Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét các lựa chọn pháp lý để đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), nhánh quyền lực nhất trong bộ máy an ninh nhà nước của Iran, vào danh sách tổ chức khủng bố. Nếu xảy ra, đây sẽ là một thay đổi chính sách quan trọng có thể đặt dấu chấm hết cho mọi hy vọng về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Tehran, theo tường thuật của Financial Times ngày 30.1.
Động thái này nhận được sự ủng hộ của Pháp và Đức - cả hai đều là bên tham gia thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức), được biết đến với tên đầy đủ là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA). Đây được xem là hành động đáp trả việc Tehran cung cấp máy bay không người lái có khả năng tấn công cho Nga để sử dụng trong xung đột tại Ukraine, cũng như việc chính phủ Iran trấn áp các cuộc biểu tình trong nước.
Mỹ tìm cách siết nguồn, chặn Iran gửi UAV cho Nga
Bốn quan chức am tường về các cuộc thảo luận trong EU nói với FT rằng Paris và Berlin đã lên tiếng ủng hộ biện pháp này tại một cuộc họp của các ngoại trưởng vào tuần trước. Bộ phận pháp lý của EU sẽ soạn thảo ý kiến gửi đến 27 nước thành viên về tính hợp pháp của biện pháp này trong vòng ba tuần tới.
"Đúng vậy, một số quốc gia thành viên đang ủng hộ đề xuất này. Nhiều nước sẽ ủng hộ", ông Josep Borrell, cao ủy đối ngoại của EU, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Việc các chính phủ coi quân đội của một quốc gia khác là tổ chức khủng bố là điều hết sức bất thường và việc ủng hộ động thái này nhấn mạnh lập trường cứng rắn của các nước phương Tây đối với Iran, theo FT. Ngoài EU, Anh đã tiến hành đánh giá riêng về việc có nên coi IRGC là tổ chức khủng bố hay không. Trong khi đó, chính quyền Mỹ đã coi IRGC là tổ chức khủng bố vào năm 2019.
Lập trường của Đức và Pháp rất quan trọng vì hai nước này - cùng với Mỹ, Anh, Nga và Trung Quốc - hiện vẫn là những bên tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran. Theo một quan chức Pháp, Paris quan tâm đến khả năng coi một số bộ phận được chia theo khu vực của IRGC là các thực thể khủng bố thay vì toàn bộ lực lượng. Bộ Ngoại giao Đức cho biết "không chỉ có những rào cản chính trị mà còn có những rào cản pháp lý lớn" đối với việc đưa IRGC vào danh sách tổ chức khủng bố.
Iran đã chuyển giao công nghệ để Nga tự sản xuất UAV "tự sát" tấn công Ukraine?
Với sự hậu thuẫn của Paris, Berlin và London, ông Borrell là trung gian trong các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran nhằm cứu vãn những gì còn lại của thỏa thuận hạt nhân. Thỏa thuận này đặt ra những giới hạn nghiêm ngặt đối với hoạt động hạt nhân của Iran để đổi lấy việc phương Tây dỡ bỏ nhiều lệnh trừng phạt áp đặt lên nước này. Song thỏa thuận đã sụp đổ vào năm 2018 sau khi tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Donald Trump đơn phương rút lui và áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt đối với nước cộng hòa Hồi giáo.
Iran đã phản ứng mạnh mẽ bằng cách mở rộng chương trình hạt nhân của mình và hiện đang làm giàu uranium gần với cấp độ vũ khí. Các chính phủ phương Tây đã tìm cách tách các cuộc đàm phán về việc khôi phục thỏa thuận khỏi các mối quan tâm khác liên quan đến Iran vì họ tin rằng JCPOA là cơ hội tốt nhất để ngăn chặn Tehran phát triển khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi khi phương Tây ngày càng giận dữ trước việc Iran bán vũ khí cho Nga cũng như trấn áp người biểu tình. Theo ông Borrell, hai vấn đề này “chắc chắn có ảnh hưởng chính trị” đến chính sách của EU đối với Iran.
Ông Borrell cảnh báo rằng triển vọng cho các cuộc đàm phán liên quan đến JCPOA, vốn đã xa vời, sẽ sụp đổ nếu EU chính thức coi IRGC là tổ chức khủng bổ. "JCPOA không chết nhưng nó đã hoàn toàn bị đình trệ... Bạn có thể tưởng tượng rằng nó sẽ ngày càng bị cô lập nếu [việc chỉ định khủng bố] được thực hiện bởi các quốc gia khác. Điều đó chắc chắn sẽ khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn", ông nói.
Phía Iran chưa bình luận về thông tin mới nói trên.
Bình luận (0)