G7, NATO tìm cách tăng cường hỗ trợ Ukraine

Văn Khoa
Văn Khoa
14/06/2024 05:00 GMT+7

Lãnh đạo các nước G7 đang họp ở Ý nhằm tăng cường hỗ trợ Ukraine, trong lúc bộ trưởng quốc phòng các nước NATO bàn về những đề xuất mới liên quan Kyiv.

Lãnh đạo các nước G7 (gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản) hôm qua bắt đầu hội nghị thượng đỉnh thường niên dự kiến kéo dài 3 ngày tại khu nghỉ dưỡng Borgo Egnazia ở Ý. Hội nghị lần này được cho là tập trung tìm cách tăng cường sự ủng hộ của nhóm với Ukraine trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài hơn 840 ngày mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Thỏa thuận an ninh Mỹ - Ukraine

Trước thềm hội nghị G7, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho hay Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ ký một thỏa thuận an ninh mới với Ukraine nhằm cam kết sự hỗ trợ lâu dài của Washington đối với Kyiv. "Bằng việc ký kết này, chúng tôi cũng sẽ gửi cho Nga một tín hiệu về quyết tâm của chúng tôi", ông Sullivan nhấn mạnh. Trước Mỹ đã có 15 quốc gia ký các thỏa thuận an ninh riêng với Ukraine và việc này sẽ tăng cường "khả năng phòng thủ răn đe" của Kyiv, theo ông Sullivan.

Tổng thống Ukraine kêu gọi đầu tư tái thiết dù hạ tầng năng lượng suy sụp

Hôm qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng thông báo nước này sẽ ký một thỏa thuận an ninh với Nhật Bản bên lề hội nghị G7. Cũng tại hội nghị này, Thủ tướng Anh Rishi Sunak sẽ công bố gói hỗ trợ 242 triệu bảng (hơn 7.900 tỉ đồng) cho Ukraine nhằm hỗ trợ các nhu cầu nhân đạo, năng lượng và ổn định cho Ukraine, theo văn phòng của ông Sunak.

G7, NATO tìm cách tăng cường hỗ trợ Ukraine- Ảnh 1.

Các nhà lãnh đạo dự hội nghị thượng đỉnh G7 tại khu nghỉ dưỡng Borgo Egnazia ở Ý ngày 13.6

Reuters

NATO sẽ đảm nhận sứ mệnh mới?

Trong lúc hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở Ý, bộ trưởng quốc phòng các nước NATO gặp nhau ở Brussels (Bỉ) từ ngày 13 - 14.6, thảo luận những đề xuất nhằm hỗ trợ Ukraine. "Tôi hy vọng rằng các bộ trưởng sẽ thông qua kế hoạch để NATO dẫn đầu việc phối hợp hỗ trợ an ninh và huấn luyện cho Ukraine", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu với giới phóng viên ngày 12.6.

Ông Stoltenberg đã đề xuất NATO đảm nhận việc điều phối viện trợ quân sự quốc tế cho Ukraine, trao cho liên minh này một vai trò trực tiếp hơn trong việc hỗ trợ Kyiv mà không cần phải đưa lực lượng của mình vào Ukraine, theo Reuters. Ông cũng yêu cầu các nước thành viên NATO tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine ở mức tương tự như họ đã làm kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát vào tháng 2.2022, với tổng số tiền lên tới khoảng 40 tỉ euro (hơn 1,1 triệu tỉ đồng)/năm.

NATO lo kế hoạch tạo luồng chuyển quân thông suốt nếu có xung đột với Nga

Trong khi đó, Hãng tin TASS hôm qua dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho rằng mọi thứ NATO đang làm là nhằm chuẩn bị cho một cuộc đụng độ quân sự có thể xảy ra với Nga. Ông Grushko còn nói "các cuộc tập trận đang được tiến hành cho thấy tất cả khái niệm về an ninh hợp tác hiện đã bị loại bỏ và NATO đã quay trở lại các kế hoạch an ninh thời Chiến tranh lạnh".

Cáo buộc bất ngờ từ Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia

Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Robert Kalinak ngày 12.6 cho hay ông đã đệ đơn khiếu nại hình sự chống lại người tiền nhiệm Jaroslav Nagy, cáo buộc ông Nagy "phản quốc" khi gửi 13 máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine trong năm ngoái, theo Đài iROZHLAS. "Việc làm suy yếu lực lượng vũ trang theo cách này, trái với hiến pháp, chỉ có thể được mô tả trong từ điển chính trị của chúng tôi là tội phản quốc", ông Kalinak nhấn mạnh.

Đáp lại, ông Nagy, giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia từ tháng 3.2020 - 5.2023, khẳng định mọi cân nhắc về mặt pháp lý đã được tính đến trước khi ký thỏa thuận bàn giao MiG-29. Vào thời điểm gửi MiG-29, ông Nagy nhấn mạnh những chiếc chiến đấu cơ từ thời Liên Xô đó là "không thể sử dụng được" đối với Slovakia nên việc tặng chúng cho Ukraine là "điều đúng đắn", theo trang tin The Kyiv Independent.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.