G7 ra tuyên bố chung lên án hành vi cưỡng ép kinh tế

Khánh An
Khánh An
29/10/2023 18:00 GMT+7

Bộ trưởng thương mại các nước G7 ra tuyên bố chung lên án hành vi cưỡng ép kinh tế và đề cập nhiều vấn đề quan trọng về thương mại toàn cầu.

G7 ra tuyên bố chung lên án hành vi cưỡng ép kinh tế - Ảnh 1.

Các đại biểu chụp ảnh chung tại hội nghị các bộ trưởng thương mại G7 ở Osaka hôm 28.10

AFP

Hãng Reuters ngày 29.10 đưa tin các nền kinh tế G7 lên án hành vi cưỡng ép kinh tế gia tăng thông qua thương mại, trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp bộ trưởng thương mại các nước thành viên tại Osaka (Nhật Bản).

"Chúng tôi phản đối các hành động vũ khí hóa sự phụ thuộc về kinh tế và cam kết xây dựng các mối quan hệ kinh tế, thương mại tự do, công bằng và cùng có lợi", theo thông cáo dài 10 trang.

G7 gồm các nước Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Ý. Thông cáo không đề cập cụ thể hành vi cưỡng ép từ bên nào.

G7 kêu gọi "bãi bỏ ngay lập tức" các biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với các sản phẩm thực phẩm của Nhật, ám chỉ các hạn chế của Trung Quốc sau khi Nhật bắt đầu xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Trong khi Nhật và Mỹ cho rằng các biện pháp hạn chế này là không công bằng, Nga đã công bố quyết định hạn chế tương tự vào đầu tháng này.

Ngoài ra, G7 bày tỏ mối quan ngại về các biện pháp kiểm soát gần đây đối với việc xuất khẩu các khoáng sản quan trọng. Trung Quốc, hôm 20.10 công bố hạn chế xuất khẩu than chì, nguyên liệu chính được sử dụng trong pin xe điện, trong một nỗ lực nhằm kiểm soát nguồn cung khoáng sản quan trọng.

Bộ trưởng các nước G7 công nhận "một nhu cầu thực sự mạnh mẽ về việc giảm sự phụ thuộc vào một quốc gia cụ thể" trong việc cung cấp các nguồn tài nguyên quan trọng. "Chúng tôi hoàn toàn đồng ý xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt và đáng tin cậy cho các khoáng sản quan trọng, chất bán dẫn và pin", theo Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Yasutoshi Nishimura.

Tổng thống Mỹ cắt cơ hội tiếp cận chip Nvidia của Trung Quốc

Về Nga, các quan chức G7 lên án việc nước này phá hủy cơ sở hạ tầng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine và quyết định của Moscow "đơn phương" từ bỏ các cuộc đàm phán về một thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu lúa mì và các sản phẩm khác qua biển Đen.

Không giống như cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G7 cách đây 2 tuần, nơi họ lên án "các cuộc tấn công khủng bố" của Hamas nhằm vào Israel, các bộ trưởng thương mại không đề cập cụ thể cuộc khủng hoảng Trung Đông.

Thông cáo chỉ nói rằng G7 "tìm cách nâng cao nhận thức về những thách thức của việc vận chuyển hàng hóa nhân đạo xuyên biên giới trong các thảm họa thiên nhiên và các trường hợp khẩn cấp khác".

Hội nghị G7 ở Osaka còn có đại diện các quốc gia khác như Ấn Độ, Úc, Chile, Kenya và Indonesia, cũng như các tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.