Ngày 10.11, theo thông tin từ Phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, trong học kỳ 2 năm học 2020 - 2021, trường này đã xử lý kỷ luật từ cảnh cáo cho đến đình chỉ thi hơn 80 sinh viên trong quá trình thi trực tuyến.
Trong đó, có 2 trường hợp bị xử lý kỷ luật cảnh cáo, 2 trường hợp khiển trách và 78 sinh viên khác bị đình chỉ thi.
Không chỉ học, nhiều trường ĐH tổ chức thi kết thúc học phần theo hình thức trực tuyến |
P.H. |
Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật này dựa theo quy định được nhà trường ban hành vào năm 2021 về tổ chức thi kết thúc học phần bằng hình thức trực tuyến.
Theo quy định, sinh viên sẽ bị nhắc nhở nếu vi phạm lỗi không mở camera và micro khi cán bộ coi thi yêu cầu lần thứ nhất. Nếu vi phạm lỗi này 2 lần thì sinh viên sẽ bị khiển trách và trừ 25% số điểm bài thi. Sinh viên sẽ bị cảnh cáo và bị trừ 50% số điểm của bài thi nếu tiếp tục vi phạm lần thứ 3.
Bên cạnh đó, sinh viên sẽ bị đình chỉ thi và bài thi 0 điểm nếu vi phạm một trong các lỗi: thông qua camera và micro sinh viên bị phát hiện có sử dụng tài liệu, nhờ người thi hộ, nhờ người hỗ trợ làm bài thi, làm bài theo nhóm hoặc trao đổi bài.
Ngoài ra, sinh viên sẽ không được dự thi hoặc không tiếp tục dự thi nếu không xuất trình được thẻ sinh viên, CMND hoặc CCCD để chứng minh nhân thân; thiết bị thi không có camera hoặc micro hoặc một trong hai thiết bị trên đột nhiên ngưng hoạt động quá 1 phút. Thiết bị thi đột ngột mất kết nối với hệ thống quá 3 phút.
Tuy nhiên, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cũng có quy định xử lý cho các trường hợp bất khả kháng ngoài ý muốn trong khi thi như: mất kết nối mạng, mất điện, đường truyền không ổn định…
Nếu những tình huống bất khả kháng xảy ra thì sinh viên phải liên lạc với cán bộ coi thi qua điện thoại. Từ đó, cán bộ coi thi có thể ghi nhận vào biên bản sự cố bất thường để sinh viên đăng ký hoãn thi.
Hôm nay, Báo Thanh Niên cũng đã có bài phản ảnh về dịch vụ thi hộ trực tuyến. Khi việc kiểm tra và thi trực tuyến trở nên phổ biến, trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện hàng loạt hội nhóm mang tên hỗ trợ học tập như “Hỗ trợ sinh viên học tập - Làm bài”, “Hỗ trợ - Giúp đỡ học tập”, “Hỗ trợ học tập”... thu hút hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn thành viên tham gia.
Nhưng đây không phải là nơi để người học có thể cùng thảo luận về bài giảng hay giúp đỡ nhau học tập mà là địa điểm trá hình chuyên cung cấp các dịch vụ lấy phí, từ làm bài tập trên lớp đến cả học hộ, thi hộ.
Bình luận (0)