổi đình nổi đám với hàng loạt vở kịch đương đại như Stereo Man, Hành trình đi tìm cảm xúc, Hãy là chính mình…
Thanh Niên Online: Chuyến đi lần này, anh mang theo đến 5 vở, là Thị Hến, Nhà có 3 chị em gái, Nhà có 5 anh em trai, Cầu vồng lục sắc, Phụ nữ ơi, em là ai? Có vẻ hơi nhiều so với các chuyến đi trước đoàn 1 thường chỉ trình làng 2 - 3 vở. Chắc là anh đang phấn khởi trong vai trò lãnh đạo mới toanh?
Đạo diễn Bùi Như Lai: Một phần thôi. Phần lớn nhất vẫn là phấn khởi khi thấy khán giả phía Nam chịu xem kịch Bắc, cho nên chúng tôi mới dám “tái ngộ” đều đều, và lần này NSND Lê Khanh ra tay đạo diễn vở Thị Hến nữa, chắc chắn sẽ chinh phục được khán giả phía Nam. Trong 5 vở thì có đến 4 vở lấy phụ nữ làm trung tâm, để chúng tôi gởi đến các bà, các chị em phía Nam một lời tâm tình sâu sắc nhân ngày 8.3 sắp tới. Đặc biệt trong đó có đến hai vở của tác giả nữ Nguyễn Thu Phương, là người Sài Gòn, diễn mấy năm nay vẫn còn được hoan nghênh là Nhà có 3 chị em gái và Nhà có 5 anh em trai.
* Hình như sau này kịch phía Bắc đã mềm mại hơn chứ không còn “lên gân” nhiều như trước. Thậm chí, đã có nhiều thể loại hơn chứ không chỉ chính luận, như kịch hài, kịch màu sắc, dân gian…
|
- Vâng, trong kịch mục lần này có đủ hết. Chúng tôi phải thay đổi để khán giả chấp nhận. Diễn mềm mại hơn sẽ dễ chuyển tải thông điệp đến người xem. Dù nói chuyện gì có sâu sắc, dữ dội đi nữa thì cũng phải có “cách nói” dễ chịu chứ. Ngay cả vở Thị Hến lần này do NSND Lê Khanh đạo diễn cũng sẽ rất mềm, rất vui, nhưng ý tứ câu cú thì nghe kỹ mới thấy thấm vào tận tim.
|
* Không biết anh có khát vọng gì mới khi phải điều hành một đơn vị?
- Khát vọng lớn nhất của tôi lúc này là muốn dựng một sê ri kịch tâm lý, mong đánh thức cảm xúc khán giả sau quá nhiều kịch hài ở phía Bắc lẫn phía Nam. Kịch tâm lý dĩ nhiên cũng có tiếng cười bên trong nhưng là tiếng cười trăn trở, và lời văn của kịch tâm lý rất đẹp, khiến người ta không còn dễ dãi trong diễn xuất và thưởng thức. Mình dựng kịch sinh hoạt mãi rồi không còn chiều sâu thẩm mỹ nữa. Mà sân khấu có nhiều chức năng, sao mình cứ xoáy vào chức năng giải trí mà quên chức năng giáo dục, thẩm mỹ, hướng thiện… À, mà dự án đang ấp ủ thôi, không dám nói nhiều đâu.
* Anh có tin vào khán giả không? Liệu họ xem kịch sinh hoạt mãi rồi quen, giờ trở lại với kịch như anh nói chắc sẽ khó khăn?
- Không tin khán giả thì biết tin ai. Trong mấy triệu dân của Hà Nội và của TP.HCM không lẽ không có nổi 1 triệu người biết thưởng thức kịch tâm lý, văn học. Mà chúng tôi đâu có làm theo kiểu căng thẳng, chắc chắn sẽ chọn một con đường mềm mại như đã nói ở trên. Và chúng tôi cũng tin vào bản thân nữa. Làm nghề phải tự tin chứ. Cứ làm hết sức hết lòng thôi chị ạ, nghề không bỏ mình đâu.
* Anh cũng rất năng động khi tìm tài trợ để diễn các vở kịch đương đại trong các trường đại học tại Hà Nội. Anh có hy vọng làm được như thế tại TP.HCM?
- Hy vọng nhiều lắm. Nhưng cũng khó khăn nhiều hơn, vì trong này chúng tôi ít quen biết. Mà vẫn cứ đến liên hệ, chứ thụ động ngồi một chỗ thì cầm chắc con số không. Nhưng trước hết là diễn các vở tâm lý này đã, tiếp cận dễ hơn. Tôi mong các vị hiệu trưởng cho chúng tôi cơ hội trình làng, vì chắc chắn sau đó sẽ chinh phục được các bạn trẻ. Không có cơ hội thì mãi mãi không biết kết quả thế nào. Giá rất rẻ thôi mà. Đôi khi giá trị văn hóa so với vật chất khác thấy mà tủi thân. Nhưng xin hãy dành một chút cho văn hóa, nếu không chúng ta sẽ đánh mất nhiều thế hệ.
* Cảm ơn anh. Chúc anh may mắn và thành công.
Hoàng Kim
>> Nhà hát Tuổi Trẻ vào nam
>> 4 cô gái Pháp “đốt cháy” sân khấu nhà hát Tuổi trẻ
>> Nhà hát Tuổi Trẻ tham gia dự án quốc tế Shakespeare 24
Bình luận (0)