Gạo Việt có nên chạy đua sản lượng?

03/08/2023 06:34 GMT+7

Vị thế nước xuất khẩu gạo của VN đang trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới. Tuy nhiên, cơ hội lớn cũng đặt ra bài toán cân não: liệu chúng ta nên chạy đua tăng sản lượng, "làm bàn" khi thế giới đang thiếu hụt nguồn cung hay kiên định với mục tiêu "giảm lượng, nâng chất"?

Tận dụng thời cơ, tăng sản lượng xuất khẩu

Từ sau khi Ấn Độ thực hiện lệnh cấm xuất khẩu gạo vào cuối tháng 7, theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), các đối tác nhập khẩu đang chủ động tìm đến doanh nghiệp (DN) hỏi mua với giá cao hơn 20 - 40 USD/tấn so với thời điểm trước lệnh cấm. Nhiều DN gạo tại ĐBSCL xác nhận khách hàng ở các nước nhập khẩu hỏi rất nhiều, giá gạo tăng mỗi ngày. Thậm chí gạo cấp thấp như IR504 cũng được các nhà môi giới hỏi mua liên tục. Giá gạo hiện đang vào khoảng 534 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Gạo Việt có nên chạy đua sản lượng? - Ảnh 1.

VN có thể gia tăng sản lượng gạo nhưng cần thận trọng

CÔNG HÂN

Với mức giá cao này, tăng lượng xuất thì giá trị thu về càng lớn nên ngay cả các cơ quan có thẩm quyền cũng "sốt ruột". Tại cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết quá trình kiểm tra, nắm tình hình tại các vùng trồng trên cả nước cho thấy lúa đang sinh trưởng phát triển tốt. Nếu không có thiên tai nghiêm trọng và dịch bệnh trên diện rộng thì chắc chắn 2023 sẽ là một năm được mùa lúa gạo, sản lượng ước đạt trên 43 triệu tấn và VN có thể xuất khẩu 8 triệu tấn gạo hoặc cao hơn nữa cũng không lo thiếu gạo, bảo đảm an ninh lương thực.

Con số 8 triệu tấn xuất khẩu đã tăng mạnh so với mục tiêu chỉ xuất khẩu tối đa 6,7 triệu tấn trước đó. Lý giải điều này, lãnh đạo Cục Trồng trọt cho biết để tận dụng thời cơ giá cả và nhu cầu tiêu thụ đều tăng, Cục đã nâng diện tích trồng lúa vụ thu đông ở khu vực ĐBSCL từ 650.000 ha lên 700.000 ha. 

"Nhiều dự báo nói rằng hiện tượng thời tiết El Nino sẽ gây bất lợi cho sản xuất ở khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, dựa trên những kinh nghiệm với El Nino vào các năm 2015 - 2016 và 2019 - 2020, Cục sẽ có những phương án đối phó hiện tượng này. Ví dụ như đợt El Nino năm 2019 - 2020, không có diện tích nào bị mất trắng là do các giải pháp được đưa ra sau kinh nghiệm từ năm 2015 - 2016. Ngoài những giải pháp mềm về thay đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, chúng ta còn hệ thống giải pháp cứng liên quan đến các công trình thủy lợi trên toàn quốc để giảm thiểu tác động của El Nino với ngành trồng trọt nói chung và lúa gạo nói riêng", ông Nguyễn Như Cường tự tin.

Gạo Việt có nên chạy đua sản lượng? - Ảnh 2.

Giá gạo xuất khẩu tăng cao sau lệnh cấm của Ấn Độ nhưng Việt Nam cần thận trọng

THANH PHONG

Đặt câu hỏi về việc tăng sản lượng lúa gạo trong bối cảnh hiện nay, TS Đào Minh Sô, Trưởng bộ môn cây lương thực (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) - người đã lai tạo thành công nhiều giống lúa, cho biết những ngày này đi đâu ông cũng nhận được sự hồ hởi phấn khởi và tinh thần rất lạc quan của người nông dân. Họ mong rằng các bộ, ngành và DN hết sức tranh thủ thời cơ để cải thiện thu nhập cho nông dân trồng lúa vốn đã chịu nhiều thiệt thòi trong những năm qua. 

