EU cân nhắc không xem tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức

28/06/2016 18:00 GMT+7

Chủ tịch Ủy ban Hiến pháp của Nghị viện châu Âu, bà Danuta Hubner nói rằng nếu Anh rời khỏi EU, tiếng Anh có thể không được sử dụng chính thức trong khối nữa.

Tiếng Anh đang được xem là ngôn ngữ phổ biến nhất châu Âu, và được dùng chính thức trong các văn bản, giao dịch của khối EU. Tuy nhiên nếu nước Anh rời khỏi EU, khối này có thể sẽ không dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức, Reuters dẫn lời bà Hubner hôm 27.6.

Mỗi thành viên trong 28 nước EU đều có quyền đề cử một ngôn ngữ chính, và hiện tại không nước nào khác ngoài Anh đề cử tiếng Anh. Điều này có nghĩa nếu Anh không còn là thành viên EU, tính chính thức của tiếng Anh sẽ không còn, mặc dù không cấm việc sử dụng trong giao tiếp thông thường.

tin liên quan

Brexit có khiến Vương quốc Liên hiệp Anh tan rã?
Việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đang đe doạ đến tính thống nhất của Vương quốc Anh, khi mà các nước như Scotland và Bắc Ireland đang để ngỏ khả năng trưng cầu ý dân để tách khỏi Anh.

“Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của chúng tôi vì nó được Vương quốc Anh đề cử. Nếu chúng tôi không còn nước Anh, chúng tôi cũng không giữ lại tiếng Anh”, bà Danuta Hubner nói bằng tiếng Anh tại một buổi họp báo về những hậu quả pháp lý sau khi cử tri Anh bỏ quyết định rời EU (Brexit).

Tuy nhiên bà Hubner, một người Ba Lan, khẳng định tiếng Anh vẫn có thể tiếp tục được sử dụng như “ngôn ngữ công việc”, nhưng để giữ nó làm ngôn ngữ chính thức thì cần có sự đồng thuận từ các thành viên.

Ngoài việc mang tính phổ biến không chỉ ở EU mà trên toàn thế giới, tiếng Anh cũng là một trong ba loại ngôn ngữ dùng trong các bằng sáng chế của EU.

Trước đây tiếng Pháp là ngôn ngữ chính của EU cho tới những năm 1990, khi ba nước gồm Thụy Điển, Phần Lan và Áo gia nhập và làm thay đổi mức độ phổ biến của các loại ngôn ngữ trong khối. Các tài liệu văn bản của EU ngoài ra luôn được dịch sang 24 loại ngôn ngữ đa số trong 28 nước thành viên. Người Pháp cũng được cho là không chịu nhường nhịn về vấn đề ngôn ngữ, vẫn xem tiếng Pháp ngang hàng với tiếng Anh, theo Reuters.

Hãng tin này cũng cho rằng lời cảnh báo của bà Hubner là động thái cho thấy EU muốn rút dần tầm ảnh hưởng của Anh tại EU, trước khi việc Liên hiệp Anh rời khỏi liên minh này chính thức xảy ra.

Cuộc trưng cầu dân ý tại Anh ngày 24.6 chứng kiến gần 52% cử tri Liên hiệp Anh chọn rời khỏi EU. Đây là một cú sốc cho các thành viên còn lại cũng như dư luận quốc tế, vì nó sẽ khiến cả Anh lẫn các thành viên còn lại gặp nhiều khó khăn về kinh tế, chính trị, xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.