Ngày 10.1, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Bệnh viện Chợ Rẫy giai đoạn 2018 - 2023.
Tại cuộc giám sát, TS-BS Trần Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy đã có nhiều kiến nghị cần Bộ Y tế thay đổi các chính sách hỗ trợ người hiến máu, cộng tác viên, cán bộ hội chữ thập đỏ…
Theo TS-BS Trần Thanh Tùng, khó khăn hiện nay của các trung tâm truyền máu là thông tin người hiến máu chưa được thống nhất giữa các cơ sở dẫn đến việc chưa nắm bắt số lượng chính xác người hiến máu, số lần hiến máu.
Việc hiện nay vẫn còn dùng thẻ hiến máu giấy dẫn đến nhiều sai sót trong việc cập nhật số lần hiến máu của người hiến. Những lần tôn vinh, khen thưởng các cá nhân trong công tác hiến máu cũng có những chệch choạc về số lần hiến máu không đúng.
Nhà nước đang có cơ chế chuyển đổi số trong các lĩnh vực, TS-BS Thanh Tùng kiến nghị Bộ Y tế cần đẩy nhanh công tác chuyển đổi số, cần có phần mềm quản lý thông tin người hiến máu thống nhất giữa các cơ sở trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, TS-BS Thanh Tùng cho đề xuất bổ sung thêm chính sách và chế độ hỗ trợ cho người hiến máu và nhân viên trong công tác tuyên truyền vận động tổ chức hiến máu.
"Tại các địa phương, hội chữ thập đỏ, nhân viên công tác hỗ trợ hiến máu của địa phương đang làm việc không có lương. Do đó, cần tăng trị giá tiền chi phí cho công tác tuyên truyền vận động tổ chức tiếp nhận máu", TS-BS Thanh Tùng nói.
Ngoài ra, theo TS-BS Thanh Tùng, Bộ Y tế nên xem xét tăng trị giá bồi dưỡng cho người hiến máu toàn phần, hiến tiểu cầu tình nguyện và chuyên nghiệp, đặc biệt là vào ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ. Vì hiện nay, nhiều bệnh viện phải tự bỏ ra nguồn tiền để kêu gọi người dân hiến máu, tiểu cầu vào những ngày nghỉ, lễ.
"Các phần quà hỗ trợ người hiến máu cần được thay đổi. Thay vì các phần bánh, quà tặng, cần ban hành thêm chính sách quy đổi phần quà thành tiền mặt để người hiến máu có thể sử dụng số tiền tùy theo sở thích của bản thân", TS-BS Thanh Tùng đề nghị.
TS-BS Thanh Tùng cũng cho biết thêm, khi đi tổ chức hiến máu ở các địa phương, gần như 100% bà con cho máu ở đây mong muốn được nhận tiền thay các phần quà. Bà con mong muốn dùng tiền đó ăn một tô phở hay uống nước sau khi cho máu hơn là nhận một phần quà.
Bệnh viện công tự chủ nhưng không tự do
Liên quan đến vấn đề tự chủ bệnh viện, tại buổi giám sát, ông Trương Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, việc tự chủ ở các bệnh viện công hiện nay vẫn chưa được thỏa đáng.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, cho rằng vẫn còn nhiều tư duy cũ, bảo thủ đẩy các bệnh viện công đến tình hình tự chủ nhưng không tự do. Và như thế trong tương lai sẽ làm cho sự phát triển của bệnh viện công ảnh hưởng, thua kém và khó khăn trong việc giữ nhân tài.
"Mỗi lần có một việc tiêu cực trong đấu thầu thì nhà nước lại ra một quy định siết chặt quy định đấu thầu của các bệnh viện. Một bên phải để cho bệnh viện tự chủ đúng nghĩa với tự chủ, một bên cơ quan điều tra cứ làm việc của mình. Khi nào phát hiện vi phạm, tham nhũng thì sẽ cứ can thiệp, còn lại thì cứ để bệnh viện tự làm. Cần "cởi trói" nhiều quy định trong công tác đấu thầu mua sắm vật tư cho các bệnh viện công", ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cho rằng toàn bộ những cơ chế nói chung và những cơ chế quản lý giá, đấu thầu nói riêng nên tạo điều kiện cho những bệnh viện công giống như các bệnh viện tư.
Bình luận (0)