"Với điều kiện thuận lợi và năng lực sản xuất ở các tỉnh Nam bộ như hiện nay thì VN sẽ không thiếu lương thực. Vòng xoay của hạt gạo chỉ 90 - 100 ngày và mùa vụ có tính đang xen nhau ở các tỉnh Nam bộ nên lúc nào chúng ta cũng có lúa, có gạo. Hơn nữa, hiện nay khả năng tạo ra các giống lúa cực ngắn ngày (75 - 80 ngày) để trồng ở các tỉnh Nam bộ là trong tầm tay của các nhà khoa học trong nước. Do vậy, vấn đề là chính sách vĩ mô của bộ, ngành đối với lúa gạo như thế nào chứ không lo VN thiếu lương thực", TS Đào Minh Sô khẳng định. 

Theo ông, với giá mua lúa của dân như hiện nay (khoảng 7.000 đồng/kg lúa tươi), người dân có lợi nhuận từ 40 - 60%, điều này sẽ tạo động lực để người dân tăng vụ, tăng đầu tư để có năng suất, sản lượng cao hơn. Một số vùng lúa 2 vụ hoặc chỉ trồng 1 vụ ở thời điểm giá lúa thấp sẽ được chuyển đổi thành 2 - 3 vụ/năm mà không cần ai kêu gọi cả, thậm chí có những vùng lúa 3 vụ sẽ nhanh chóng chuyển thành 7 vụ/2 năm.

Thái Lan và Việt Nam tăng mua gạo từ nông dân

Tăng lượng vẫn cần giữ chất

Ở chiều ngược lại, nhiều chuyên gia trong ngành lúa gạo cũng lo lắng cho cuộc chạy đua sản lượng, thay vì mục tiêu chất lượng mà chúng ta đã đặt ra mấy năm trở lại đây. TS Võ Hùng Dũng, nguyên Giám đốc Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp VN - chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), phân tích: Ấn Độ đã nhiều lần cấm hoặc hạn chế xuất khẩu gạo trong quá khứ. Mỗi lần như vậy, giá thế giới tăng và những nước xuất khẩu khác được hưởng lợi do nguồn cung khan hiếm. Tuy nhiên, cái lợi đó không thể so sánh được với những tác động tiêu cực mà nó gây ra sau các cơn sốt giá. 

Đơn cử, sau các đợt hạn chế xuất khẩu khiến giá tăng mạnh là những giai đoạn giảm giá mạnh. Lý do là khi giá tăng, sẽ có hai xu hướng xảy ra. Một là người dân sẽ găm hàng không bán nên chính bản thân họ cũng không nhận được lợi như kỳ vọng. Hai là phía DN, thường họ ký hợp đồng giao sau 3 - 4 tháng, thậm chí nửa năm, sau đó mới thu mua lúa gạo đưa đi xuất khẩu. Giá tăng, DN lỗ hoặc không có hàng để giao. Đây là điều rất nguy hiểm và đã xảy ra nhiều lần trong quá khứ mà chúng ta phải cảnh giác.

Cũng nhìn nhận cơ hội gạo Việt tăng giá nhưng ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch VFA, cảnh báo cơ hội này cũng tiềm ẩn rủi ro. Thực tế, trong 2 tuần qua giá gạo tăng nhưng lượng hàng bán ra rất chậm. Chỉ có DN nào buộc phải giao hàng theo hợp đồng hoặc một số ít mua được gạo với giá mềm hơn mới xuất. Còn phần lớn tạm ngưng giao dịch do giá nội địa hiện cao hơn xuất khẩu. Lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ đẩy giá tăng lên rất cao, một số nhà nhập khẩu không chấp nhận nổi giá cao đã ngừng giao dịch. 

Theo ông Đỗ Hà Nam, gạo Ấn Độ thuộc phân khúc giá rẻ, chủ yếu tiêu thụ ở thị trường châu Phi và các nước lân cận có cùng văn hóa tiêu thụ mặt hàng gạo đó. Vì vậy lệnh cấm có tác động nhưng không nhiều như một số thông tin gần đây. Tương lai, giá gạo sẽ tăng cao nhưng lượng gạo từ VN không nhiều đến mức có thể đáp ứng được mọi yêu cầu. "Hàng đi châu Âu và Mỹ ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm phải đạt chất lượng cao và không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy Hiệp hội giữ nguyên quan điểm VN chỉ nên xuất tối đa 6,5 triệu tấn gạo trong năm nay", ông Nam nói.

Gạo Việt có nên chạy đua sản lượng? - Ảnh 3.

