Tổng mức đầu tư khoảng 250.000 tỉ đồng
Theo báo cáo tiền khả thi của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, toàn dự án đường Vành đai 3 được chia thành 4 đoạn tuyến với tổng chiều dài 91,66 km và 8,3 km các tuyến nối.
Trong đó, đoạn 1 (Tân Vạn - Nhơn Trạch): Từ nút giao đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đến nút giao Tân Vạn (riêng đoạn 1A dài 8,75 km đầu tư bổ sung một số hạng mục để khai thác đường cao tốc). Chiều dài tuyến Vành đai 3 là 28,4 km, thêm 8,3 km các tuyến nối (gồm tuyến nối với nút giao Thủ Đức dài 5,88 km và tuyến nối vào Khu công nghiệp Ông Kèo, Đồng Nai dài 2,42 km). Tổng mức đầu tư cho giai đoạn hoàn thiện chưa bao gồm lãi vay là hơn 55.673 tỉ đồng; giai đoạn 1 là hơn 30.788 tỉ đồng (bao gồm giải phóng mặt bằng theo quy mô giai đoạn hoàn thiện).
Đoạn 2 (Tân Vạn - Bình Chuẩn): Từ nút giao Tân Vạn đến nút giao Bình Chuẩn, dài 15,3 km. Tổng mức đầu tư chưa bao gồm lãi vay là hơn 40.056 tỉ đồng cho giai đoạn hoàn thiện và hơn 11.863 tỉ đồng cho giai đoạn 1.
Đoạn 3 (Bình Chuẩn - quốc lộ (QL) 22): Từ nút giao Bình Chuẩn đến nút giao QL22, dài 19,1 km cần hơn 25.566 tỉ đồng cho giai đoạn hoàn thiện, cùng gần 17.535 tỉ đồng cho giai đoạn 1.
Đoạn 4 (QL22 - Bến Lức): Từ nút giao QL22 đến nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành và cao tốc TP.HCM - Trung Lương, dài 28,86 km. Tổng mức đầu tư giai đoạn hoàn thiện là hơn 41.859 tỉ đồng chưa bao gồm lãi vay; giai đoạn 1 cần hơn 22.413 tỉ đồng.
|
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đề xuất chia dự án đường Vành đai 3 thành 2 dự án thành phần: Dự án thành phần 1 là đầu tư xây dựng đường song hành (gồm các tuyến nối) và các hạ tầng kỹ thuật; Dự án thành phần 2 là đầu tư xây dựng phần đường cao tốc (bao gồm các nút giao).
Quy mô đầu tư dự án gồm hai giai đoạn: Giai đoạn 1: Giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh, quy mô bốn làn xe cao tốc hạn chế, vận tốc 80 km/giờ, bề rộng bằng 1/2 mặt cắt ngang giai đoạn hoàn thiện là 19,75 m và đường gom; Giai đoạn hoàn thiện: Quy mô 9 làn xe cao tốc hoàn chỉnh theo quy hoạch, vận tốc thiết kế 100 km/giờ và đường song hành.
Dự kiến mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 84.684 tỉ đồng, giai đoạn hoàn thiện hơn 165.256 tỉ đồng. Tổng mức đầu tư toàn dự án gần 250.000 tỉ đồng. Như vậy, tính ra 1 km đường Vành đai 3 "ngốn" gần 2.500 tỉ đồng (bao gồm thi công, giải phóng mặt bằng, lãi vay...).
Ưu tiên gọi vốn tư nhân
Với tổng mức đầu tư "khủng", Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho rằng cần huy động nhiều nguồn vốn hợp pháp cũng như cần sự tham gia của các địa phương. Cụ thể, đơn vị này đề xuất ngân sách các địa phương sẽ chịu trách nhiệm chi phí giải phóng mặt bằng, xây dựng đường gom, đường song hành và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Phần đường cao tốc thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) có sự hỗ trợ của ngân sách trung ương cho phần xây dựng đường cao tốc. Với phương án này, phần đường cao tốc sẽ có thời gian hoàn vốn khoảng 29 năm.
"Theo kết quả phân tích tài chính thì dự án xây dựng đường cao tốc khả thi cho nhà đầu tư tham gia theo hình thức BOT và Nhà nước tham gia vốn vào dự án ở mức tối thiểu; có thể kêu gọi và hấp dẫn nhà đầu tư. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ khoảng 15.411 tỉ đồng (chiếm 46,83% tổng mức đầu tư bao gồm lãi vay); BOT(gồm lãi vay) là hơn 17.496 tỉ đồng (chiếm 53,17% tổng mức đầu tư). Phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư hơn 2.624 tỉ đồng (chiếm 15%), vốn vay và lãi vay trong thời gian thi công là hơn 14.872 tỉ đồng (chiếm 85%) .
Trong văn vừa gửi UBND các địa phương có đường Vành đai 3 đi qua, Bộ GTVT đồng ý với đề xuất của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận về phương án triển khai là 1 dự án cho toàn bộ phần đường cao tốc và 4 dự án thành phần tương ứng với 4 đoạn tuyến. Trong đó, UBND TP.HCM là cơ quan có thẩm quyền tổ chức triển khai thực hiện đối với toàn bộ phần đường cao tốc. Bộ GTVT nhận định khi nghiên cứu toàn bộ phần đường cao tốc là một dự án thì có thể khả thi để triển khai đầu tư theo phương thức PPP - hợp đồng BOT khi được cấp có thẩm quyền cho phép tổ chức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đoạn từ Tỉnh lộ 25B đến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hoàn vốn cho dự án PPP.
"Việc triển khai đầu tư khép kín đường Vành đai 3 đã rất chậm so với quy hoạch được duyệt và nhu cầu thực tế. Để có thể kịp trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án tại Kỳ họp thứ 2 (dự kiến khai mạc vào cuối tháng 10) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cần thiết phải khẩn trương hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong nửa đầu tháng 8 này. Đề nghị UBND TP.HCM tiếp nhận hồ sợ , tài liệu của dự án, tổng hợp ý kiến các địa phương và rà soát, hoàn chỉnh báo cáo tiền khả thi của dự án; UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An sớm xem xét, có ý kiến về các nội dung liên quan đến việc đầu tư dự án, gửi UBND TP.HCM để tổng hợp..." - văn bản của Bộ GTVT nêu rõ.
Bình luận (0)