FIFA World Cup Qatar 2022: Những ngôi sao bên lề World Cup

Đỗ Hùng
Đỗ Hùng
19/11/2022 09:16 GMT+7

'Đó là một ngày đặc biệt của họ, những công nhân nước ngoài. Đó cũng là một ngày đặc biệt của chúng tôi', ngôi sao Frenkie de Jong của đội tuyển Hà Lan chia sẻ.

Sân tập số 6 Trường đại học Qatar, một sự kiện chưa từng có đã diễn ra vào chập tối ngày 17.11. Trên sân, những hảo thủ của Hà Lan như Virgil van Dijk, Frenkie de Jong đang vờn bóng trước những đối thủ áo đỏ có phần lóng ngóng trước trái bóng tròn và ngượng ngùng khi lần đầu chạm mặt siêu sao.

Frenkie de Jong đá bóng cùng các công nhân nhập cư trong sự kiện đặc biệt

Đội tuyển Hà Lan

Buổi tối đặc biệt

Từ Doha, tôi đổi tàu vài lần, sau đó chuyển qua tuyến màu đỏ để lên ga Đại học Qatar cách chừng 20 km về phía bắc. Đấy là một nơi chốn mênh mông: những tòa nhà mới xây, những con đường rộng thênh thang và băng rôn chào mừng World Cup khắp nơi. Nhiều nơi đường bị chắn lại, có nhân viên bảo vệ đứng gác.

“Anh đi đâu đấy? Có nhầm địa chỉ không?”. Anh tài xế Uber hỏi khi thấy tôi đặt điểm đến là một nơi là lạ. Sau khi nghe tôi trả lời đến chỗ tập của đội tuyển Hà Lan. “Ồ, trong này có đội Argentina và Tây Ban Nha. Tôi không biết là còn có đội tuyển Hà Lan nữa”, tài xế Uber chia sẻ.

Đỗ Hùng từ Qatar: Virgil Van Dijk đánh giá Argentina của Messi sáng mạnh nhất WC 2022

Hóa ra anh ấy nói đúng. Định vị trên trang của FIFA trỏ sai chỗ nên chúng tôi phải loanh quanh một hồi. Địa điểm thực tế của sân tập mà đội tuyển Hà Lan sử dụng cách đấy chừng hai cây số. Cuối cùng cũng tìm ra, tôi thở phào: “May có anh chứ không tôi lạc đường rồi”.

Hà Lan là một đội tuyển mạnh, nhưng dường như không được đánh giá cao bằng Pháp, Đức, Brazil, Bỉ. Họ cũng không có những siêu sao như Lionel Messi, Cristiano Ronaldo. Buổi tập của họ lại diễn ra gần trùng giờ với đương kim vô địch Pháp. Ấy vậy nhưng tôi vẫn quyết tâm đến bằng được, sau khi biết tin họ có một sự kiện không mấy liên quan đến bóng đá.

Trước đó, HLV Louis van Gaal đã thông báo rằng đội tuyển Hà Lan sẽ tổ chức một buổi gặp mặt với các công nhân nước ngoài đang làm việc tại Qatar. Đấy là một câu chuyện dài và gây nhiều căng thẳng. Đấy cũng là một quyết định nhiều ý nghĩa của người Hà Lan.

Liên đoàn Bóng đá Hà Lan (KNVB) là một trong những liên đoàn hiếm hoi lên tiếng chỉ trích về điều kiện làm việc của công nhân nước ngoài tại Qatar. Và tại World Cup lần này, họ đã quyết định thực hiện một việc làm không chỉ là một bổn phận đạo đức.

Ông van Gaal cho biết cuộc gặp sẽ tập trung vào điều kiện làm việc tồi tệ của các công nhân. “Tất nhiên có thể có sự sắp đặt trong đó, nhưng việc chúng tôi sẵn sàng làm điều này (thực hiện gặp mặt) sẽ cho quý vị thấy đôi điều về tinh thần của KNVB và của đội tuyển.” Và ông nói, với đội tuyển Hà Lan, World Cup còn hơn cả chuyện đá bóng trên sân.

Anh Gishing (bìa phải) và các công nhân ở công viên Al Bidda

Đỗ Hùng

Thế là cuối cùng, trong một không gian đóng, các cầu thủ Hà Lan đã có dịp tiếp xúc trực tiếp với một nhóm công nhân. Họ là một phần của lực lượng công nhân nước ngoài khổng lồ chiếm đa phần dân số của Qatar.

Các cầu thủ đã chuyện trò, đá bóng và ký tặng những người công nhân. Vài câu chuyện tâm tình với những người đến từ một thế giới xa lạ giúp các cầu thủ triệu phú hiểu hơn một thế giới bên ngoài thế giới của bóng đá, thế giới của điều kiện vật chất dồi dào mà lâu nay như là một phần đương nhiên trong đời sống của họ. Khoảng một tiếng đồng hồ tiếp xúc các ngôi sao bóng đá ở cự ly gần hẳn sẽ để lại những ký ức khó phai mờ đối với các công nhân.

Virgil van Dijk, một trong những ngôi sao phòng ngự xuất sắc nhất thế giới, nói rằng cuộc gặp đó là điều mà “đội của tôi muốn thực hiện”. “Đó là lý do tại sao chúng tôi đã khởi động tiến trình này và thật là tốt khi được gặp từng người công nhân ấy cũng như biết thêm chút ít về họ”, van Dijk chia sẻ với các nhà báo sau buổi gặp và cho biết thêm: “Chúng tôi không có nhiều thời gian, nhưng đã có thể nói những câu chuyện nho nhỏ cùng nhau. Cuộc gặp cho chúng tôi năng lượng, vì những công nhân ấy rất thích gặp chúng tôi. Về phía mình, chúng tôi cũng cảm thấy như vậy”.

