Em trai ông Hồ Hùng Anh trúng cử HĐQT Techcombank

Anh Vũ
Anh Vũ
24/04/2021 15:20 GMT+7

Đại hội đồng cổ đông của Techcombank diễn ra sáng 24.4 tại Hà Nội đã biểu quyết, bầu ông Hồ Anh Ngọc vào HĐQT ngân hàng này nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Đây là thông tin đáng chú đối với dư luận, bởi ông Hồ Anh Ngọc là em trai Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) Hồ Hùng Anh.
Tân thành viên HĐQT của Techcombank thuộc thế hệ đầu 8X (39 tuổi) nhưng đã đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong hệ thống của nhà băng này. Ông Hồ Anh Ngọc học thạc sĩ kinh tế Trường đại học Macquarie Sydney, Úc. Ông cũng là thành viên CPA được cấp bởi Hiệp hội Kiểm toán Úc. Từ tháng 1.2007, ông Hồ Anh Ngọc đã đảm nhiệm nhiều vị trí tại Techcombank, từ Phó giám đốc Trung tâm thẻ dịch vụ tiêu dùng, Giám đốc chi nhánh TP.HCM, Phó giám đốc Khối ngân hàng bán buôn kiêm Giám đốc Ngân hàng bán buôn miền Nam,...
Hiện ông Ngọc đảm nhiệm Ban đại diện miền Nam của Techcombank, là Chủ tịch HĐQT của One Mount Group, Chủ tịch Công ty CP 1MG Housing, Chủ tịch công ty CP One Distribition. Ngoài ra, từ 1.2013 đến 5.2018, ông từng là Phó chủ tịch và Chủ tịch Hội đồng thành viên của Techcombank AMC.
Tại đại hội đồng cổ đông sáng nay, cổ đông cũng đặt câu hỏi đối với ông Hồ Hùng Anh, nếu ông “rút lui”, không tham gia sâu vào việc quản trị Techcombank, liệu rằng ngân hàng có giữ được vị thế, quy mô, giá trị phát triển hàng đầu trong khối các nhà băng cổ phần hiện nay hay không? Chủ tịch HĐQT Techcombank cho biết, nền tảng phát triển của ngân hàng lấy “khách hàng làm trọng tâm”, thu hút nhân tài, phân cấp vai trò, trách nhiệm rõ ràng…
Ngay tại cuộc họp, tất cả lãnh đạo ban điều hành trực tiếp trả lời thắc mắc của cổ đông, điều đó theo ông Hồ Hùng Anh, đã khẳng định vai trò, trách nhiệm, giá trị của từng vị trí trong hệ thống của ngân hàng.

Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh tại đại hội đồng cổ đông sáng 24.4

Ảnh Nguyễn Hải

Không chia cổ tức, giữ lợi nhuận tạo đà tăng trưởng

Ngoài nhân sự, 2 câu chuyện rất nóng khác mà cổ đông quan tâm là việc Techcombank giữ lại lợi nhuận, không chia cổ tức và kiểm soát nợ xấu vào bất động sản. Lý giải về việc không chia cổ tức, ông Hồ Hùng Anh cho biết, liên quan đến chiến lược, mục tiêu phát triển của từng nhà băng.
Quan điểm của Techcombank là việc chia cổ tức bằng cổ phiếu ngoài việc phải đóng 5% thuế thu nhập cá nhân sẽ làm tăng thêm số cổ phần lưu hành, pha loãng giá cổ phiếu. Techcombank chú trọng đến việc kinh doanh làm sao các chỉ số tốt nhất và hiệu quả cao nhất mang lại giá trị lâu dài cho các cổ đông, giữ lại lợi nhuận để tăng nguồn vốn chủ sở hữu, tạo đà tăng trưởng…
Đối với cho vay bất động sản, cổ đông phản ánh dư nợ chiếm hơn 30%, đây là lĩnh vực vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt cơn sốt đất vừa qua. Ông Hồ Hùng Anh cho biết, Techcombank có chiến lược cho vay rõ ràng với bất động sản, lựa chọn chủ đầu tư tốt, sản phẩm cung cấp cho khách hàng vay được đánh giá kỹ. Điều này được thể hiện thông qua tỷ lệ nợ xấu lĩnh vực này luôn ở mức thấp trong gần 10 năm qua.
“Mua nhà các dự án của Tập đoàn Vingoup, Sungroup, Ecopark được Techcombank triển khai rất thận trọng. Vấn đề lựa chọn khách hàng nào, đối tượng và tài sản nào, tuy nhiên chiến lược chung của Techcombank là lĩnh vực nào cũng có rủi ro nên phải đi vào lĩnh vực thật sự hiểu khách hàng, khai thác tốt để mang lại giá trị cao”, Chủ tịch Techcombank khẳng định.
Năm 2025 đặt mục tiêu vốn hoá 20 tỉ USD 
Năm 2020, Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế 15.800 tỉ đồng, tăng 23,1%. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đứng đầu ngành ngân hàng, đạt mức 3,1% và 46,1%. Techcombank vẫn duy trì được vị thế vốn hàng đầu với tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 16,1%, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,5% (thấp nhất trong hệ thống) và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện lên tới 171% vào thời điểm cuối năm 2020.
Đại hội đồng cổ đông đã thông qua Kế hoạch kinh doanh 2021 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 19.800 tỉ đồng, tăng 25,3% so với năm 2020. Dư nợ tín dụng dự kiến đạt 356.199 tỉ đồng, tăng trưởng 12% so với 2020, hoặc cao hơn trong mức quy định cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Tiền gửi của khách hàng được kỳ vọng đạt 334.291 tỉ đồng, tương đương mức tăng trưởng 14,7% hoặc cao hơn; nợ xấu dưới 2,0%. 
Về tầm nhìn giai đoạn 2021 - 2025, Techcombank đặt chiến lược chuyển đổi ngành tài chính, nâng tầm giá trị sống, mục tiêu trở thành ngân hàng vốn hóa 20 tỉ đô với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) ở khoảng 20%, tỷ lệ thu nhập từ phí (NFI/TOI) đạt 30% và tỷ lệ CASA là 55%...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.