Em Vân - truyện ngắn dự thi của Nguyễn Đức Bình (TP.HCM)

08/11/2023 16:00 GMT+7

Mưa. Những đám dây choại bật dậy len lỏi khắp các rừng tràm rừng khóm. Cứ thế chúng chen nhau cắm rễ vào đất phèn rồi vươn lên những chột (1) xanh xoăn tít non tơ. Chúng giơ những chột choại cuộn tròn đua nhau vẽ những nét cọ hình dấu hỏi mươn mướt thổi sức sống tràn rừng hoang.

"Cảm ơn tụi mày… hổng hương cũng hổng có sắc màu tinh tươm gì hen, nhưng ai mà cần… tụi mày còn đẹp gấp mấy lần những bông hồng lung linh cần chăm chút kia hen…". Vân lỏn lẻn nở nụ cười thì thầm với những chồi xanh. Lần nào, trước khi lội xuống bẻ những chột choại, Vân cũng vươn tay rẽ những lùm cây để nựng nịu những chột non ú nụ đang đung đưa trong sương sớm, cảm ơn chúng đã giúp Vân những tháng ngày lớn lên bớt khổ.

Em Vân - truyện ngắn dự thi của Nguyễn Đức Bình (TP.HCM) - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Shutterstock

Gà chưa gáy sáng, ngôi nhà liêu xiêu mái nép mình bên dòng kinh đã nghe tiếng đổ vỡ. Ngôi nhà trống huơ, gió chẳng buồn luồn qua khe cửa mà cứ thế xộc thẳng vào giường ngủ của Vân. Em tỉnh giấc, thính nhạy như từ khi sinh ra.

- Anh mần chi thì mần… tui chịu không nổi nữa... a… - Tiếng má Vân cứa rách trời.

- Thôi mà… mình đi bẻ chột choại lần hồi cũng đủ sống mà... - Tía Vân ngùi ngùi, ánh mắt van xin.

- Hái chột choại muốn rách hết da, vắt búng bụp bụp tận tai. Đi từ lúc người ta còn đương ngủ tới trưa trầy mới kiếm được mấy xu lẻ. Anh coi… vậy mà cũng được hả? - Má Vân chìa tay, bàn tay trắng trẻo ngày nào, giờ lam nham sứt sẹo ngang dọc. Đôi mắt rì rào biết hát trên gương mặt tươi óng ả của má từ lâu cũng đã nhường chỗ cho lam lũ của những ngày khốn khổ. Tía Vân lặng im, rầu rĩ xách chiếc giỏ, lủi thủi đi. Vân he hé vén mùng, nhìn má đang nghèn nghẹn đi theo tía.

Có tiếng lục đục, nội đã ngồi dậy từ bao giờ. "Tía bay đờn hay hát giỏi nên làng trên xóm dưới mấy đứa tụi nó đeo dữ lắm. Thương ai hổng thương, lại thương ngay má bay mần chi… để giờ cháu tui nó khổ". Nội kéo chiếc khăn rằn, chấm nước mắt, rồi tới bên Vân ôm em vào lòng. "Má bay con nhà đài các… vì mê ngón đờn của tía bay mà nên duyên vợ chồng. Vậy mới sanh chuyện, bên ngoại bay từ má bay luôn vì nói con gái bỏ nhà theo trai. Họ bán hết nhà cửa rồi bỏ xứ lên Sài Gòn vì ở quê kêu sợ mất mặt với bà con".

Mưa, là khi phù sa về theo những cuồn cuộn của nước. Nước chở theo cá tôm róc rách khắp đồng.

Một ngày mưa năm nào, Vân đeo chiếc ba lô nho nhỏ xinh xinh màu hồng đã cũ đứng sát rạt mé sông. Nội giữ chặt tay em nhưng em vẫn giơ được bàn tay bé xíu vẫy vẫy chào má đang chèo ghe qua bên kia sông giao chột choại cho quán cháo cá lóc của bà Bảy Lù. Sao chỉ cách một con sông, mà bên kia hào hoa tráng lệ, còn bên này sông nhà Vân xác xơ một màu tối hù, ánh lên từ đôi mắt của nội, từ đôi tay gân guốc của tía và từ cả căn bếp hay nguội lửa của mẹ.

