Vì sao gần 50% học sinh thi vào lớp 10 dưới điểm trung bình môn toán?

Bích Thanh
Bích Thanh
14/06/2019 09:03 GMT+7

Sau 3 năm thay đổi định hướng biên soạn đề thi tuyển sinh lớp 10 theo hướng vận dụng thực tế, trong đó môn toán có sự thay đổi nhiều nhất, tỷ lệ học sinh điểm dưới trung bình môn này trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM luôn cao.

Câu hỏi đặt ra, phải chăng đề thi quá khó?

Thay đổi cách ra đề thi theo hướng vận dụng

Ngay vào thời điểm công bố kết quả điểm thi vào lớp 10 năm học 2017 - 2018, kỳ thi đầu tiên Sở GD-ĐT TP.HCM đưa bài toán thực tế vào đề thi môn toán, kết quả khoảng 52% thí sinh (TS) điểm dưới trung bình. Tuy thế, lãnh đạo Sở GD-ĐT vẫn khẳng định sẽ tiếp tục định hướng tăng cường tính thực tiễn vào đề thi. Việc làm này nhằm khuyến khích học sinh thể hiện khả năng tư duy, vận dụng kiến thức vào đời sống.
Đồng thời Sở cho rằng giáo viên các trường THCS cần phải thay đổi phương pháp, hình thức giảng dạy, tổ chức lớp học. Không thể cứ dạy cho hết kiến thức trong sách giáo khoa mà cần phải gắn bài giảng với thực tế, khuyến khích học sinh thể hiện năng lực vận dụng bằng kiến thức đã học trong nhà trường.
Đến năm thứ 2, năm học 2018 - 2019, tỷ lệ TS đạt điểm dưới trung bình môn toán giảm xuống còn xấp xỉ 51%; và đến kỳ thi năm nay, con số này dừng ở mức 49,62%.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay việc ra đề thi theo định hướng 3 năm nay đã thúc đẩy việc dạy và học trong nhà trường. Trong quá trình chấm bài thi, các giám khảo nhận xét TS năm nay giải quyết bài toán thực tế tốt hơn năm trước. Và đó chính là mong muốn, định hướng của Sở sẽ tiếp tục đưa bài toán thực tế vào đề thi để học trò hiểu kiến thức đã học có thể vận dụng được gì trong cuộc sống.
Trong những năm tiếp theo, Sở tiếp tục ra đề theo hướng kiểm tra đánh giá năng lực TS chứ không yêu cầu TS làm bài theo kiểu máy móc, rập khuôn. Đòi hỏi TS phải biết chọn những giả thiết quan trọng để làm bài vì câu hỏi có nhiều dữ liệu chỉ mang tính dẫn dắt vào vấn đề chứ không sử dụng giải quyết vấn đề.

Giáo viên phải thay đổi cách dạy

 
 
