Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) tại Mỹ nhận định Nga có thể sẽ mua thêm thiết bị bay không người lái và tên lửa từ Iran trong vài tuần tới.
Cơ sở cho việc suy đoán này là việc quan chức quân sự hai nước đã xem xét các vũ khí tân tiến của Iran trong hai tháng 8 và 9. Bên cạnh đó, các hạn chế do Liên Hiệp Quốc áp đặt lên tên lửa Iran sẽ hết hiệu lực vào ngày 18.10.
Một lựa chọn Nga có thể quan tâm là tên lửa đạn đạo tầm ngắn Fateh-110, cũng như các tên lửa tầm xa khác do Iran thiết kế được phát triển trong vài thập kỷ qua.
Theo ông Fabian Hinz, nhà nghiên cứu quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), khi mới ra đời vào cuối thập niên 1990, Fateh-110 “khá thiếu chính xác”. Nhưng Iran đã phát triển các phiên bản mới và cải tiến dần trong những năm sau đó và phiên bản Fateh-110 hiện đại nhất hiện nay là tên lửa dẫn đường chính xác “rất tốt”.
Ông Hinz cho biết đây hiện là một hệ thống rất linh hoạt, hiệu quả và dễ sử dụng, và “có lẽ là thiết kế tên lửa dùng nhiên liệu rắn chính của Iran”.
Theo CSIS, Fateh-110 là tên lửa đạn đạo tầm ngắn sử dụng nhiên liệu rắn, có thể mang trọng tải lên tới 500kg gồm nhiều loại đầu đạn thông thường, hóa học, đạn chùm, hay thậm chí là đầu đạn hạt nhân.
Một số phiên bản có tầm bắn lên tới 500km, tức tương đương với tên lửa ATACMS của quân đội Mỹ hay tên lửa hành trình tầm xa Taurus do Đức sản xuất. Mỹ sẽ cung cấp tên lửa ATACMS cho Ukraine, trong khi Đức cũng đang chịu sức ép rất lớn về việc cung cấp Taurus.
Ông Hinz cho biết tên lửa Fateh “có thể so sánh tương đương” với ATACMS. Theo ông, cả hai đều sử dụng khả năng dẫn đường tương tự nhau. Fateh lớn hơn và nặng hơn, còn ATACMS dù chính xác và đáng tin cậy hơn nhưng giá thành lại đắt hơn.
Đối với Nga, các tên lửa bổ sung tương đối rẻ có thể hữu ích. Lực lượng Moscow đã tiến hành nhiều cuộc tấn công tên lửa vào lãnh thổ Ukraine trong nhiều tháng. Ông Hinz nhận định Nga sẽ cần số lượng tên lửa khổng lồ để tiếp tục không kích Ukraine, đồng thời duy trì dự trữ đề phòng trường hợp có đối đầu với NATO.
Những tên lửa do Nga sản xuất từng được phóng vào Ukraine đều có giá đắt. Các tên lửa hành trình như Kalibr hay Kh-101 và Kh-555 có thể có giá lên tới 1,7 triệu USD/chiếc.
Nga cũng có dùng các máy bay không người lái (UAV) tự sát kiểu Shahed của Iran để tập kích vào Ukraine. Ước tính một UAV Shahed có giá từ 20.000 đến 50.000 USD. Nhưng tên lửa Fateh-110 sẽ tấn công với tốc độ và đầu nổ lớn hơn nhiều so với UAV Shahed. Vì bay nhanh hơn nên tên lửa này cũng khó bị đánh chặn hơn Shahed.
Iran có nhiều loại tên lửa sẵn sàng để xuất khẩu. Bên cạnh Fateh-110 hay phiên bản hiện đại hơn là Fateh-313, Tehran có tên lửa Zolfaghar có tầm bắn 700km.
Hồi tháng 9, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trong chuyến thăm Iran đã đến xem một loạt vũ khí công nghệ cao của Iran, bao gồm cả tên lửa. Trong cuộc gặp với người đồng cấp Iran Mohammad-Reza Ashtiani, ông tuyên bố hai bên quyết tâm thúc đẩy quan hệ đối tác quốc phòng chiến lược.
Bình luận (0)