Trình bày báo cáo nội dung lớn giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Bảo vệ môi trường sửa đổi tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 4.9, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN-MT Quốc hội Phan Xuân Dũng cho hay, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị rà soát quy định dự án phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường cho phù hợp với với luật Đầu tư công, luật Đầu tư, luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xây dựng mới được Quốc hội thông qua.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình 2 phương án. Phương án 1 dựa trên phân loại dự án theo luật Đầu tư công để xác định đối tượng dự án đầu tư công phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường (bao gồm các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C có cấu phần xây dựng thuộc loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường).
Phương án 2 thì dựa trên cơ sở phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường, theo đó, chỉ các dự án thuộc nhóm I (nhóm có tác động môi trường ở mức độ cao) mới là đối tượng phải thực hiện. Phương án này do cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ TN-MT đề xuất.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo phương án 1, cũng như phương án 2 thì đối tượng dự án phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường đều thu hẹp hơn so với luật Đầu tư công. Do đó, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc thay đổi đối tượng đánh giá sơ bộ tác động môi trường dù thu hẹp hay mở rộng hơn cần rất thận trọng.
Nhiều bất cập, không khoa học
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng, việc đánh giá tác động môi trường sơ bộ (trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư) là cần thiết, phù hợp kinh nghiệm quốc tế khi thực tế nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng khi đưa vào thì địa điểm bố trí dự án hoặc các điều kiện môi trường, khu dân cư không cho phép được đầu tư.
Theo Bộ trưởng Hà, kinh nghiệm và quy định thế giới thì đánh giá tác động môi trường là một quá trình kéo dài từ khi xin chủ trương cho tới khi dự án xây dựng xong thì mới kết thúc. “Ở ta mới có ý tưởng thôi cũng đưa ra đánh giá tác động môi trường”, ông Hà nói và cho rằng cần coi đây là bước đầu tiên của đánh giá tác động môi trường chứ không nên coi là một thủ tục.
Ông Hà cũng cho biết, hiện nay đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo luật Đầu tư chỉ quan tâm nguồn lực đầu tư của nhà nước và dựa trên thẩm quyền phê duyệt (ở cấp nào).
Tuy nhiên, theo ông Hà, cách phân loại này có nhiều bất cập, không dựa trên cơ sở khoa học, thông lệ quốc tế khi có nhiều dự án thuộc thẩm quyền thuộc Quốc hội và Chính phủ nhưng thực tế lại không có tác động lớn về môi trường như các dự án du lịch, chỉnh chang khu di tích...
"Tuy nhiên, vì dự án do Quốc hội hoặc Chính phủ phê duyệt chủ trương thì vẫn phải đánh giá tác động môi trường sơ bộ và khi đã làm đương nhiên phát sinh thủ tục hành chính”, ông Hà phân tích.
Trong khi đó, theo ông Hà, rất nhiều dự án cấp tỉnh phê duyệt như Formosa, Lee&Man... nguồn thải rất lớn nhưng do quy mô đầu tư tư nhân nên Chính phủ, Thủ tướng, Quốc hội không phê duyệt (chủ trương đầu tư) và cũng không tính toán, đánh giá tác động môi trường sơ bộ.
17 ngành, lĩnh vực phải đánh giá tác động môi trường sơ bộ
Từ đó, ông Hà cho rằng, khi đánh giá tác động môi trường cần phải dựa trên mức độ ảnh hưởng tác động của nguồn thải, phạm vi tác động của nơi sẽ đặt nhà máy, dự án chứ không phải quy mô hay loại hình đầu tư của dự án.
“Khi xây dựng tiêu chí khoa học hơn sẽ giúp chúng ta một mặt loại bỏ tính hình thức trong khâu đánh giá sơ bộ tác động môi trường, mặt khác ta sẽ xem xét được các dự án mà tính chất nguy hiểm tác động mạnh mẽ đến môi trường. Cái này thông lệ quốc tế đã làm”, ông Hà nói và cho biết, trên 10 đại sứ quán đã góp ý là Việt Nam làm chưa giống ai nên không có cơ sở khoa học khi tính toán.
“Cần phải đưa ra tiêu chí có thể lượng hóa và tính điểm được. Từ đó một mặt cải cách thủ tục hành chính, một mặt không bỏ sót đánh giá tác động môi trường”, ông Hà nhấn mạnh lại và cho rằng, quy định theo cách tiếp cận mới là cần thiết và không làm xáo trộn hệ thống luật, ngược lại còn đảm bảo tính thống nhất trong vấn đề áp dụng pháp luật.
Cũng theo ông Hà, Bộ TN-MT đã đưa ra 17 loại lĩnh vực chắc chắn phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường trong đó có ngành thép, dệt nhuộm và những ngành có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
“Chúng tôi không coi đó là thủ tục mà cho đó là quá trình chủ đầu tư phân tích để khi quyết định chủ trương đầu tư thì có thông tin đầu vào, là dự án có phù hợp quy hoạch, vị trí hay không”, ông Hà phân tích.
Bình luận (0)