Frenkie de Jong tâm sự rằng cuộc gặp là một sự kiện khó quên. “Đó là một ngày đặc biệt của họ, những công nhân nước ngoài. Đó cũng là một ngày đặc biệt của chúng tôi”, anh chia sẻ.

Và rồi anh thuật lại một chi tiết thú vị: “Chúng tôi đã không có nhiều thời gian để nói chuyện riêng tư, nhưng có một anh chàng bảo tôi phải đến Liverpool ngay. Chúng tôi thích cuộc gặp gỡ này, nhưng bây giờ là lúc tập trung cho trận gặp Senegal”.

Câu chuyện của de Jong khiến cả khán phòng cười ồ, một không khí thoải mái lan tỏa sau buổi tập mướt mồ hôi.

Những ngôi sao bên lề

Buổi trưa hôm ấy, trên đường đến sân tập của đội tuyển Hà Lan, tôi đã xuống tàu ở ga Corniche rồi đi bộ ra khu fanfest đang được gấp rút hoàn thành. Trong suốt thời gian diễn ra World Cup, nơi đây được chờ đợi sẽ là trung tâm lễ hội bóng đá lớn nhất từ trước đến nay. Tất nhiên là một lễ hội không có cảnh nhậu nhẹt.

Ở đấy, tôi đã gặp những người công nhân Sri Lanka, Nepal và Ấn Độ chăm chỉ làm việc dưới nắng. Họ cùng nhau dựng lên những hàng rào chắn, treo băng rôn, các tấm phông trang trí để làm đẹp cho trung tâm lễ hội. Anh Subas Gishing, người Nepal, đã có ba năm làm công nhân ở Qatar. “Anh đến Nepal chưa? Đó là một đất nước tuyệt đẹp, với những đỉnh núi quanh năm tuyết trắng”, anh giới thiệu đầy vẻ tự hào về nơi mình sinh ra. Nhưng cuộc mưu sinh đã buộc anh phải rời quê hương tuyệt đẹp ấy để đến đây làm việc dưới ánh mặt trời thiêu đốt. “Ở đây kiếm được nhiều tiền hơn. Tôi có thể gửi tiền về nuôi sống gia đình”, anh giải thích.

Subas Gishing chia sẻ rằng anh tự hào khi mình trở thành một phần của ngày hội bóng đá World Cup: “Nhóm của tôi đã xây sân vận động ở Al Thumama. Sân đấu rất đẹp, các trận đấu World Cup sẽ diễn ra ở đấy”. Tất nhiên là tôi biết sân vận động ấy. Đó là một đấu trường hình chiếc mũ truyền thống của đàn ông Ả Rập. Tại World Cup 2022, Hà Lan, cùng nhiều đội tuyển khác, có trận đấu tại đấy. Quá trình xây dựng sân đấu Al Thumama cũng gây tranh cãi, với nhiều cáo buộc về việc ngược đãi công nhân, phân biệt đối xử với công nhân nước ngoài. Có thể vì thế mà đội tuyển Hà Lan đã có sáng kiến tổ chức cuộc gặp với một nhóm công nhân. Dù sao thì việc tham gia vào một giải đấu, và đá trên một sân đấu với lịch sử được coi là đi ngược lại các giá trị mà người Hà Lan theo đuổi, ít nhiều mang đến cảm giác tội lỗi, đồng lõa.

Cuộc gặp cho chúng tôi năng lượng, vì những công nhân ấy rất thích gặp chúng tôi.

Virgil van Dijk

Subas Gishing sẽ chỉ xem vài trận World Cup trên ti vi. “Tôi không đặc biệt thích bóng đá, nhưng cũng sẽ xem một số trận của các đội mình thích như Anh và Argentina”, anh cho biết. Tất nhiên là anh sẽ không thể đến được sân Al Thumama để xem trực tiếp, nơi giá vé mỗi trận đấu có thể bằng nhiều tháng thu nhập của những công nhân như anh. Nhưng dù sao anh vẫn là người may mắn hơn khoảng 2.100 công nhân đồng hương đã chết tại Qatar từ năm 2010 đến nay, kể từ khi nước này được chọn đăng cai World Cup 2022, theo số liệu của Bộ Lao động Nepal.

Nói chuyện một hồi, tôi xin chụp hình với nhóm của Gishing trước khi dạt sang bên kia đường, nơi có những tòa nhà cao tầng để tránh nắng. “Anh nhớ gửi hình cho chúng tôi xem nhé”, Gishing đề nghị. Tôi xin số điện thoại của một hai người, lưu tên vào để tối về có thể gửi hình ảnh cho họ qua ứng dụng WhatsApp.

Tôi rời khu công viên Al Bidda để lên Trường đại học Qatar xem đội tuyển Hà Lan. Tôi sẽ còn tiếp tục rong ruổi đó đây trong các kỳ World Cup. Còn Gishing và những người công nhân sẽ ở lại đấy, tiếp tục công việc của mình. Rất nhiều vất vả nhưng cũng khe khẽ tự hào khi mình đã góp phần làm nên một kỳ World Cup mà chính quyền Qatar đánh giá là lịch sử.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.