Chương trình “F0 đồng hành cùng F0” đang được triển khai ở nhiều bệnh viện dã chiến trên địa bàn TP.HCM. Tình nguyện viên tham gia là các trường hợp F0 đã được điều trị khỏi bệnh có nguyện vọng gắn bó hỗ trợ bệnh viện trong việc chăm sóc những người đồng bệnh, hỗ trợ đưa đón y bác sĩ, bệnh nhân và công tác hậu cần... dưới sự điều phối của cán bộ, nhân viên bệnh viện.
Tài xế tình nguyện tham gia chống dịch
Anh Nguyễn Minh Hồng, 55 tuổi, ở Q.Gò Vấp (TP.HCM) và nhóm tài xế, gồm các anh: Trần Văn Hùng, Cao Trường Sơn và Phan Thành Vũ những ngày nay vẫn luôn tất bật công việc ở Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị F0 tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng - an ninh và Khu A - Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM (TP.Thủ Đức). Nhiệm vụ của các anh là lái xe đưa đón y bác sĩ luân phiên đi chăm sóc, điều trị F0 tại 2 cơ sở này, và vận chuyển F0 nặng lên tuyến trên, đưa F0 đã khỏi bệnh về tới tận nhà...
Hôm tôi hẹn gặp anh Minh Hồng, anh có quãng thời gian 30 phút tạm nghỉ ngơi trong một ngày tất bật nhiệm vụ. Điều đặc biệt, anh Minh Hồng và các đồng đội của mình đã tình nguyện làm các công việc vẫn tiếp tục đang làm, khi chưa là... F0, khi chưa có chương trình “F0 đồng hành cùng F0”. Và khi trở thành F0, sau 20 ngày điều trị, khỏi bệnh, anh và đồng đội của mình lại tiếp tục nhiệm vụ tình nguyện vì cộng đồng rất ý nghĩa này.
"Tôi làm nghề tài xế đã hơn 30 năm. Suốt 7 năm qua, tôi là tài xế của Tập đoàn Phương Trang, lái xe vận chuyển hành khách đường dài. Các anh em trong nhóm của tôi cũng vậy. Phương Trang hỗ trợ TP.HCM mấy trăm phương tiện vận chuyển phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, anh em chúng tôi tham gia tình nguyện lái, đưa đón y bác sĩ, bệnh nhân F0", anh Minh Hồng chia sẻ.
Theo lời kể của anh Minh Hồng, nhóm của anh tham gia tình nguyện từ 30.6, đến 23.7 trong một lần xét nghiệm sàng lọc Covid-19, anh và 3 anh em trong nhóm đều phát hiện nhiễm bệnh. Hàng chục lái xe của Phương Trang cũng bị nhiễm trong quá trình tình nguyện phục vụ. Thời gian điều trị và tự cách ly khoảng 20 ngày, khi tất cả đều khỏi bệnh hoàn toàn, thì đều trở lại nhiệm vụ tình nguyện.
"Khi chúng tôi mới đến Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị F0 tại làng đại học Thủ Đức, nơi đây chỉ mới có 2 xe cứu thương. Bệnh nhân đông, rất áp lực trong vận chuyển. Trong hàng trăm đồng nghiệp làm ở Phương Trang tình nguyện phục vụ phòng chống dịch, ở làng đại học có 15 anh em, tham gia vận chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên, F0 khỏi bệnh về nhà, trang thiết bị y tế, chở bình ô xy, y bác sĩ đi chăm sóc bệnh nhân...", anh Minh Hồng kể thêm.
Những ngày tháng không thể nào quên
Hai tháng qua, anh Minh Hồng chưa một lần về nhà. Tình nguyện chống dịch, trở thành F0, khỏi bệnh, lại tình nguyện tiếp tục chống dịch. "Khi hay tin bị nhiễm, vợ con ở nhà cũng lo lắng, vì lúc đó tôi vừa mới chích 1 mũi vắc xin. Tôi kể chuyện y bác sĩ chăm sóc tích cực, sức khỏe ổn, có anh Đào Viết Ánh lãnh đạo công ty sát cánh động viên, thăm hỏi, và giờ thì vợ con đã bớt lo rồi vì tôi đã khỏe hẳn. Con gái tôi cứ hay hỏi khi nào ba về, tôi trấn an là ba ở lại giúp cho cộng đồng, hết dịch ba về. 2 mẹ con ráng giữ sức khỏe, chăm sóc nhau. Thật lòng tôi mong lắm. Mong sớm hết dịch, tôi về nhà", anh Minh Hồng chia sẻ.
|
Những tháng ngày tình nguyện chống dịch, với anh Minh Hồng, không thể nào quên. Anh kể: "Có hôm tôi chở một cụ già là F0, tầm 80 tuổi, nhà ở Q.5, chở từ khu cách ly của làng đại học lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM điều trị. Cụ hỏi, chú có sợ tôi không? Tôi cũng thưa lại: "Sợ gì bác, nếu sợ thì đâu có chở bác đi". Thật ra lúc đầu thấy F0 nhiều cũng sợ, mà giờ làm riết quen rồi, thấy bình thường".
