Sao họ không ở trong cuộc sống của tôi lại biết tôi buồn? Người Việt mình thường có thói quen, lấy cảm xúc của chính mình và áp cho người khác, mặc nhiên là người khác cũng phải suy nghĩ hệt vậy, không thì giận, hoặc là tranh cãi.
Mấy hôm nay, mẹ tôi gọi điện hỏi thăm, rồi kể nhiều chuyện ở quê nhà. Mẹ tâm sự, một người bạn thân của mẹ bị chồng lạnh nhạt, lơ đãng việc nhà, đi sớm về khuya, không chia sẻ mọi chuyện như ngày trước nữa, vì cô sinh đứa con thứ 3 cũng là con gái. Cô vừa mệt mỏi vì chăm con, vừa khổ tâm chuyện gia đình, lúc nào cũng trong trạng thái u uất, căng thẳng, nhiều khi muốn chết…
Tôi biết cô, da trắng, khuôn mặt phúc hậu, năm nay đã 41 tuổi, nhưng vì yêu chồng và muốn trong nhà ngoài ngõ ấm êm cố gắng đẻ đứa con thứ 3 cho có đủ gạo nếp gạo tẻ, để nhà chồng có... người nối dõi tông đường, để bố chồng hay mẹ chồng có mất cũng có đứa cháu trai cầm bát hương, ôm di ảnh. Tôi nghe câu chuyện mà lòng buồn quá.
Cô con nhà gia giáo, sống ở một thành phố miền Bắc, đường đường là một bác sĩ quân y, chồng làm hải quan cửa khẩu, tất cả đều có học thức và hiểu biết, kinh tế khá giả. Thế nhưng, buồn thay, cho đến ngày hôm nay, câu chuyện cần có con trai nối dõi tông đường vẫn ám ảnh nhiều gia đình, từ phố thị tới nông thôn, bất kể địa vị giàu nghèo.
Một người chị họ hơn tôi 2 tuổi, cho đến ngày hôm nay, khi đã là mẹ của hai đứa trẻ, chị vẫn luôn mặc cảm một nỗi niềm không nhận được trọn vẹn tình yêu thương của bố. Bố chị luôn mong có một người con trai, nhưng mẹ lại đẻ hai người con gái. Cả một tuổi thơ, hai chị em chị không bao giờ được bố đưa đi chơi, mua đồ mới hay cõng đi công viên như chúng bạn. “Khi mẹ vào bệnh viện đẻ em bé, bố xách xe đạp đứng ở ngoài cửa chờ. Thấy bác sĩ thông báo đẻ con gái, bố lên xe, đạp một lèo về nhà, không hỏi mẹ lấy một lời rằng mẹ có mệt không”. Ký ức của chị về ngày mẹ đi sinh em chưa một giờ phút nào phai nhạt.
Người bạn thân thiết với tôi từ ngày học mẫu giáo là con thứ 3 trong một gia đình ba chị em gái. Vì sinh bạn là con thứ 3, mẹ bạn bị hạ lương, suýt bị đuổi việc, bố đâm ra rượu chè, hay quát mắng mẹ vì đủ lý do. Bạn luôn là người chịu nhiều thiệt thòi, từ chuyện luôn phải mặc đồ cũ của hai chị, dùng sách cũ của hai chị, ăn đòn vì nghịch ngợm ngày nhỏ cũng nhiều hơn hai chị. Hai chị được yêu bao nhiêu, bạn bị "lạnh nhạt" bấy nhiêu.
“Bố mỗi lần về quê ra, lại mặt nặng mày nhẹ với mẹ. Cả gia đình bên nội nói mẹ không biết đẻ. Bố bảo phải ngồi mâm với đàn bà, không được ngồi với mâm đàn ông, vì nhà chỉ có toàn con gái”. Câu chuyện bạn kể đến nay tôi còn nhớ như in. Thương bạn, mà không biết làm sao.
“Đủ gạo nếp gạo tẻ”, câu cửa miệng của bao người lại làm khổ bao người phụ nữ. Vì sao đẻ toàn con gái lại bị đối xử bất công như thế? Vì sao những tưởng tư tưởng trọng nam khinh nữ chỉ tồn tại thời phong kiến, đến nay, thế kỷ 21 này vẫn còn những gia đình muốn có một người con trai hơn hết thảy mọi thứ trên đời, họ chấp nhận chọn lựa giới tính khi sinh, chấp nhận nạo phá thai nếu biết đó là con gái?
Gần đây, một số kênh truyền thông bắt đầu có một số bài viết dạng “gia đình có hai con gái sẽ hạnh phúc hơn, người cha dễ thăng tiến hơn”, hoặc các hình ảnh quảng cáo trên truyền hình và các phương tiện truyền thông đại chúng khác không còn có chuyện đưa ra các gia đình chỉ có bé trai.
Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ nên có những thông điệp nhân văn hơn, để truyền tải những câu chuyện hạnh phúc của những gia đình không đủ gạo nếp gạo tẻ, chỉ có một bề toàn con gái, để xã hội trân trọng hơn trẻ em, không phân biệt giới tính. Và đặc biệt, trân trọng những người mẹ, người đã quá thiệt thòi và mất mát, sau những lần mang thai và sinh con.
Có con là một điều tuyệt vời. Có con gái càng là những điều tuyệt vời mà chúng tôi đang có!
Bình luận (0)