Về vấn đề này, Bộ Công thương cũng đã tính toán. Trường hợp đủ nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo tốt, bộ này cùng Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp để kiểm soát chặt chẽ chất lượng gạo xuất khẩu, tránh trường hợp vì cơ hội giá cao lên, điều kiện các nước nhập khẩu gạo nới lỏng mà DN dễ dãi trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm. Thời gian qua, hình ảnh thương hiệu gạo Việt đã lên cao, từ mức giá 550 USD/tấn, đã có DN xuất khẩu được với giá 1.220 USD/tấn. Giá gạo VN cũng đang cao hơn gạo Thái Lan, Ấn Độ nhờ chất lượng tốt. Đây cũng là định hướng "giảm lượng, nâng chất" của Chính phủ trong giai đoạn 2023 - 2030.

Giá gạo nội địa có bị ảnh hưởng?

Một vấn đề được rất nhiều người quan tâm trong cơn sốt giá gạo hiện nay là giá gạo trong nước sẽ thế nào? Theo khảo sát của Thanh Niên, giá gạo bán lẻ tại các chợ truyền thống ở TP.HCM vẫn chưa có biến động nhiều. Giá gạo thường ở mức 11.500 - 12.500 đồng/kg; gạo thơm Thái hạt dài duy trì 18.000 - 19.000 đồng/kg; gạo thơm Jasmine giá 15.000 - 16.000 đồng/kg; gạo Hương Lài giá 19.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng giá 14.500 đồng/kg. Một số tiểu thương thông tin tiêu thụ gạo trong nước không có biến động nhiều do sức mua vẫn ổn định, thậm chí người tiêu dùng còn thưa vắng hơn trước vì công nhân thất nghiệp về quê, các bếp ăn, khu công nghiệp cũng giảm lao động.

Thái Lan khuyến khích người dân hạn chế trồng lúa

Theo thông báo từ Tổng thư ký Văn phòng Tài nguyên nước quốc gia Thái Lan Surasri Kidtimonton, chính phủ nước này đang khuyến khích người dân chuyển sang trồng các loại thực vật khác cần ít nước hơn.

Thái Lan đang ghi nhận lượng mưa giảm sút trong bối cảnh thời tiết năm sau được dự báo khô hạn vì El Nino. Tổng lượng mưa tại miền Trung nước này hiện thấp hơn 40% mức bình thường. Việc hạn chế trồng lúa sẽ giúp bảo đảm nước cho sinh hoạt của các hộ gia đình. Động thái này của

Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới sau Ấn Độ, được đánh giá là sẽ đe dọa nguồn cung gạo toàn cầu trong bối cảnh Ấn Độ cấm xuất khẩu một số loại gạo.

Biến động nhiều nhất nằm ở phân khúc cấp thấp, loại gạo khô dùng để làm bột bánh, bún, phở…Đây là mặt hàng VN thường nhập từ Ấn Độ để pha trộn. Cuối tuần qua, chị Đ.K.P, giám đốc một hợp tác xã nông nghiệp chuyên sản xuất bún xuất khẩu đi châu Âu, có trụ sở tại Bình Thuận, phải gọi điện thoại cầu cứu các nhà cung cấp gạo để tìm nguyên liệu sản xuất. 

"Trước đây, chúng tôi có nguồn nguyên liệu gạo ổn định nhưng hiện tại giá gạo đang tăng cao, trong nước chưa đến vụ thu hoạch nên tạm thời đang thiếu hụt, tôi tìm khắp nơi mà không có. Một số nơi báo giá cao nhưng khi chúng tôi đồng ý thì họ lại lấy lý do để từ chối", chị Đ.K.P nói. 

Theo một số DN cung cấp gạo nội địa, giống lúa 504 được trồng 2 vụ/năm với sản lượng cao. Gạo lúa 504 có thể xuất khẩu và tiêu dùng nội địa tại các quán cơm, bếp ăn tập thể. Ngoài làm bún tươi, gạo còn thích hợp để làm ra nhiều loại bánh phổ biến như: bánh bèo, bánh cuốn, bánh xèo, bánh khọt… Tuy nhiên, hiện nay, giá gạo 504 đang tăng cao từ 11.000 đồng lên 13.000 đồng/kg nhưng nhiều nơi vẫn không có hàng để bán.

Gạo Việt có nên chạy đua sản lượng? - Ảnh 5.

Từ năm 2021, gạo nhập khẩu từ Ấn Độ đã đáp ứng một phần nhu cầu nguyên liệu để sản xuất bún, bột bánh tiêu dùng trong nước. Nhập khẩu gạo từ Ấn Độ về VN tăng vọt vì giá rẻ nhờ được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% từ Ấn Độ theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AIFTA). Theo các DN, gạo nhập từ Ấn Độ chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước để làm bún, bánh, thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu. Khi phần lớn diện tích trồng lúa tại ĐBSCL chuyển sang trồng lúa thơm, chất lượng cao thì nguồn cung của phân khúc này lại thiếu hụt, không đủ để đáp ứng tiêu thụ nội địa nên phải nhập khẩu.

