Sự 'ung dung' sắp biến mất
Thể thức hiện tại của EURO 2024 cho phép các đại gia vừa đá vừa thử nghiệm ở vòng bảng.
Chỉ có 8/24 đội bị loại sau vòng bảng. Điều đó có nghĩa là trừ khi các đại gia mắc sai lầm quá lớn, còn nếu không, họ sẽ ung dung đi tiếp. Thực tế cho thấy nhiều đội mạnh ung dung đến mức họ chỉ cần thắng ra quân, sau đó… tha hồ tính (vì 3 điểm sau 1 trận thắng đã có khả năng rất cao giành vé vào vòng sau, ít nhất với tư cách 1 trong 4 đội xếp thứ 3 có thành tích tốt nhất vòng bảng, 4 điểm coi như chắc vé).
Ví dụ như đội tuyển Anh thắng Serbia trong trận ra quân, sau đó gần như bấm “dừng hình”, chơi rất ung dung ở 2 trận còn lại vẫn giành ngôi đầu bảng C.
Đội tuyển Ý sau trận thắng Albania ở đầu vòng bảng, tha hồ thử nghiệm ở trận gặp Tây Ban Nha ngay sau đó, trước khi vẫn kịp có vé đi tiếp nhờ trận hòa muộn màn với Croatia ở lượt trận cuối vòng bảng. Hoặc Bồ Đào Nha sau 2 lượt trận thắng, không bung hết sức trong trận thua Georgia sáng nay (27.6), vẫn đứng đầu bảng F.
Tuy nhiên, có thể những sự ung dung đấy sẽ kết thúc từ vòng đấu loại trực tiếp. Các đội sẽ không cho phép mình thử nghiệm được nữa, bởi sẩy chân ở vòng đấu loại tiếp đồng nghĩa với việc không còn cơ hội sửa chữa.
Cuộc đụng độ của những ngôi sao sáng nhất
Cặp đấu gay cấn nhất vòng 16 đội sẽ là màn đụng độ của đương kim á quân thế giới Pháp với đội từng giữ vị trí số 1 trên bảng xếp hạng thế giới FIFA, đội tuyển Bỉ. Đấy cũng là trận đấu giữa 2 trong số những ngôi sao hay nhất thế giới hiện giờ: Kylian Mbappe của đội tuyển Pháp và Kevin De Bruyne của đội tuyển Bỉ.
Vượt qua vòng 16 đội, trước mắt Pháp và Bỉ sẽ là nhánh đấu cực kỳ căng thẳng, có thể có sự hiện diện của Bồ Đào Nha (ở tứ kết), Tây Ban Nha hoặc Đức (ở bán kết), nếu các đội này cũng thắng tại vòng 16 đội. Đây là nhánh đấu rất đáng được chờ đợi. Ngoại trừ đội tuyển Bỉ, không đội nào trong nhóm Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Bồ Đào Nha chưa từng vô địch EURO. Nhánh đấu còn lại về lý thuyết dễ thở hơn, nhưng vẫn có sự hiện diện của Ý, Anh và Hà Lan. Trong số này, Anh từng vô địch thế giới (năm 1966), Hà Lan từng vô địch châu Âu (1988), trong khi Ý có đến 4 lần vô địch World Cup (1934, 1938, 1982, 2006) và 2 lần vô địch EURO (1968, 2020).
Sẽ không còn những trận đấu gây… buồn ngủ
Nhưng trước khi đụng độ nhau ở giai đoạn tiếp theo, Ý phải vượt qua Thụy Sĩ, còn Hà Lan phải thắng được Romania. Đây đều là những nhiệm vụ không dễ đối với các ông lớn.
Đội tuyển Ý thường không ngại các đội mạnh, nhưng họ cực kỳ e dè các đội bóng thuộc hàng khá trở lên.
Đội Ý không có sở trường chơi tấn công áp đặt, sẽ phải đối đầu với đội tuyển Thụy Sĩ chơi cực kỳ khoa học và chặt chẽ. Một đối thủ như Thụy Sĩ sẽ ám ảnh đội tuyển Ý hơn cả khi đá với 1 ông lớn nào đó. Nếu gặp các ông lớn, ông lớn ấy tràn lên tấn công, còn người Ý tha hồ chơi phải công theo đúng sở trường.
Nhưng khi gặp Thụy Sĩ, không khó hình dung Thụy Sĩ sẽ không chơi tấn công và đội Ý không dễ triển khai lối đá phản công sở trường. Còn nhớ, tại EURO 2020, kỳ giải mà Ý vô địch, đội bóng áo màu thiên thanh từng vất vả như thế nào trước đội tuyển Áo cũng ở vòng 16 đội (chỉ thắng 2-1 trong hiệp phụ).
Về cơ bản, Áo cùng đẳng cấp với Thụy Sĩ, có lối chơi tương tự như Thụy Sĩ. Bởi vậy, cặp đấu Ý – Thụy Sĩ ở vòng 16 đội là cặp đấu tiềm tàng rủi ro cho người Ý.
Tương tự như thế là cặp đấu giữa Hà Lan và Romania. Hà Lan có khi phải đối diện với phiên bản của chính mình, vì Romania cũng đá tổng lực giống Hà Lan. Cầu thủ Romania vừa giàu tốc độ, vừa giàu kỹ thuật hệt như cầu thủ Hà Lan.
Dĩ nhiên, Romania ở trình độ thấp hơn Hà Lan một chút, nhưng trong 1 trận đấu cụ thể, nếu có thêm chút may mắn, Romania hoàn toàn có khả năng san lấp cách biệt nho nhỏ giữa đôi bên.
Nói chung, ngoài chuyện các ông lớn không còn nhàn nhã thử nghiệm, từ vòng đấu loại trực tiếp, khán giả sẽ đỡ phải chứng kiến các trận đấu gây… buồn ngủ, như loạt trận cuối vòng bảng. Từ giai đoạn này, các trận đấu của EURO 2024 sẽ là những màn đối đầu theo kiểu một mất một còn đúng nghĩa.
Bình luận (0)