Fintech 'khát' nhân lực ngành CNTT

02/04/2022 11:20 GMT+7

Nhu cầu chuyển đổi số, phát triển công nghệ trong các Fintech tăng cao khiến những doanh nghiệp này phải tìm đủ cách mà vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về nhân lực.

Fintech (công ty trong lĩnh vực công nghệ tài chính) đang trong giai đoạn bùng nổ, do đó nhu cầu về nguồn lực làm công nghệ thông tin (CNTT) ở các doanh nghiệp này đang vô cùng lớn. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang thiếu hụt nguồn cung khiến họ phải tìm mọi cách, từ "đãi vàng" tài năng trong trường học tới tiếp cận nhân tài ở thị trường quốc tế.

Fintech vào các trường ĐH để 'đãi vàng' từ sớm nhằm tìm kiếm nhân lực CNTT từ nguồn

Chụp màn hình

Theo báo cáo thị trường năm 2021 của TopDev, nhân lực CNTT tại Việt Nam đang thiếu hụt và chưa thể lấp đầy trong tương lai gần. Năm ngoái, cả nước cần khoảng 450.000 người cho lĩnh vực này nhưng số lập trình viên hiện tại ước đạt 430.000, thiếu 20.000 vị trí so với nhu cầu. Chi tiết hơn, báo cáo chỉ ra chỉ khoảng 16.500 sinh viên (gần 30%) trong tổng 55.000 sinh viên chuyên ngành CNTT đáp ứng kỹ năng, yêu cầu của doanh nghiệp cần.

Nhu cầu được dự báo còn tăng cao khi vài năm gần đây Việt Nam trở thành điểm đến của những thương hiệu công nghệ hàng đầu thế giới, liên tiếp mở các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), nhà máy/khu công nghiệp thông minh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước như Viettel, VNPT, Vingroup... cũng liên tiếp chiêu mộ nhân tài, đặc biệt là người thuộc lĩnh vực mới như AI (trí tuệ nhân tạo), Big Data (dữ liệu lớn), ML (máy học - machine learning), đám mây... càng khiến nguồn cung cạn kiệt.

Trao đổi với Thanh Niên tại buổi tọa đàm "Để an toàn trong các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt" diễn ra hôm 30.3, bà Trương Cẩm Thanh - đại diện ví điện tử ZaloPay chia sẻ thẳng thắn nguồn nhân lực CNTT tại Việt Nam đang "không dôi dư". Lãnh đạo đơn vị cho biết đang phải cố gắng rất nhiều phương án khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn lực.

TỌA ĐÀM TRỰC TUYẾN: Để đảm bảo an toàn trong các giao dịch không dùng tiền mặt

"Là một Fintech trong lĩnh vực startup, chúng tôi giờ vừa tìm cách để người lao động gắn bó, vừa làm sao tiếp cận nguồn nhân lực cho tương lai. ZaloPay đang cố gắng làm rất nhiều dự án, từ phối hợp với các trường đại học để tìm kiếm tài năng từ khi còn là sinh viên, tới vừa học vừa làm để các em có thể có kiến thức lẫn kinh nghiệm thực tế nhằm bù đắp cho nguồn lực về sau. Chưa kể phải tính tới phương án tìm kiếm tài năng từ nước ngoài", bà Thanh tâm sự.

Nhân sự cho CNTT đã trở thành vấn đề trường kỳ không chỉ của các FinTech mà còn đúng với ngành tài chính ngân hàng trong giai đoạn bùng nổ 4.0 như hiện nay. Theo Phó giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số HDBank Nguyễn Đức Dũng, điều khó nhất là nhân lực mảng này vừa phải có kiến thức công nghệ, lại hiểu biết tài chính ngân hàng, quan trọng hơn cả là năng động để bắt kịp những thay đổi. "Tìm được nhân sự thế này là rất khó", ông Dũng nói.

Ngoài quy trình tuyển dụng truyền thống, ngân hàng này đang tập trung vào tìm kiếm nhân tài từ khi còn ngồi ghế đại học, đồng thời thí điểm trung tâm chuyển đổi số cho phép nhân viên làm hoàn toàn từ xa. Điều này tạo cơ hội cho doanh nghiệp tận dụng được nguồn nhân lực số ở mọi nơi trên Việt Nam, không còn giới hạn về mặt địa lý.

Phó giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số HDBank Nguyễn Đức Dũng tại buổi tọa đàm "Để an toàn trong các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt"

đào ngọc thạch

Theo ông Nguyễn Bá Diệp - Đồng sáng lập kiêm Phó chủ tịch Ví điện tử MoMo, Việt Nam thực sự thiếu người có trình độ cao làm CNTT từng có kinh nghiệm quản lý hệ thống lớn tới hàng chục triệu khách hàng. Bản thân MoMo cũng đang đào tạo nhân sự từ năm đại học thứ ba để khi ra trường sẽ kịp cống hiến. "Đợi 5 năm ra trường rồi mới vào thì không làm nổi", ông Diệp chia sẻ thêm. Hiện MoMo đang phải sử dụng nhân sự nước ngoài, ví dụ CFO (Giám đốc tài chính) là một người Mỹ, còn bộ phận nhân sự có một quản lý người Nga.

"Chúng ta cũng có thể nghĩ tới những ưu đãi để thu hút nhân tài, nhân sự mới, dù là người nước ngoài hay đồng bào trở về Việt Nam để xây dựng quê hương", lãnh đạo MoMo gợi ý.

Bên cạnh thiếu hụt nguồn cung nhân sự, các Fintech tại Việt Nam cũng đang gặp khó khi chờ đợi một hành lang pháp lý cụ thể để có định hướng hoạt động một cách hiệu quả nhất, bắt kịp xu thế Công nghiệp 4.0.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.