Có người khai qua mạng, có người khai tại trạm y tế
Sáng 16.3, khá đông người dân đến lấy giấy chứng nhận hoàn thành cách ly (HTCL) và các giấy tờ để hưởng chế độ lương theo bảo hiểm xã hội tại Trạm y tế (TYT) P.Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân). Chị Loan (29 tuổi, ngụ P.Bình Hưng Hòa) cho hay chị nhiễm Covid-19 khoảng 1 tuần trước, sau khi khai báo với TYT phường, chị được hỏi thăm về tình trạng bệnh để được cấp thuốc nếu cần, đồng thời chị Loan được hướng dẫn khai báo thông qua 1 đường link google docs. Chiều 15.3, chị test nhanh âm tính nên sáng 16.3 chị đến TYT phường xin giấy xác nhận HTCL.
Nhân viên TYT P.14, Q.11 khá thành thạo trong quy trình quản lý F0 trên nền tảng số |
Duy Tính |
Chiều 16.3, chị T. (ngụ P.5, Q.3) có con nhỏ 7 tuổi vừa nhiễm Covid-19. Chị cho biết mình khai báo F0 trực tuyến. “Nhìn chung các thao tác đăng ký khá dễ dàng với tôi. Nhưng vào phần nhập các thông tin bắt buộc như CCCD bằng hình ảnh, con tôi chỉ 7 tuổi chưa có CCCD nên tôi phải dùng CCCD của mình để nhập vào hơi bất tiện”, chị T. góp ý.
Tại TYT lưu động P.15 (Q.Gò Vấp), có khá đông trường hợp F0 đến khai báo trực tiếp, hoặc lấy giấy xác nhận HTCL. Có 5 - 6 bác sĩ và tình nguyện viên tiếp nhận thông tin F0, lấy mẫu xét nghiệm test nhanh, ghi thông tin để cấp giấy xác nhận HLCL. Với F0 sau khai báo và được xác nhận đã dương tính Covid-19, người dân được nhân viên y tế ghi lại thông tin, cho phiếu hẹn 7 ngày sau ra test Covid-19, nếu âm tính sẽ lấy giấy chứng nhận HTCL. Trường hợp vẫn dương tính thì tiếp tục cách ly, 2 - 3 ngày sau ra để test lại.
Nhiều nơi ở Hà Nội ‘vỡ trận’ thu gom rác thải F0 Địa phương loay hoay xử lý |
Về việc sử dụng nền tảng khai báo F0 trực tuyến mới, bác sĩ Lê Thị Hồng, TYT P.5 (Q.3), cho rằng hiện chờ hướng dẫn, tập huấn sử dụng nền tảng số quản lý Covid-19, việc cấp giấy chứng nhận HTCL vẫn phải thực hiện bằng giấy tờ, người dân cần đến trực tiếp trạm để lấy. Còn theo bác sĩ Nguyễn Trương Đức Minh, Trưởng TYT lưu động P.15 (Q.Gò Vấp), về mặt thuận lợi, nếu quy trình này được triển khai rộng rãi sẽ giảm bớt thủ tục giấy tờ, công sức và thời gian của người dân, tránh gây tình trạng tập trung đông.
Người dân nhận giấy chứng nhận hoàn thành cách ly y tế tại nhà theo mẫu cũ vì phần mềm mới triển khai |
Bước đầu còn khó khăn
Tại TYT P.14 (Q.11), PV Thanh Niên ghi nhận nếu như trước đây, F0 đến TYT khai báo, được ghi nhận vào 1 cuốn sổ, nếu có bổ sung thông tin thì ghi trên một tờ giấy nhỏ dán chồng lên. Bên cạnh đó, 1 F0 phải làm 4 tờ giấy: Quyết định cách ly tại nhà, giấy cam kết tuân thủ cách ly tại nhà, phiếu điều tra dịch tễ, cam kết uống thuốc kháng vi rút (nếu có chỉ định) và giấy xác nhận HLCL, tất cả đều điền vào mẫu có sẵn. Nay với việc F0 khai báo qua mạng thì mọi thông tin F0 đều được cập nhật vào hệ thống, cán bộ y tế đối chiếu qua xác minh, và chỉ cần nhấn nút in ra. Phiếu điều tra dịch tễ cũng đã được bỏ.
TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết sau 2 ngày triển khai thí điểm, các cơ quan đã họp rút kinh nghiệm, đồng thời hoàn thiện một số tính năng của phần mềm và cập nhật nội dung trong quy trình chuyên môn, hướng dẫn đến toàn bộ TYT. Để thống nhất trên toàn TP.HCM, Sở Y tế kiến nghị UBND TP.HCM giải pháp giảm tải thủ tục hành chính cho F0 tại các TYT.
Sỹ Đông
Đại diện TYT P.Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân) thông tin TYT sử dụng chính thức cách thức trên từ ngày 14.3, nhưng còn nhiều trục trặc. Mặt khác, máy tính tại trạm không đáp ứng được nhu cầu, nên đang kiến nghị nâng cấp máy tính. Theo bác sĩ Nguyễn Trương Đức Minh, Trưởng TYT lưu động P.15 (Q.Gò Vấp), quy trình này mới được triển khai, khiến nhân viên tại TYT lưu động và người dân gặp nhiều khó khăn. Những ngày đầu hệ thống đi vào hoạt động còn xảy ra lỗi, chậm và thường xuyên bị sập. Người dân vào trang khai báo không được hoặc khai báo xong ở TYT không nhận được thông tin.
“Để tiếp nhận một ca khai báo F0 tại nhà trải qua quá nhiều bước. Nhiều người khai báo giữa chừng tại nhà thì bỏ luôn, ra khai báo trực tiếp. Hoặc khai báo xong bấm xác nhận thì bị lỗi. Còn về phía TYT, muốn tiếp nhận một ca F0 khai báo tại nhà phải bấm vô kiểm tra chi tiết từng người, từng thông tin. Trong khoảng thời gian xử lý 1 ca F0 khai báo tại nhà, nếu khai báo trực tiếp đã làm được 2 - 3 ca”, bác sĩ Minh nói và cho biết thêm từ lúc khai báo qua mạng, trung bình mỗi ngày trạm tiếp nhận 7 - 8 ca, nhưng có 5 - 6 ca F0 khai báo được tiếp nhận, còn 1 - 2 ca bị từ chối… Ngoài ra, việc cấp giấy HTCL, TYT phải thực hiện ký số giấy xác nhận, nhưng hiện chữ ký số này chưa hoàn thiện và TYT lưu động chưa có máy scan để cấp giấy hoàn thành cách ly cho F0 khai báo tại nhà.
Một khó khăn khác được các TYT nêu ra là phần mềm chỉ chấp nhận cho người mới nhiễm dưới 5 ngày, nhưng có nhiều người nhiễm từ mấy tháng trước vẫn vào đăng ký, nên không được chấp nhận.
Theo khảo sát của PV Thanh Niên, có TYT thừa nhận chưa tiến hành khai báo trực tuyến vì chưa có người làm, có TYT nói chưa hoàn thiện; còn có TYT thì đã làm trơn tru... Nhìn chung, phần lớn F0 vẫn khai báo trực tiếp tại TYT.
Tháo gỡ các vướng mắc
Chiều 16.3, kiểm tra tại TYT P.14 (Q.11), PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết có TYT được UBND phường, xã ủy quyền ký quyết định cách ly và giấy xác nhận hoàn thành cách ly, nên người dân lấy cả 2 giấy cùng lúc khi cách ly hoàn thành. Còn có TYT chỉ được ký giấy xác nhận hoàn thành cách ly, còn quyết định cách ly thì UBND phường ký, nên khi hết cách ly rồi vẫn phải chờ cả tuần người dân mới nhận được. Điều này, lãnh đạo Sở Y tế đề nghị Trung tâm y tế quận huyện tham mưu UBND quận, huyện chỉ đạo UBND phường, xã nên ủy quyền về cho TYT ký để kịp thời cấp các loại giấy tờ cho người dân.
Song song đó, PGS-TS Tăng Chí Thượng cũng chỉ đạo các TYT đăng ký chữ ký số, tiếp tục tập huấn cho các TYT sử dụng các phần mềm và tiếp thu các vướng mắc để xử lý.
Bình luận (0)