FBI lần ra manh mối vụ trộm tranh thế kỷ

19/03/2013 16:35 GMT+7

(TNO) Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) tiết lộ hôm 18.3 rằng họ đã biết được nhân dạng kẻ chịu trách nhiệm thực hiện một trong những vụ trộm tranh lớn nhất thế giới cách đây 23 năm.

(TNO) Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tiết lộ hôm 18.3 rằng họ đã biết được nhân dạng kẻ chịu trách nhiệm thực hiện một trong những vụ trộm tranh lớn nhất thế giới cách đây 23 năm.

Vào ngày 18.3.1990, hai người đàn ông giả làm cảnh sát đã bước vào bảo tàng tư nhân Isabella Stewart Gardner ở thành phố Boston và khống chế hai nhân viên bảo vệ, những người được phát hiện trong tình trạng bị nhét giẻ và trói tay chân tại tầng hầm vào sáng hôm sau.

Hai tên trộm đã lang thang trong các phòng trưng bày lộng lẫy khoảng hơn một tiếng đồng hồ trước khi cuỗm đi 13 tác phẩm của các nghệ sĩ hàng đầu, bao gồm Vermeer, Rembrandt, Degas và Manet.

Số tranh bị đánh cắp ước tính trị giá 500 triệu USD. Trong đó có tác phẩm Buổi hòa nhạc của Vermeer, một trong số hơn 30 tác phẩm được biết đến của họa sĩ bậc thầy người Hà Lan, ước tính trị giá hơn 200 triệu USD.

FBI lần ra manh mối vụ trộm tranh thế kỷ
 Bức Buổi hòa nhạc của Vermeer - Ảnh: FBI

Phát biểu nhân ngày kỷ niệm 23 năm vụ trộm tranh, đặc vụ FBI tại Boston Richard DesLauriers cho hay họ đã xác định được nhân dạng của hai kẻ trộm và tung tích của các tác phẩm nghệ thuật.

“FBI tin tưởng một cách chắn chắn rằng nhiều năm sau vụ trộm, các tác phẩm được chuyển đến khu vực Connecticut và Philadelphia, và một số bức tranh được đưa đến Philadelphia, nơi chúng được rao bán bởi những kẻ đánh cắp”, ông DesLauriers nói.

Ông DesLauriers tiết lộ các tên trộm là thành viên của một tổ chức tội phạm có căn cứ tại các bang thuộc khu vực Trung - Đại Tây Dương và New England.

Vụ rao bán các tác phẩm ở Philadelphia được tiến hành cách đây một thập kỷ song sau đó dấu vết đã biến mất và FBI hiện không biết các bức tranh được tàng trữ ở đâu.

FBI quyết định không công khai danh tính các tên trộm vì cuộc điều tra về tung tích các bức tranh vẫn đang diễn ra.

Theo chưởng lý Mỹ ở Boston Carmen Ortiz, thời hiệu của vụ án đã hết do vụ trộm xảy ra cách đây 23 năm. Do vậy, hiện chỉ có thể truy tố trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ đồ trộm cắp.

“Ưu tiên của chúng tôi là thu hồi các bức tranh. Nếu có ai có thông tin hoặc sở hữu các bức tranh, việc miễn trừ truy tố là chuyện có thể thương lượng”, ông Ortiz nói.

Theo tờ Telegraph, những khung hình trống nơi các bức tranh bị đánh cắp vẫn được trưng bày tại bảo tàng do nhà sưu tập Isabella Stewart Gardner thành lập năm 1924.

Ngoài bức tranh của Vermeer, những tên trộm còn lấy đi bức tranh phong cảnh biển duy nhất của Rembrandt - Cơn bão trên biển Galilee, bức Chez Tortoni của Manet và năm bức tranh của Degas. Những kiệt tác bị đánh cắp khác bao gồm bức Mệnh phụ và quý ông mặc đồ đen của Rembrandt.

Một bức chân dung tự họa của Rembrandt, một trong các kiệt tác giá trị nhất của bảo tàng, được gỡ khỏi tường song được bỏ lại một cách khó hiểu. Các bức tranh có giá trị cao khác cũng không bị lấy đi. Điều này gợi ý các tên trộm không mấy am tường về hội họa.

Trong hôm 18.3, Giám đốc bảo tàng Isabella Stewart Gardner Anthony Amore cũng xác nhận một lần nữa món tiền thưởng 5 triệu USD dành cho ai cung cấp thông tin giúp tìm ra các bức tranh.

Đặc vụ FBI Geoffrey Kelly, người phụ trách điều tra vụ trộm tranh trong khoảng 6 năm, cho hay các tác phẩm nhiều khả năng đã đổi chủ vài lần trong nhiều năm qua. Ông cũng nói có khả năng những người sở hữu không biết được tầm quan trọng của chúng cũng như không biết chúng là đồ ăn cắp.

Theo tờ New York Times, trong 23 năm qua, nhà chức trách đã thẩm vấn hơn một chục nhân vật thuộc thế giới ngầm ở Boston, một số có liên hệ với các tổ chức mafia. Một vài người trong số đó đã qua đời, bao gồm hai trong số ba người đàn ông bị điều tra vì vụ đột nhập.

Một nghi can tên Robert Gentile, 76 tuổi, hành nghề bán xe cũ ở thị trấn Manchester (bang Connecticut) từng là mục tiêu trong một chiến dịch gài bẫy của FBI vào tháng 2.2012. Trong một cuộc khám nhà, các cảnh sát đã tìm thấy 5 khẩu súng ngắn, đạn dược và 5 ống hãm thanh, song không tìm ra các bức tranh.

Gentile bị thẩm vấn về các bức tranh và được đề nghị cơ hội thoát án tù để đổi lấy thông tin song ông này tuyên bố không biết gì về vụ trộm.

Các cảnh sát không cho biết tại sao họ không bắt giữ các tên trộm. Theo tờ New York Times, đôi khi các cảnh sát sử dụng những thông báo kiểu như trên để đánh động các nghi can, khiến họ làm điều gì đó có thể dẫn đến việc bắt giữ.

Sơn Duân

>> Vụ trộm tranh hy hữu
>> Dáng ngọc trong tranh các danh họa
>> Kiệt tác đến từ nước Ý
>> Kiệt tác hội họa bị trộm tại Hà Lan
>> Ý đòi Pháp trả kiệt tác Mona Lisa
>> Bằng chứng về kiệt tác thất lạc của Leonardo da Vinci

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.