- Coi chừng té, đi học ngoan nghen con - Má Vân cũng giơ tay chào em vọng từ những ì oạp của sóng.

- Dạ…a… Má đi chợ dzìa mua búp bê cho con nghe - Vân dạ thiệt dài lảnh lót, cánh tay em phất phơ lẫn vào những bông cỏ lau mọc đầy bên sông.

- Ừa… - Má Vân vẫy tay chào em.

Chiếc ghe ra giữa sông bị những con sóng lớn nhồi chòng chành rồi xa dần. Chỉ tới lúc không nhìn thấy bóng má nữa, Vân mới buồn bã quay đi theo nội. Lúc nào em cũng sợ má qua bên kia sông và sẽ không trở về.

Bà Bảy Lù là bạn của nội Vân. Nghe nội bảo, bà Bảy Lù tên thật là Hương. Má Hương quặn thắt tim gan sanh tới lần thứ bảy mới được Hương, lớn lên xinh đẹp và được cưng chiều. Thời trẻ, Hương đẹp nhất vùng, lúc nào cũng mơ mộng văn chương. Mười bảy tuổi, Hương lấy thêm đệm thành Thu Hương, có truyện được đăng trên nhật trình trên Sài Gòn. Thư từ tới tấp gửi về cho Thu Hương khiến xóm nhỏ xôn xao. Chẳng biết Thu Hương thư từ hứa hẹn qua lại thế nào với một ông nhà văn chuyên viết chuyện diễm tình, cái ông đã giúp đăng truyện của Thu Hương ấy, mà cô bỏ nhà bỏ cửa lên Sài Gòn. Chẳng mấy lúc thì phát hiện ra ông nhà văn đã có vợ con. Thu Hương hận tình, dấn bước vào chốn chơi bời, tàn một giấc mộng văn chương. Rồi thời gian tàn phá bạo liệt phận má hồng. Mấy chục năm sau, Thu Hương trở về quê cũ, dắt theo thằng Tâm kêu bằng cháu nội. Từ đấy bà con chòm xóm gọi chết tên Thu Hương là Bảy Lù.

Nội Vân giơ một bàn tay nắm lấy tay Thu Hương. Nội bày cho bạn cách nấu cháo cá lóc. Cô gái xinh đẹp xưa kia giờ đã già nhưng vẫn hiên ngang ngày ngày nổi lửa nấu nồi cháo cá lóc nuôi thằng Tâm giữa những nhỏ to xúc xiểm. Quê nhà, như bao đời, vẫn là nơi chốn duy nhất che chở và chữa lành những vết thương của những kiếp người sa cơ.

"Dạ…a… Má đi chợ dzìa mua búp bê cho con nghe". Câu hẹn với má vẫn vang vang tai Vân. Nhưng em chờ, chờ mãi và buổi sáng bên sông hôm ấy là lần cuối cùng Vân thấy má. Em chưa chưa kịp thêm một lần sà vào lòng má để tìm hơi ấm, chưa kịp nhớ gương mặt dáng người… thì má đã đi đâu mãi chưa thấy trở về. Con búp bê có lẽ chỉ còn là truyền thuyết tô buồn cho những ngày mưa.

Mấy tháng sau, Vân chưa kịp hết ngơ ngác hỏi nội hoài một câu "Nội ơi, má đi đâu vậy nội, sao má chưa dzìa nội?" thì tía Vân cũng bỏ đi đâu chẳng ai hay.

Chòm xóm xôn xao chuyện tía má Vân. Người thì nói thấy má em bên kia sông, người thì méc má đã bỏ lên Sài Gòn, có người lại gieo tiếng má em bỏ chồng theo trai, tía em hận tình nên đã trẫm mình sông sâu. Có người thầm thì với nội chuyện họ chính mắt thấy má Vân ở nhà ngoại bên kia sông. Vân chẳng kể người ta méc gì, em chỉ sợ một ngày đã không còn nhớ được gương mặt của tía má nữa.

