Gần 60 tuổi vẫn 'khởi nghiệp' với nghề làm phụ kiện cho búp bê

Lê Nam
Lê Nam
20/03/2019 19:55 GMT+7

Về hưu thì nên làm những gì mình thích, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, 58 tuổi, trú Q.4, TP.HCM tâm nguyện như vậy và đã 'khởi nghiệp' với nghề làm phụ kiện cho búp bê - ước mơ thời thanh xuân của mình.

3 năm trở lại đây, khi thời gian rảnh rỗi hơn, bà Linh vừa ngồi móc len, vừa làm đồ cho búp bê, sau đó còn mang ra cả hội chợ để bán.
[VIDEO] U60 miệt mài móc len đồ cho búp bê

Về hưu nên làm điều mình thích

Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, nghỉ hưu gần 3 năm nay. Trước đây bà làm công tác đào tạo nhân lực cho một ngân hàng trong thành phố, đồng thời có tham gia giảng dạy ở một số trường đại học. Khi nghỉ hưu, bà cũng có nhận dạy thêm tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. Thời gian rảnh rỗi, bà dành hết cho việc móc len và sưu tập búp bê.
Trong căn chung cư nhỏ xinh, hàng chục bé búp bê đứng ngồi sinh động trên kệ tủ chính. Điều đặc biệt, hầu hết chúng đều diện những bồ đồ móc len từ chính tay người chủ của mình.
Chậu mai làm bằng len do bà Linh móc ngày tết Lê Nam
Bà Linh đam mê móc len từ thời trẻ Lê Nam
Bà Linh tâm sự, ngày còn nhỏ gia đình khó khăn, mặc dù rất mê búp bê nhưng không thể có điều kiện mua chúng. “Tôi phải tự móc len thành búp bê để chơi. Sau này kinh tế đất nước khá giả hơn, có nhiều chủng loại búp bê hơn. Tôi cũng được tặng, rồi cũng tự mình mua. Nói chung hồi nhỏ không được chơi búp bê, giờ được chơi cũng yêu thích nó”, bà Linh nói.
Về khả năng móc len thành thục, bà Linh cho biết đã biết làm từ năm 13 tuổi: “Tôi còn giữ lại sản phẩm đầu tay của mình, là cái khăn lót ly nước. Sau đó công tác, học hành, sự nghiệp các thứ... việc móc len không được duy trì. Từ lúc tôi nghỉ hưu, thời gian được thong thả hơn. Bên cạnh việc giảng dạy ở trường, thời gian rảnh rỗi tôi sử dụng để thực hiện việc yêu thích của mình về đan móc”.
Trong hội những người chơi búp bê, bà Linh thuộc thế hệ lớn tuổi nhất. Từ khi nghỉ hưu, bà cũng nhận móc len các loại quần áo, váy cho búp bê theo yêu cầu của mọi người.
“Tôi móc len phụ kiện cho búp bê cũng giống như làm trang phục cho người thôi. Cũng có số đo, mình phải theo yêu cầu của khách muốn móc len kiểu gì, kích thước, màu sắc, hoa văn như thế nào. Nhưng được cái, các kích thước của búp bê bé, mau ra sản phẩm hơn. Bù lại, do bé quá nên mình phải làm tỉ mỉ, nó đòi hỏi mình tốn nhiều công sức nhiều hơn”, bà Linh tâm sự.
Bà Linh cho biết, mỗi ngày bà có thể móc được từ 3-4 bộ đồ búp bê. Với những bộ váy áo phức tạp, nhiều hoa văn có thể mất vài ngày…
“Các mũi móc len cơ bản tôi cũng được học từ hồi bé rồi, giờ làm các sản phẩm này chủ yếu mình sáng tạo ra. Các hoa văn có cái mình tự nghĩ ra, có cái mình coi ở trên mạng, mình theo các mẫu người ta làm sẵn rồi mình làm... Hoặc nhiều khi khách yêu cầu cũng ra mẫu cho mình”, U.60 nói về cách móc len. Với các loại áo, váy ôm cho búp bê, bà Linh có thể bán từ 80-100.000 đồng, mũ lân móc len 150.000 đồng, loại áo đầm tốn nhiều công có thể bán được trên dưới 200.000 đồng.

Tuổi già ý nghĩa 

Chỉ tay vào ba búp bê thổ dân bé xíu ở một góc bàn, bà Linh hào hứng nói: “Con gái lớn đi Canada mới mua về cho đấy”. Bà Linh có 2 cô con gái. Biết mẹ thích búp bê nên các con đi đâu, thấy những em búp bê nào xinh thì mua về tặng mẹ.
Hạnh phúc khi đồ móc vừa vặn với các bé búp bê Lê Nam
“Hồi con còn nhỏ tôi mua búp bê cho con chơi. Bây giờ các con mua lại cho tôi chơi. Tôi làm phụ kiện cho búp bê, sau này để lại bộ sưu tập này cho các cháu của mình nữa", bà Linh chia sẻ.
Chúng tôi hỏi bà Linh, tuổi đã lớn, phải ngồi lâu, tỉ mẩn làm từng món đồ, có bao giờ bà cảm thấy mệt mỏi muốn dừng công việc "khởi nghiệp" này lại, bà Linh cười tươi: “Đúng là thu nhập nghề này không được nhiều, chỉ tương đối, vừa phải cho mình thôi. Tuy nhiên, mỗi lần ra sản phẩm thì bản thân tôi thấy rất vui. Vì vậy, tôi nghĩ, lúc nào mình còn ngồi được, mình còn cầm được cây kim, cuộn chỉ thì chắc là vẫn còn móc len. Tôi cảm nhận như vậy thì tuổi già của tôi càng có ý nghĩa”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.