Facebook chao đảo vì bê bối lộ thông tin

Bảo Vinh
Bảo Vinh
21/03/2018 07:33 GMT+7

Facebook đang đối diện các cuộc điều tra liên quan đến vụ 50 triệu người dùng bị lấy thông tin để phục vụ cho mục đích chính trị.

Giới nghị sĩ Mỹ và châu Âu đang hối thúc giới hữu trách triệu tập ông chủ Facebook Mark Zuckerberg để điều trần về vụ thông tin cá nhân người sử dụng mạng xã hội này bị thu thập trái phép, góp phần tác động đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cũng như trưng cầu dân ý ở Anh năm 2016.
Cáo buộc liên quan đến Công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica (có trụ sở tại Anh lẫn Mỹ) từng được ban vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump thuê vào năm 2016. Cựu chiến lược trưởng của Nhà Trắng Steve Bannon từng làm phó chủ tịch công ty này. Theo điều tra của các báo The New York Times và The Observer, nhà nghiên cứu người Anh Aleksandr Kogan hồi năm 2014 tạo ra một ứng dụng khảo sát trên Facebook để người sử dụng tìm hiểu về tính cách bản thân. Ứng dụng này được khoảng 270.000 người tải về mà không hề hay biết thông tin cá nhân của họ cũng như của bạn bè đều bị thu thập một cách âm thầm. Vì thế, số người bị truy cập thông tin ngoài ý muốn tăng lên đến khoảng 50 triệu người, đa phần sống tại Mỹ và có thể chiếm tới 25% số cử tri tại thời điểm trước khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 11.2016.
Sau đó, Cambridge Analytica bị cho là mua lại thông tin để phân tích, xác định mối quan tâm của cử tri, từ đó gửi những thông điệp, quảng cáo ủng hộ ông Trump. Sau khi nhà lãnh đạo thắng cử, công ty này kiếm được 5,9 triệu USD, theo AP. Ngoài ra, Cambridge Analytica còn gây tác động để cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ rời EU trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 6.2016.
Ngày 20.3, Bloomberg đưa tin Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ sẽ mở cuộc điều tra về cách quản lý thông tin của Facebook. Ủy ban An toàn thông tin Anh cũng có động thái tương tự, đồng thời xin lệnh tòa án để lục soát trụ sở Cambridge Analytica. Trong khi đó, công ty này tuyên bố những thông tin trên đã bị xóa sạch từ năm 2015 “nên không thể dùng để tác động vào các sự kiện chính trị”. Facebook thì phủ nhận dính líu đến hành vi trái phép của đối tác, đồng thời xóa tài khoản của Cambridge Analytica và một số người có liên quan. Mặt khác, ông Brad Parscale, quản lý hoạt động kỹ thuật số cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, nói ban vận động không sử dụng dữ liệu của Cambridge Analytica “mà chỉ dựa vào thông tin cử tri từ Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa”.
Theo tờ USA Today, vụ bê bối khiến giá cổ phiếu Facebook giảm 6,7% trong phiên giao dịch ngày 19.3 (giờ địa phương), mức giảm lớn nhất trong 4 năm qua, kéo theo giá trị công ty “bốc hơi” hơn 36 tỉ USD. Ngoài ra, cộng đồng mạng, đặc biệt là tại Mỹ, tỏ ra hết sức giận dữ và đang lan truyền thông điệp tẩy chay, xóa tài khoản trên mạng xã hội có đông người dùng nhất thế giới này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.