Sức hút từ chương trình thuần Việt
Chương trình Trạng nguyên nhí dành cho học sinh từ lớp 2 - 4 vừa lên sóng đầu năm nay vào chiều thứ bảy hằng tuần trên kênh VTV3. Những cô bé, cậu bé tham gia thích thú trải qua 3 thử thách là những phần thi được đặt tên theo hệ thống thi cử thời xưa là thi Hương, thi Hội, thi Đình. Trạng nguyên nhí tìm kiếm những học sinh có kiến thức, kỹ năng sống; hướng tới sự quan sát, cảm xúc của những bạn nhỏ về thế giới xung quanh, tham gia hoạt động thể chất, văn nghệ…
Sau 4 năm, sân chơi SV trở lại trên sóng truyền hình với 3 phần thi Chào SV (tự giới thiệu), Nhà hát SV (trình diễn ca hát, âm nhạc, kịch nghệ với chủ đề do ban tổ chức yêu cầu theo từng tập), Ống kính SV (ban tổ chức đưa ra một đề bài trong một phóng sự/MV/Vlog, đội chơi chọn nhân vật mà chương trình đưa ra để diễn xuất cùng người điều tiết là giám khảo Xuân Bắc). Sau gala Cho tôi một vé đi tuổi thơ vào sáng 20.3 sẽ là chung kết toàn quốc (được truyền hình trực tiếp lúc 9 giờ ngày 27.3 trên kênh VTV3) với sự tranh tài của 4 đội: Học viện Cảnh sát nhân dân, Trường ĐH Luật TP.HCM, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM và Trường Đại học Yersin Đà Lạt trong chủ đề Việt Nam trong tôi. Theo nhà báo Lại Văn Sâm, Trưởng ban giám khảo sân chơi SV năm nay, chương trình không có đúng - sai, chỉ có sự thông minh, dí dỏm, tài năng và truyền được cảm hứng cho khán giả về những điều tích cực.
Đêm chung kết chương trình Siêu thủ lĩnh - cuộc thi trên sóng Đài truyền hình Vĩnh Long (THVL1) dành cho các bạn sinh viên - những đại diện ưu tú, tham gia sôi nổi trong các phong trào và sở hữu những tài năng, thế mạnh riêng biệt vừa khép lại hôm 19.3. Dõi theo hành trình chinh phục đỉnh cao của các thí sinh Siêu thủ lĩnh, khán giả - nhất là giới trẻ, có những khoảnh khắc vừa được giải trí vừa học trong thư giãn. Bởi, các phần thi đều lồng ghép kiến thức trong mỗi thử thách được dàn dựng sân khấu hóa, những kiến thức được kết hợp cùng những phần trình diễn đa dạng như: âm nhạc dân tộc, nhạc trẻ, kịch nói, ảo thuật… Cũng trên sân khấu Siêu thủ lĩnh, các thí sinh tự tin thể hiện quan điểm về những chủ đề “nóng” của nghệ thuật và đời sống như: rap bùng nổ và dự đoán tương lai, hài kịch chiếm sóng và hiện trạng “bội thực” vì đâu? Cải lương đang xuống dốc?...
VTV3 sẽ hướng đến những chương trình cho trẻ em ở các độ tuổi khác nhau, hay hướng đến các đối tượng như công nhân, nông dân, và tiếp tục là giới trẻĐạo diễn Lại Bắc Hải Đăng |
Theo nhà sản xuất - NSƯT Vũ Thành Vinh (CEO của Công ty truyền thông Khang - đơn vị phối hợp sản xuất Siêu thủ lĩnh cùng Đài truyền hình Vĩnh Long): “Theo thông tin từ nhà đài thì Siêu thủ lĩnh tạo nên hiệu ứng như thời hoàng kim của Solo cùng bolero - show về văn hóa giải trí và được nhiều tầng lớp quan tâm, ngoài các bạn trẻ còn có nhiều đối tượng khác nhau đón xem.
Trước sự đón nhận của khán giả với Trạng nguyên nhí, đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng, Phó trưởng ban Sản xuất chương trình giải trí - Đài truyền hình Việt Nam, cho hay: “Đúng là lâu lắm rồi chúng tôi mới cảm thấy mình sản xuất được một chương trình có tính giáo dục cụ thể, thiết thực mà vẫn thu hút được người xem là các bạn nhỏ. Chúng tôi cũng rất muốn mở rộng sản xuất đến với các tỉnh, thành, thậm chí là miền quê xa xôi”.
|
Những cái “khó”
“Làm chương trình SV không nhiều khó khăn, vì cái khó nhất thuộc về các đội tuyển, nhưng chúng tôi lo lắng nhất là bởi mình không “cầm đằng chuôi” hoàn toàn. Các bạn sinh viên sẽ là linh hồn, tạo ra nội dung cho chương trình”, đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng chia sẻ. Ông Đăng nói thêm: “Trạng nguyên nhí thì khó nhất là bộ câu hỏi, là những ý tưởng bật ra cho mỗi số ghi hình. Vì trẻ con chóng chán lắm, mà lại rất cập nhật YouTube, Tiktok nên làm chương trình cho các bạn khó thực sự. Ngoài ra, vì độ tuổi nhỏ nên làm việc với các bạn không dễ. Ai mà thiếu nhẫn nại, tốt nhất đừng nghĩ đến làm việc với trẻ”.
NSƯT Vũ Thành Vinh nhìn nhận: “Nếu để ý, trên sóng truyền hình hiện nay rất nhiều show giải trí với các định dạng khác nhau, nhưng phân khúc dành cho sinh viên còn ít, đặc biệt sinh viên khu vực đồng bằng sông Cửu Long”. Anh cho rằng: “Thực sự làm chương trình về thanh thiếu niên nói chung với format thuần Việt rất khó thu hút tài trợ, vì đối tượng này ít xem truyền hình mà chủ yếu tập trung vào điện thoại thông minh. Hơn nữa, thanh thiếu niên không phải đối tượng mà các nhãn hàng hướng đến ở phân khúc truyền hình truyền thống... Đó là bài toán không dễ giải”.
Đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng cũng nhìn nhận: “Đúng là làm format thuần Việt khó lắm. Chúng tôi chưa đủ giỏi để khẳng định mọi sản phẩm làm ra sẽ tốt, sẽ hay, thành công”. Tuy vậy, ông Đăng cho hay điều chắc chắn là “VTV3 sẽ hướng đến những chương trình cho trẻ em ở các độ tuổi khác nhau, hay hướng đến các đối tượng như công nhân, nông dân, và tiếp tục là giới trẻ”.
Bình luận (0)