5 giờ sáng, khi thị trấn Sa Pa (Lào Cai) còn mù sương, các cô gái người Mông trong trang phục đầy sắc màu của dân tộc mình đã lặn lội từ các bản làng tiến về Sa Pa bắt đầu một ngày làm việc.
Các cô gái người Mông đồng hành cùng khách du lịch - Ảnh: Thành Trí |
Bốn khách nước ngoài vừa bước xuống xe các cô gái đã đon đả chào hỏi bằng tiếng Anh. Sau một hồi trò chuyện, bốn vị khách nước ngoài vác ba lô lên và đi, hai trong số sáu cô gái chạy theo lúc nãy cũng vác gùi đi theo. Họ hướng về phía bản làng người Mông...
Đó là hình ảnh dễ bắt gặp trên đoạn đường dài vài cây số từ thị trấn Sa Pa về Tả Van, Hầu Thào, Cát Cát - nơi đồng bào người Mông, Dáy... sinh sống.
Giàng Thị Kho (18 tuổi), nhà ở xã Hầu Thào, cho biết học hết lớp 9, không có điều kiện học tiếp nên Kho... cưới chồng, sinh con. Khi con được gần một tuổi, để con cho chồng ở nhà chăm sóc, mỗi ngày Kho dậy từ 5 giờ sáng, chồng chở ra thị trấn Sa Pa đón khách rồi đi bộ cùng khách vào bản Tả Van. “Mình đi theo nói chuyện với họ, họ hỏi mình nói rồi bán đồ, họ thương thì mua nhiều, không mua thì thôi”, Giàng Thị Kho nói.
Hàng mà Kho và những cô gái người Mông bỏ trong gùi là vòng đeo tay, khăn, quần áo… được dệt, thêu bằng thổ cẩm do chính tay đồng bào người Mông làm. Với khách nước ngoài họ sẽ bán với giá cao hơn khách Việt.
Giàng Thị Cho, Giàng Thị Kho hay những phụ nữ đang làm du lịch ở đây có chung một đặc điểm nói tiếng Anh rất lưu loát dù tiếng Kinh không mấy thuần thục. Thắc mắc về điều này, Cho giải thích: “Nói chuyện với Tây nhiều, ngày nào cũng nói, lúc đầu không biết nói gì, nghe họ nói mình nói lại, cứ thế thành quen”.
Điều dễ nhận thấy nữa ở các cô gái bản là các ngón tay luôn có màu đen, trông không được sạch sẽ. Giàng Thị Cho giải thích: “Do dệt vải đấy”. Ngoài làm du lịch, trở về nhà, các cô gái phải nấu ăn, chăm sóc chồng con, tự dệt vải, thêu thùa... Thế mới thấy sự dẻo dai, can trường của các cô gái bản.
Bình luận (0)