EU nhắm mục tiêu nào trong gói cấm vận Nga thứ 7?

17/07/2022 08:10 GMT+7

Ngày 14.7, trang tin Euractiv đưa tin vòng trừng phạt mới nhất của Liên minh châu Âu đối với Nga sẽ nhắm vào hoạt động xuất khẩu vàng của nước này và siết chặt các lỗ hổng hiện có. Tuy nhiên, các lệnh cấm vận đối với ngành năng lượng Nga có vẻ như không được nhắc đến khi châu Âu đang chịu tác động từ các gói trừng phạt liên quan trước đó.

Mỹ, Anh, Nhật Bản và Canada đã cấm nhập khẩu vàng Nga trong hội nghị thượng đỉnh G7 ở Đức hồi tháng 6.2022. Ước tính xuất khẩu vàng Nga trị giá khoảng 15 tỉ USD vào năm 2021. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định động thái trên chủ yếu mang tính biểu tượng vì các lệnh cấm vận từ phương Tây đã đóng cửa thị trường của cả châu Âu lẫn Mỹ đối với vàng Nga.

Euractiv dẫn lời nhiều nhà ngoại giao EU cho hay gói trừng phạt thứ 7 của EU sẽ liệt nhiều tổ chức và cá nhân Nga được cho là có liên hệ với Điện Kremlin vào danh sách đen. Đồng thời, nhiều hàng hóa cũng bị đưa vào các danh sách cấm vận hiện có để ngăn chặn hành vi lách cấm vận.Gói trừng phạt mới dự kiến sẽ được thông báo trong vòng 1 tuần.

Thông báo sắp tới cũng có thể bao gồm tham chiếu đến hướng dẫn Ủy ban châu Âu công bố gần đây liên quan đến các mặt hàng có thể và không thể được vận chuyển từ Nga đến vùng Kaliningrad qua lãnh thổ Lithuania.

Châu Âu lên kế hoạch chuẩn bị cho nguy cơ mất nguồn cung khí đốt từ Nga

Đáng chú ý là trong gói cấm vận mới không có các biện pháp nhằm vào xuất khẩu năng lượng Nga. Gói trừng phạt thứ 6 đã bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu và than từ Nga, ngoại trừ Hungary, Slovakia và CH Czech là những nước nhận dầu Nga qua đường ống.

Trong khi chính phủ Ukraine và các đồng minh thân cận ở Đông Âu yêu cầu EU ngừng nhập khí đốt Nga, nhiều quốc gia, trong đó có Đức và Hungary, phụ thuộc phần lớn vào nguồn nhiên liệu này. Sau khi các gói cấm vận trước làm giảm nguồn cung, các nước này đã gặp khó khăn về kinh tế và đối mặt với viễn cảnh phải phân phối khí đốt theo đối tượng.

Ngày 13.7, Thủ tướng CH Czech nói với Reuters rằng: "Rắc rối chắc chắn nằm ở việc đưa năng lượng vào các diện cấm vận, bởi vì có một quy tắc cần tuân theo là các lệnh trừng phạt phải gây tác động lên Nga lớn hơn so với các quốc gia trừng phạt".

Giá trị của đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua sau khi EU áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có lên Nga. Đồng euro đã có giá trị ngang với đồng USD trong ngày 11.7, trong khi đó, đồng rúp của Nga lại tăng giá trị so với trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine. Theo Bloomberg, lợi nhuận năng lượng Nga tăng vọt đã thúc đẩy thặng dư tài sản của Moscow lên mức kỷ lục 70,1 tỉ USD.

Lần đầu sau 20 năm, đồng euro sắp xuống giá bằng đồng USD
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.