|
Hãng tin AFP trích thông tin từ hãng hàng không xấu vận trong 2014 cho biết, 186 tiếp viên cabin của hãng đã xin nghỉ việc do gia đình họ gây áp lực sau hai thảm kịch nghiêm trọng xảy ra trong vòng không đầy 6 tháng.
Trong vụ mất tích máy bay Boeing 777 mang số hiệu chuyến bay MH370 trên đường đi Bắc Kinh (Trung Quốc) từ Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 8.3, dấu vết của 12 thành viên tổ bay và 227 hành khách từ 15 quốc gia đến nay vẫn là điều bí ẩn.
Còn vụ máy bay số hiệu MH17 trên đường bay về Kuala Lumpur từ Amsterdam (Hà Lan) bị bắn rơi khi đang trên không phận Ukraine ngày 17.7 đã cướp đi sinh mạng của tất cả 15 thành viên phi hành đoàn cùng 283 hành khách từ 10 nước.
Cho đến hôm nay, chỉ mới có 23 thi thể trong tổng số 43 tiếp viên và hành khách mang quốc tịch Malaysia trên chuyến bay MH17 được đưa về quê hương. Số còn lại đang chờ tìm kiếm tại hiện trường hoặc nhận diện tại phòng thí nghiệm ở Hà Lan.
“Sau sự cố MH17, có một sự gia tăng đột biến số tiếp viên bay xin nghỉ việc. Nhiều người nêu lý do "áp lực gia đình" theo sau hai thảm kịch MH17 và MH370”, thông cáo của MAS cho hay.
Hãng hàng không này cũng nói thêm con số nghỉ việc hiện đã giảm xuống “ở mức có thể chấp nhận được”.
Trong khi đó, Abdul Malek Ariff, Tổng thư ký liên đoàn lao động vốn đại diện cho khoảng 8.000 trong tổng số 19.500 nhân viên của MAS, cho hay: “Nhiều tiếp viên bây giờ rất sợ bay”.
Đại tu MAS
Hồi đầu tháng 8.2014, chính phủ Malaysia loan tin giải thể Malaysian Airline System Berhad, tập đoàn quản lý MAS, để đưa hãng hàng không quốc gia vào diện quản lý của nhà nước và tiến hành tái cấu trúc.
Chính phủ Malaysia, thông qua quỹ đầu tư nhà nước Khazanah Nasional, trước đây đã nắm 70% cổ phần MAS và đang chuẩn bị mua nốt 30% còn lại trị giá khoảng 1,38 tỉ ringgit (435 triệu USD).
Hiện thông tin cụ thể về kế hoạch tái cấu trúc còn chưa được công bố, nhưng nhiều nguồn tin cho hay khoảng 20-25% nhân sự của MAS, tức khoảng 4.000 - 5.000 người, sẽ bị cắt giảm.
Bên cạnh đó, Tổng giám đốc Ahmad Juahari Yahya cũng sẽ phải ra đi khi thời hạn hợp đồng của ông hết hạn vào tháng 9 tới.
Ông Ahmad Juahari Yahya, 60 tuổi, một doanh nhân bản lĩnh với nhiều thành tích trên thương trường và có biệt danh AJ, về đầu quân cho MAS vào tháng 9.2011, khi hãng hàng không một thời uy tín này đã đi vào quỹ đạo tuột dốc do sự cạnh tranh khốc liệt bởi các hãng mới nổi trong khu vực và với chính hãng hàng không giá rẻ cùng quốc tịch, AirAsia.
Được ghi nhận là có nhiều sáng kiến giúp tăng tính cạnh tranh của MAS, nhưng ông AJ không đủ sức xoay ngược tình thế.
Trong 3 năm trước khi xảy ra sự cố MH370, MAS thua lỗ đến 1,3 tỉ USD.
Riêng quý 1/2014, mức lỗ ròng của MAS là 137 triệu USD, do có phần ảnh hưởng của sự cố MH370 vào ngày 8.3. Đó là quý thứ 5 liên tục kết quả kinh doanh của MAS đạt số âm.
Sau sự cố MH370, hãng tin BBC đã thẳng thắn đặt vấn đề từ chức với doanh nhân AJ và nhận được câu trả lời “Không” dứt khoát: “Đó sẽ là một quyết định cá nhân. Hiện tại tôi đang còn nhiều việc phải làm”.
Nhiều nguồn tin chính phủ Malaysia khi đó cũng nói rằng ngoài ông AJ, không có hy vọng tìm được một người khác tốt hơn có thể cứu vãn được MAS.
Tuy nhiên, sau sự cố MH17, vai trò và sự xuất hiện của ông AJ ngày càng mờ nhạt.
Hiện nay, theo giới phân tích, cựu CEO của MAS là Idris Jala, hiện làm việc trong chính phủ, là người có năng lực nhất có thể thay thế ông AJ.
Tuy nhiên, ông Idris Jala cực lực phủ định khả năng ông trở lại MAS, trong khi một số ứng viên khả dĩ khác bị đánh giá là không có kinh nghiệm trong ngành hàng không.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
>> Máy bay Malaysia Airlines quay đầu vì sự cố áp suất
>> Tiếp viên Malaysia Airlines bị tố quấy rối tình dục hành khách
>> Malaysia Airlines hỗ trợ tài chính cho gia đình nạn nhân MH17
>> Malaysia Airlines rút khỏi thị trường chứng khoán
>> Máy bay của Malaysia Airlines suýt va chạm với máy bay hạ cánh
Bình luận (0)