Ông Đỗ Hà Nam thừa nhận: "VN cũng nhập gạo Ấn Độ về chế biến ra các sản phẩm sau gạo. Chính vì vậy, Ấn Độ cấm xuất thì VN cũng bị ảnh hưởng vì phải chia sẻ một lượng gạo nội địa sang chế biến. Điều này làm ảnh hưởng đến nguồn cung xuất khẩu cũng như nguyên liệu cho chế biến. Tuy nhiên Ấn Độ cấm xuất khẩu như họ nói là để ổn định thị trường nội địa, kiềm chế lạm phát, đến một lúc nào đó, có thể sẽ không lâu, chính họ chịu áp lực ngược lại là xuất khẩu gạo để giải phóng tồn kho. Vì vậy, người tiêu dùng hay cơ sở sản xuất cũng không nên quá nóng vội. Còn nông dân cũng không nên quá lạc quan khi nghĩ đến tăng giá xuất khẩu, mà hiện nay nên tập trung vào thị trường nội địa, nơi có giá bán cao hơn".

Ưu tiên bán trong nước vì có lợi hơn

Năm 2018 - 2021, lượng gạo xuất khẩu của VN chỉ 6,1 - 6,3 triệu tấn/năm. Năm 2022, xuất khẩu gạo đạt kỷ lục 7 triệu tấn nhưng phải nhập thêm nguồn từ Ấn Độ và Campuchia để bù đắp. Bây giờ nếu tăng kế hoạch xuất khẩu, nguồn nhập từ Ấn Độ bị hụt vì quốc gia này cấm xuất, còn nguồn bù đắp từ Campuchia sẽ không đủ. Hiện nay thị trường tiêu thụ gạo nội địa đang rất tốt, giá gạo trong nước cao hơn giá xuất khẩu, giá gạo thơm đang bán thị trường nội địa 14.000 - 16.000 đồng/kg, tương đương 650 USD/tấn, còn giá xuất khẩu chỉ 630 USD/tấn. Do đó, các DN nên ưu tiên bán trong nước vì có lợi hơn.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN

Đẩy mạnh chất lượng, thương hiệu để nâng cao giá trị gạo Việt

Chúng ta không lo về an ninh lương thực, tuy nhiên không nên chạy theo tính bất định của thị trường này mà cần có chiến lược riêng. Chiến lược đó là ổn định diện tích ở một tỷ lệ hợp lý, có dư để xuất khẩu chỉ cần từ 3 - 5 triệu tấn/năm. Song song với sản lượng đó chúng ta đẩy mạnh chất lượng, thương hiệu để nâng cao giá trị mà không nên chạy theo số lượng như hàng chục năm về trước. Dư địa còn lại cần được dành cho các lĩnh vực khác có thế mạnh rất lớn. Nếu chúng ta lại tập trung quá nhiều vào cây lúa sẽ mất cơ hội cho các loại cây trồng vật nuôi khác.

TS Võ Hùng Dũng, nguyên Giám đốc VCCI Cần Thơ

Có thể nâng sản lượng xuất khẩu nhưng phải cẩn trọng

EL Nino đang diễn ra và nhiều nơi ở Ấn Độ, Thái Lan cũng đang bị khô hạn, những nước chỉ sản xuất được từ 1 - 2 vụ lúa/năm. Đây là nguyên nhân khiến Ấn Độ quyết định ngừng xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, cần phải tỉnh táo để nhận ra rằng Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước dự trữ gạo hàng đầu thế giới. Mỗi khi họ "xả hoặc quay vòng kho gạo" là thế giới vào chu kỳ giảm giá mạnh. VN có lợi thế là sản xuất được liên tiếp 3 vụ mỗi năm và năng suất những năm gần đây vẫn tăng bình quân từ 1 - 1,5% thậm chí có năm đến 2%, điều mà các nước không làm được. Chính vì vậy chúng ta không nên hạn chế hay tích trữ, đầu cơ mà có cơ hội thì xuất để tận dụng thời cơ. Với năng lực hiện tại của VN thì năm 2023 hoàn toàn có khả năng xuất được 7 triệu tấn hoặc cao hơn.

GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp VN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.