Bà con chòm xóm thương hai bà cháu Vân côi cút nên thường chia sẻ mớ rau con cá cho hai bà cháu. Vân lớn lên bên nội, hoang dại như dây choại của rừng.

Nội Vân héo úa như dây trầu bị cắt gốc, vậy mà vẫn ngày ngày lội rừng hái chột choại, rồi nhờ ông cậu Tư, em trai của bà, đem qua bên sông giao cho bà Bảy Lù. Nhưng nội ngày càng yếu dần. Đi cả buổi bàn tay run rẩy của nội cũng chỉ bẻ được chừng vài ba ký lô. Nội mặc mấy lớp quần áo mà lá choại vẫn rạch đứt những lớp vải tơi tả, rạch vào da thịt nội vốn đã chẳng còn gì để mà rạch nữa.

"Mắt nội hết thấy đường, con đi theo để dắt ngoại nghen", Vân nói, rồi theo nội đi bẻ chột choại. Nội cười mà như nhỏ từng giọt nước mắt vào tim.

Bàn chân Vân đã lâu lắm rồi không còn cảm giác rờn rợn khi đạp xuống bùn. Cô không còn sợ những xác lau lách hay hằng hà lớp gai và lá khô trải thảm đáy lòng kinh. Những con vắt búng lên tận tai, tận cần cổ cũng không làm em sợ bằng một ngày thức dậy, em sẽ bị bỏ lại trơ trọi một mình. "Chỉ có tía má bay mới bỏ bay thôi…". Nội nói, đôi mắt khô cong bấy lâu chợt ngấn nước.

Nội sốt cao sau bữa đạp trúng một cây sắt gỉ. Nó đã đâm lủng chiếc dép mỏng như lá lúa của nội. Chòm xóm thăm hỏi, tính chở nội đi nhà thương nhưng chỉ kịp thấy đôi mắt long lanh nước của Vân đang gục trên ngực nội.

Bà Bảy Lù viếng tang nội dắt theo thằng Tâm cháu nội của bà.

- Tao ứng tiền trước mua choại nghe, có đâu mà cho bây - Bà Bảy Lù giúi vào tay Vân xấp tiền, nói sang sảng trước khi Vân kịp chối từ. Thằng Tâm lóng ngóng mãi mới nói "từ rày sẽ lái ghe qua lấy chột choại của Vân".

- Bây mà hổng hái chột choại cho tao là quán tao đóng cửa đó nghe hông! - Bà Bảy Lù vẫn sang sảng, nhưng Vân chợt thấy bà quay đi giấu nước mắt.

Bên ngoại Vân cũng có người bà con tới viếng là ông Năm Phỉ, cậu họ của Vân. Vân bỗng căm ghét tất cả những người bên ngoại, căm ghét mẹ. Vân ước họ không có mặt trên cõi đời này để em bớt khổ.

Cậu Năm Phỉ dọ ý bên ngoại muốn đưa em về nuôi, nhưng Vân bảo "Hổng cần mấy người". "Dây choại thứ thiệt sống nơi hoang dã, tất cả những gì nó cần là tự do và đất phèn, và nước lợ, và mưa", Vân nghĩ, và em chợt mỉm cười thương cho loài rau dớn (2). Người "họ hàng" của choại đã bị thuần hóa và đem trồng trong vườn nhà. Còn choại vẫn hiên ngang bướng bỉnh và cứng đầu, chỉ chọn ở nơi đất phèn rừng hoang.

Từ bữa ấy, thằng Tâm ngày nào cũng lái ghe qua sông với Vân. Nhưng nó không chỉ sang lấy rau mà luôn đi từ sáng sớm để giúp Vân bẻ chột choại. Nó bảo một mình Vân bẻ không đủ cho nội nó bán nên phải qua để bẻ thêm. Nhưng Vân biết tỏng, thằng Tâm giúp em bẻ choại để xong sớm còn đi học. Mà lạ, nó hái được bao nhiêu đều cho Vân hết.

Quán cháo cá lóc của bà Bảy Lù có từ lúc cả dãy phố vẫn là những căn nhà lụp xụp. Nhưng sau này, thời thế đổi thay, người ta có tiền đua nhau đập phá nhà cũ để xây nhà lầu. Khi không, quán Bảy Lù trơ ra ẩm ương như cái mụn cóc giữa dãy phố sáng trưng. Mấy cái bàn cái ghế cũ kỹ, những tô những muỗng cũng xưa cũ nhưng rất sạch sẽ tinh tươm.