Anh Minh Hồng cũng kể về trường hợp 2 mẹ con ở H.Nhà Bè đưa vào bệnh viện dã chiến ở làng đại học điều trị: "Người mẹ khỏi bệnh trước, tôi chở về tới tận nhà. Hai hôm sau, đứa con gái 6 tuổi của chị ấy hết bệnh, tôi cũng chở về tận nhà, gọi gia đình ra đón vào. Cháu bé dễ thương, ngồi trên xe cứ hỏi, cười nói với tôi suốt".
|
Nghe anh Trần Văn Hùng kể lại chuyện tình nguyện, rồi không may trở thành F0 và đã khỏi bệnh, tôi nói với anh: "Trời thương!".
Anh Hùng quê ở Vị Thanh (Hậu Giang), thường lái xe khách tuyến Hậu Giang - TP.HCM. Khi dịch bệnh ở TP.HCM phức tạp, anh tình nguyện lái xe phục vụ ở khu cách ly, bệnh viện dã chiến, nhưng chưa chích mũi vắc xin nào. Anh Hùng kể, đợt trước khi chưa đi tình nguyện, anh được gọi đi chích vắc xin, nhưng khi đến điểm chích thì huyết áp cao, không chích được.
"Lúc đó thiếu người, tôi đăng ký tình nguyện. Khi bị nhiễm, ai cũng lo quá trời, lo bệnh trở nặng. Tôi cũng không hiểu sao mà mình vượt qua được nhanh. Giờ đã khỏe rồi, vợ và 2 con ở dưới quê cũng bớt lo. Ở khu cách ly, bệnh viện dã chiến, làm việc không có giờ giấc gì cả. Cả ngày làm. Nửa đêm, rạng sáng mà bác sĩ gọi đi chở bệnh nhân, bình ô xy... cũng chạy liền. Mình không chạy thì không đủ người để lo giúp những việc đó", anh Hùng chia sẻ.
"F0 hãy bình tĩnh, tự tin vượt qua Covid-19"
Hành trình vượt qua Covid-19 mà anh Minh Hồng, anh Văn Hùng kể lại, tôi nhận ra một điều, vượt qua nhanh chóng có phần nhờ vào sự bình tĩnh, tự tin, hết sức cố gắng của bản thân các anh.
"Nhiễm bệnh Covid-19, trong người rất mệt. Uể oải như có ai dần lên toàn thân mình. Có mấy ngày ăn thịt, cá, uống cam, sữa... không mùi vị gì. Để chai dầu nóng lên mũi hít cũng không có cảm giác. Những điều đó sẽ khiến mình thấy mệt mỏi, lo lắng. Nhưng rồi tôi và anh em cũng nhắc nhau phải bình tĩnh lại, tự trấn an mình không lo nữa, cứ lạc quan, vui vẻ", anh Minh Hồng nhớ lại.
Để vượt qua Covid-19 ở trong khu cách ly, với sự theo dõi sát sao của y bác sĩ, hằng ngày anh Minh Hồng, anh Văn Phúc và các đồng đội tích cực tập thể dục, tập thở; thường xuyên súc họng bằng nước muối sinh lý, mang khẩu trang, sát khuẩn tay và các vật dụng, ăn uống đều đặn... "Khi mất vị giác, và trong người mệt mỏi, việc ăn uống sẽ rất khó khăn, nhưng mình phải ráng. Ăn nhiều một lúc không được, thì phân ra ăn nhiều lần, mỗi lần vài ba muỗng, cơm cháo gì cũng được. Ở khu cách ly, có gì thì chúng tôi ăn đó, không cầu kỳ gì cả", anh Phúc nói.
Nghĩa tình ở khu cách ly, bệnh viện dã chiến, theo lời kể của anh Minh Hồng, rất đặc biệt. Mọi người quan tâm, hỏi han, chăm sóc lẫn nhau. Nhiều y bác sĩ từ phía bắc, miền trung vào tình nguyện chăm sóc, điều trị F0. Nhiều người trẻ cũng tích cực tham gia tình nguyện phục vụ hậu cần... Vất vả, nhiều khó khăn nhưng tất cả đều cùng nhau nỗ lực, cố gắng, mong qua dịch bệnh Covid-19 sớm qua đi, đặc biệt là các F0 không trở nặng, khỏi bệnh và sớm về nhà an toàn. Nhiều nhà hảo tâm cũng dành tặng nhu yếu phẩm, sau đó mọi người san sẻ cho nhau để động viên nhau đồng lòng chống dịch...
|
Bình luận (0)