Đà giảm của thị trường chứng khoán phiên 9.3 diễn ra ngay từ khi mở cửa và kéo dài đến cuối phiên. Đóng cửa VN-Index giảm 6,28%, tương đương mất 55,95 điểm xuống còn 835,49 điểm. Chỉ số HNX-Index trên sàn Hà Nội cũng mất đi 6,43% xuống còn 106,34 điểm.
Đây là phiên giảm điểm mạnh nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam trong vòng 18 năm qua, kể từ năm 2002. Việc mất hơn 6% của các chỉ số chứng khoán đã khiến vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam phiên này bốc hơi gần 10,5 tỉ USD. Nhưng việc “rực lửa” của thị trường Việt Nam không ngoại lệ khi thị trường tài chính chứng khoán châu Á phiên này khắp nơi đều lao dốc.
Tâm lý nhà đầu tư chứng khoán trở nên lo sợ hơn khi dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục lan nhanh cùng diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, giá dầu thế giới giảm kỷ lục hơn 30% trong sáng nay cũng kéo tuột các cổ phiếu đi xuống không phanh.
Đến cuối phiên giao dịch, các cổ phiếu từ lớn đến nhỏ đều bị bán tháo. Hàng loạt cổ phiếu bị giảm hết biên độ xuống mức sàn với hơn 200 mã, thậm chí nhóm cổ phiếu blue-chips trong rổ VN30 trên sàn TP.HCM cũng không thể lội ngược dòng. Đó là những cổ phiếu hầu như rất hiếm khi bị giảm mạnh thì nay cũng phải nằm sàn như GAS, MWG, PNJ, VIC, VCB, VRE… Hoặc nhóm cổ phiếu ngân hàng từ đầu năm đến nay luôn nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư thì nay cũng phải chịu cảnh bán tháo như BID, CTG, HDB, MBB, TCB, VPB, STB… Tương tự, đồng loạt các cổ phiếu ngành dầu khí cũng giảm sàn như GAS, PLX, PVS, PVX…
Thanh khoản tăng mạnh so với các phiên trước với gần 380 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được giao dịch với trị giá gần 6.500 tỉ đồng.
Chứng khoán khắp nơi tại châu Á phiên này đều mất từ 4 - 6%. Nikkei 225 tại Nhật bay hơi 5,07% xuống 19.698,76 điểm, Hang Seng của Hồng Kông giảm 4,47%, Shanghai của Trung Quốc giảm 3,01%, Kospi tại Hàn Quốc giảm 4,19%, FTSE Bursa Malaysia giảm 3,75% hay Straits Times của Singapore mất đi 6,06%...
Bình luận (0)