Tư vấn trực tuyến “Những con đường khác vào lớp 10”
Vào lúc 14 giờ 30 hôm nay (14.6), Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến truyền hình chủ đề “Những con đường khác vào lớp 10” tại thanhnien.vn, Facebook/thanhnien.com và YouTube Thanh Niên.
Trong chương trình trực tuyến, đại diện khách mời sẽ giải đáp, tư vấn cặn kẽ để giúp học sinh có được lựa chọn hướng đi phù hợp nhất sau khi kết thúc bậc THCS.
Khách mời tham dự chương trình gồm: ông Hồ Văn Sĩ, Trưởng phòng Tuyển sinh - Đào tạo Trường CĐ Lý Tự Trọng; thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM; thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường Quốc tế Á Châu. 
Thanh Niên
Năm nay, theo thống kê của Sở GD-ĐT, có 126 bài thi 0 điểm, giảm 50% so với kỳ thi năm trước nhưng lãnh đạo Sở vẫn cho rằng đề thi có những câu hỏi rất cơ bản, năm nào cũng có như vậy mà TS không làm được thì có thể do thầy cô chưa quan tâm. Vì vậy, trong buổi tổng kết hội đồng chấm thi, Sở đã khuyến cáo các phòng giáo dục lưu ý giáo viên quan tâm đến học sinh trung bình yếu, không thích học toán, hãy truyền lửa, truyền đam mê để các em có thể làm được bài toán cơ bản nhất.
Giáo viên dạy toán tại một trường THCS của Q.Bình Thạnh cho rằng việc giải quyết đề toán mà câu hỏi được biên soạn theo hướng vận dụng thực tế tùy thuộc năng lực và kỹ năng của TS. Từ 3 năm trở lại đây, đề tuyển sinh lớp 10 được đánh giá hay và có câu hỏi chỉ thay đổi cách ra đề nhưng có những TS lại không làm được. Học sinh tuy xác định được vấn đề nhưng chưa biết cách xử lý, giải quyết vấn đề là do thiếu kỹ năng thực tế và trải nghiệm.
Giáo viên Đặng Hữu Trí, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho hay xu hướng đề là rèn cho học sinh kỹ năng tính toán, làm tròn số và đọc hiểu đề, có sự tư duy suy luận một chút. Chính vì thế đối với xu hướng ra đề như thế này thì bản thân giáo viên cũng phải thay đổi cách dạy, rèn kỹ năng tính toán, tư duy, suy luận và phản biện tránh kiểu như ôn tủ dạng bài.

Điểm môn tiếng anh chênh lệch nội và ngoại thành

Năm nay, tỷ lệ TS đạt điểm dưới trung bình môn tiếng Anh chiếm khoảng 58%, tăng hơn năm trước khoảng 10%. Ông Nguyễn Văn Hiếu nhìn nhận, qua quá trình chấm bài cho thấy điểm ngoại ngữ có thấp hơn một chút so với năm trước do yêu cầu từ vựng hơi nhiều, lạ nên một số TS gặp khó khăn.
Cô Phạm Thị Xuân Oanh, giáo viên Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh), cũng nói đề thi năm nay không phải quá khó nhưng có sự phân hóa rất rõ ràng từ yêu cầu cho đến thang điểm đáp án. Vì vậy kết quả bài thi có sự chênh lệch với điểm số trong quá trình học. Đặc biệt, những TS ở các quận, huyện ngoại thành, điều kiện và cách tiếp cận với môn học có hạn chế so với học sinh ở khu vực nội thành.
Đồng thời giáo viên Xuân Oanh cũng chỉ ra điểm yếu của TS là khả năng đọc hiểu và không kiên nhẫn suy nghĩ khi gặp câu hỏi lạ với một đề thi không dành cho TS học tủ, học vẹt mà phải vận dụng. Từ đề thi và những định hướng như trên, cô Xuân Oanh cho rằng đây sẽ là hướng mới để thay đổi cách dạy và học của giáo viên, học sinh trong năm tiếp theo. 
Điểm chuẩn sẽ giảm một phần do không còn cộng điểm nghề
Từ kết quả điểm thi của khoảng 80.000 TS tham dự kỳ thi vừa qua, ông Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), cho hay điểm chuẩn năm nay sẽ giảm bởi 2 lý do là TS không được cộng điểm nghề vào kết quả thi như các năm trước, và điểm tuyển sinh giảm. Bên cạnh đó, ông Minh nói thêm, tỷ lệ "chọi" vào lớp 10 năm nay cũng khá dễ thở khi có 79.521 TS dự thi và chỉ tiêu tuyển lớp 10 các trường THPT công lập là 67.299 học sinh.
Ngoài ra, ông Minh còn chỉ ra rằng, căn cứ vào số lượng TS của năm trước với một mức điểm cụ thể thì năm nay nếu cùng một số lượng thì mức điểm giảm từ 0,25 điểm trở đi, tùy từng mức. Chỉ có số lượng TS đạt điểm ở mức 25,25 điểm trở xuống ổn định so với năm trước. Vì vậy, có thể dự đoán điểm chuẩn chỉ giảm ở những trường THPT thuộc tốp giữa trở lên, không giảm ở những trường THPT thuộc tốp dưới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.