Ban đầu, bà Bảy Lù chỉ bán cháo cá lóc, buôn bán lai rai qua ngày. Mãi sau này, bà qua sông thăm nội Vân mới được nội mời ăn cháo cá lóc với chột choại.

Hồi ấy mùa mưa, má đang có bầu Vân. Tía Vân chăm lội sình vớt cá rô, lượm cua về tẩm bổ cho má Vân. Nội bắc nồi cháo cá rô, rồi ra bờ kinh bẻ chột choại về. Những chột choại cuộn tròn như những dấu hỏi từ thuở hồng hoang, qua bàn tay nội trở thành một thức rau ngon đến nỗi không có sách vở nào tả nổi. "Chỉ bẻ chột thôi nghe", Vân vẫn nhớ không biết bao nhiêu lần nội dặn tía má Vân, rồi tới Vân như vậy.

- Chột choại là những dấu hỏi chưa có câu trả lời. Chột choại tích tụ nhựa sống, nén căng những chắt lọc của rễ choại từ những đất phèn nước lợ, để rồi bừng xòe lá. Khi ấy không gọi là chột nữa mà kêu bằng lá choại đó con - Nội dạy Vân, còn em tròn xoe mắt nghĩ: "A, nội cũng đang chắt lọc đất trời tạo dấu hỏi cho Vân đây".

Những chột choại non xanh ngát trong tô cháo cá thơm lừng mùi gạo quê, những thớ cá rô trắng tinh đã gỡ xương, thêm chút tiêu lấm tấm cay cay, xíu ớt bằm… vậy là nội Vân đã có một tô cháo khiến bà Bảy Lù giương đôi mắt nghi ngờ.

- Mèng ơi, sao trên đời lại có món cháo cá chột choại ngon hết biết vậy trời! - Bà Bảy Lù ăn miếng đầu tiên bỗng dưng dừng lại kinh ngạc. Rồi bà ăn hối hả, vừa hít hà vừa khen không ngừng.

Từ hôm ấy, quán của bà Bảy Lù bán món cháo cá lóc chột choại. Thứ rau hoang đơn sơ bỗng trở thành món ngon nức tiếng bên kia sông.

***

- Mùa mưa sắp tới rồi - Thằng Tâm cầm cuộn băng keo leo lên mái nhà Vân. Nó dán keo chống dột vào những lỗ thủng lỗ chỗ trên mái tôn. Có bàn tay nó, ngôi nhà của Vân đã không còn liêu xiêu nữa.

- Coi chừng té nghe - Vân lăng xăng ngó nghiêng thằng Tâm trên mái nhà.

- Nội nói đã hẹn Vân từ mai qua trông coi quán cho nội, chân tay nội yếu rồi bán không nổi nữa… phải không? - Tâm nói vổng xuống.

- Ừa!

Những tia nắng rọi tới khiến gương mặt Vân biến thành những cánh hoa hồng. Ngoài kia, những chột choại lại sắp sửa nảy chồi. Nhưng chột choại không còn vẽ những dấu hỏi để hỏi Vân nữa. Chúng đong đưa như những vòi voi tinh nghịch, chúng rì rào kể chuyện về loài choại rừng hoang vươn lên và trỗi dậy vào mỗi mùa mưa về, xanh non.

--------------------

(1) Choại thân dây leo. Chột là lá choại khi vẫn còn cuộn tròn chưa xòe thành lá.

(2) Dớn là loài thực vật cùng họ dương xỉ với choại, lá non giống lá choại nhưng thân bụi.

Em Vân - truyện ngắn dự thi của Nguyễn Đức Bình (TP.HCM) - Ảnh 2.

Thể lệ

Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng

Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.

Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.

Cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 của Báo Thanh Niên đề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.

Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).

Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.

Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.

1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.

Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.

Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.

Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.

Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: songdep2023@thanhnien.vn hoặc qua đường bưu điện (Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trang Sống đẹp của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.