Nghệ sĩ Việt ở bảo tàng thế giới
Nhiều bảo tàng danh giá của thế giới đã không bỏ qua cơ hội sở hữu những tác phẩm nghệ thuật đương đại xuất sắc của nghệ sĩ Việt.
Bảo tàng Nghệ thuật Worcester (Worcester Art Museum), một trong những bảo tàng có vị trí quan trọng tại Mỹ, vừa sưu tập tác phẩm Helios Tower và tác phẩm ảnh phù điêu Tập thể văn nghệ sĩ của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn - một gương mặt nghệ sĩ đương đại nổi bật của VN.
Không khó để tìm thấy các tác phẩm của những nghệ sĩ đương đại xuất sắc người Việt và gốc Việt như: Trần Lương, Trương Tân, Jun Nguyễn - Hatsushiba, Ưu Đàm Trần Nguyễn, Danh Võ, Oanh Phi Phi, Nguyễn Trinh Thi... được sưu tập, triển lãm tại những trung tâm, bảo tàng nghệ thuật lớn của khu vực và thế giới như: Bảo tàng Guggenheim, Bảo tàng Nghệ thuật MoMA (New York, Mỹ); Trung tâm nghệ thuật Georges Pompidou (Paris, Pháp); Bảo tàng Nghệ thuật Mori (Tokyo, Nhật Bản); Bảo tàng Nghệ thuật đương đại quốc gia Singapore...
Nhìn lại ở trong nước, công chúng khó có thể bắt gặp những tác phẩm nghệ thuật đương đại của nghệ sĩ Việt trong những bảo tàng nghệ thuật. Dự án “Nghệ thuật trong không gian nhà Quốc hội” với những tác phẩm từ sơn mài, đồ họa, đến các chất liệu, sắp đặt đa phương tiện, sắp đặt video art trên lụa, nhiếp ảnh phù điêu... đã trở thành không gian hiếm hoi có “mô hình” của bảo tàng nghệ thuật đương đại. “Dù vậy, đó vẫn chưa là một bảo tàng nghệ thuật đương đại đúng nghĩa. Việc có bảo tàng nghệ thuật đương đại riêng biệt là cần thiết. Hầu hết các nước trên thế giới và trong khu vực đều có bảo tàng nghệ thuật đương đại, thậm chí có nước ở mỗi thành phố lại có vài bảo tàng như thế”, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn - cũng là giám tuyển của dự án nhìn nhận.
Tác phẩm tiêu biểu... cất kho
“Vấn đề ở đây là nghệ thuật đương đại chưa bao giờ được nhìn như dòng chính thức”, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn nói. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, Phó chủ tịch Hội đồng Phê bình mỹ thuật - Hội Mỹ thuật VN, nghệ thuật đương đại tồn tại ở VN từ những năm 1990. “Đến nay đã gần 30 năm, nhưng các nghệ sĩ hay các nhóm hoạt động vẫn theo kiểu tự biên tự diễn mà chưa chính thống. Diện mạo của nghệ thuật đương đại VN nhiều cái đẹp, cái hay mà không nhiều người biết tới. Tôi tiếc vì có nhiều tác phẩm, trong đó có những tiêu biểu của thời kỳ đổi mới, đến giờ vẫn... cất kho”, bà cho hay.
Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn cho rằng ngoài chức năng lưu trữ, triển lãm, bảo tàng còn có chức năng giáo dục, giúp nâng cao mặt bằng dân trí và nhìn nhận: “Đến giờ, không ít người vẫn nghĩ đương đại là không thể hiểu nổi, dần dần cho rằng nghệ thuật đương đại là xa vời, xa lạ, hay không có ý nghĩa”.
Theo nghệ sĩ Ưu Đàm Trần Nguyễn, số lượng công chúng của nghệ thuật đương đại trong nước chưa nhiều cũng bởi lý do VN chưa có bảo tàng nghệ thuật đương đại. “Có bảo tàng mới giúp tạo thói quen cho công chúng. Có thể không phải họ không chú ý mà phải có nơi nào để họ tìm đến. Điều đó càng cần thiết khi chuyện giáo dục nghệ thuật trong trường học đại chúng bây giờ vẫn chưa được chú trọng”, nghệ sĩ Ưu Đàm Trần Nguyễn chia sẻ. Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn cho rằng, một bảo tàng cho thấy lịch sử hình thành và phát triển của nghệ thuật đương đại, trưng bày những tác phẩm tiêu biểu từ những năm 1990 đến nay, cùng những phần thực hành nghệ thuật đương đại của các nghệ sĩ thay đổi thường xuyên mới giúp nghệ thuật đương đại VN có thể kết nối với thế giới.
Một bảo tàng nghệ thuật đúng tầm cỡ không thể thiếu bàn tay của nhà nước. Tuy nhiên, ngoài không gian trưng bày ở nhà Quốc hội, công chúng mới chỉ được tiếp cận hầu hết tác phẩm hay hoạt động thực hành nghệ thuật đương đại ở một số không gian nghệ thuật của tư nhân, trung tâm văn hóa nước ngoài. Ở góc độ khác, theo nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, hiện nay, cái VN đang thiếu còn là những con người vận hành bảo tàng: “Trong khi ở hầu hết bảo tàng trên thế giới đều có nhà giám tuyển, thì ở các bảo tàng VN gần như không có”.
Bà Võ Quỳnh Hoa, Giám đốc nghệ thuật Cuci Art Studio, cũng cho rằng một bảo tàng đương đại cần phải có những người làm chức tuyển chọn tác phẩm để công chúng biết tác phẩm được trưng bày theo những tiêu chí nào. “Còn nếu chạy theo hệ thống hiện tại, nhiều bảo tàng vẫn cho thuê không gian, họa sĩ, tác phẩm nào cũng vào triển lãm được thì công chúng sẽ khó mà hiểu được, thậm chí không hiểu thế nào là đương đại”, bà Hoa nói.
Vừa thừa, vừa thiếuÔng Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT-DL), cho biết: "Chúng tôi từng đề xuất về việc xây bảo tàng nghệ thuật đương đại cách đây hơn 10 năm rồi, nhưng có được quan tâm đâu. Chúng ta tập trung làm kinh tế văn hóa thì chỉ làm văn hóa quần chúng".
Còn bà Nguyễn Hải Yến, Phó chủ tịch Hội đồng Phê bình mỹ thuật - Hội Mỹ thuật VN, nhận định: "Chúng ta đang thừa mà cũng thiếu bảo tàng. Có bảo tàng xây lên hàng nghìn tỉ đồng không phát huy được, trong khi có bảo tàng như bảo tàng nghệ thuật đương đại cần được chú ý thì bao năm qua chưa ai nói đến".
|
Bình luận (0)