Ăn từ hồi còn nhỏ
Sáng sớm, mặt trời lên, đường phố tấp nập người qua lại, tôi ghé thăm gánh xôi nhỏ không bảng hiệu của ông Hy trên đường Tùng Thiện Vương (P.12, Q.8, TP.HCM). Ông Hy với mái đầu lấm tấm sợi bạc, ngồi đối diện với mặt đường đang làm từng hộp xôi bán cho thực khách.
Chia sẻ với PV, mới đầu mở bán ở khu vực Q.5, năm 1990 chuyển qua Q.8 và cũng có một lượng khách "ruột" đông đảo. Tôi gọi một phần xôi giá 10.000 đồng với đầy đủ: xôi, trứng cút, cải, chả lụa, mỡ hành, chà bông..., rắc thêm một chút đậu phộng lên trên khá hấp dẫn.
Gánh xôi 33 năm quyết không tăng giá.
Điều đặc biệt ở món xôi này là có thêm trứng cút được xào quyện với cải xá bấu người Hoa mằn mặn giòn giòn ít chỗ nào có. Về chất lượng món ăn, tôi đánh giá 9/10.
"Khách quay lại ăn suốt 33 năm qua, hẳn ông phải có bí quyết đặc biệt?", nghe tôi hỏi, ông chủ từ tốn đáp lại, đa số họ là khách quen mấy chục năm và yêu thích hương vị của gánh xôi.
Theo ông, có thể xôi ở đây có hương vị thân quen, đặc biệt và hợp với khẩu vị nhiều người nên khách ủng hộ. "Những nguyên liệu tự tay tôi chế biến, xôi tôi chọn loại ngon, dẻo. Trứng cút tôi xào chung với cải xá bấu ít nơi nào có", ông Hy giới thiệu.
Trong dòng khách ghé ăn, có chị Ngọc Diễm (27 tuổi, Q.8) chị cho biết mỗi ngày đều ghé gánh xôi ông Hy để ăn sáng. "Hồi xưa tôi học lớp 1 đã ăn, nay lấy chồng rồi vẫn ăn xôi ở chú. Ăn quen rồi thấy ở đây rất ngon, ở đâu cũng không bằng. Bữa nay người ta nấu xôi hiện đại với nhiều nguyên liệu lạ không còn giữ hương vị như hồi xưa. Xôi chú dẻo, đậm vị và giữ được hương vị quen thuộc thửa nhỏ", chị cho hay.
Tương tự, một vị khách quen tự nhận mình là "khách ruột" của gánh xôi. "Tôi ăn từ hồi 2 cô chú cùng nhau bán, nay còn mình chú tôi thấy thương. Xôi của chú khác biệt, ăn nhiều nơi không nơi nào giống của chú. Từ hồi nhỏ mình đã trải nghiệm món xôi này rồi, giờ lớn mình vẫn còn thích. Giá rẻ, ăn một hộp xôi là no đến trưa", vị khách nói.
Khách khó khăn mình cho thêm
Nhiều người gọi chỗ này là "Gánh xôi bà xã", tôi tò mò hỏi lý do, người đàn ông 65 tuổi kể: "Gánh xôi gắn liền với bà xã tôi, khách ở đây đều là khách quen của bà. Sau này bà mất tôi mới ra bán thay bả. Nhiều khi tôi muốn bỏ cuộc không bán nữa nhưng nghĩ lại nó là kỷ niệm của vợ chồng tôi nên tôi không nỡ".
Nhìn thấy những người khó khăn, sợ khách ăn không đủ no ông không chút do dự mà cho thêm xôi, chả. "Thời buổi khó khăn mình bán mắc tội họ. Muốn bán được lâu dài mình phải đặt cái tâm lên hàng đầu, khách mà thấy khổ quá mình cho thêm để người ta ăn no mà đi làm", ông nói.
Ông Hy tâm sự, nhờ khách yêu quý, ủng hộ mà ông mới có tiền trang trải cuộc sống, chi phí suốt mấy chục năm qua. Hiện tại trong khi giá nhiều nguyên liệu tăng cao, ông Hy vẫn không có ý định tăng giá bán. Ông nói ở mức giá này là vừa vặn cho ông và cho cả khách.
Ông cho biết gánh xôi mở bán từ 6 giờ sáng. Mặc dù phải dậy từ 3 giờ sáng để chuẩn bị nhưng mỗi ngày, ông hạnh phúc khi gắn bó với gánh xôi kỷ niệm của người vợ quá cố, được mang những phần ăn tâm huyết nhất chiều lòng những thực khách suốt bao năm qua.
Bình luận (0)