Gạo Việt sẽ tiếp tục phá kỷ lục?

Chí Nhân
Chí Nhân
07/06/2024 06:30 GMT+7

Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo tăng trưởng 2 con số ở cả 3 chỉ số: lượng, giá và giá trị. Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp dự báo trong phần còn lại của năm 2024, hoạt động xuất khẩu gạo VN có cơ hội tăng tốc và lập kỷ lục mới.

Bứt tốc ngay đầu năm

Tại xã Tân Tuyến (H.Tri Tôn, An Giang), nhiều cánh đồng lúa đang vào vụ thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Thành, nông dân, vui vẻ chia sẻ với Thanh Niên: "Lúa của tôi còn khoảng 15 ngày nữa mới đến ngày gặt. Còn xung quanh đây cũng có nhiều bà con thu hoạch xong, lúa chất lượng tốt và giá cao. Khoảng 10 ngày trước, giá chỉ có 7.200 - 7.300 đồng/kg thì mới hôm qua anh bạn gần nhà bán được 7.500 đồng/kg. Sáng nay có thương lái gọi điện thoại muốn đặt cọc giá 7.600 đồng/kg (giống MO18) nhưng tôi chưa đồng ý bán".

"Thường thì khi vào vụ thu hoạch lúa hè thu, giá lúa sẽ giảm, còn năm nay lại tăng, là điều đáng mừng cho bà con. Các thương lái cho biết giá tăng nhờ hoạt động xuất khẩu thuận lợi. Với giá lúa hiện tại, bà con nông dân yên tâm sản xuất", ông Thành phấn khởi nói thêm.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, so với cùng kỳ năm trước, trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của VN lên tới 4,15 triệu tấn, tăng 15%; giá trị đạt 2,65 tỉ USD, tăng tới 38%. Đặc biệt, giá xuất khẩu bình quân lên tới 638 USD/tấn, tăng 20,5%. Đây đều là những con số kỷ lục của lịch sử hoạt động xuất khẩu gạo VN.

Gạo Việt sẽ tiếp tục phá kỷ lục?- Ảnh 1.

Nông dân ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa hè thu

CÔNG HÂN

Trước đây xuất khẩu thường chậm chạp trong những tháng đầu năm, đến nửa cuối năm mới bắt đầu sôi động, nhưng năm nay hoạt động xuất khẩu tăng tốc ngay từ đầu năm ở tất cả các thị trường. Bên cạnh các thị trường quan trọng là Philippines, Indonesia, Malaysia thì các nước châu Phi, châu Âu, Trung Đông cũng tăng nhập khẩu gạo VN. Nhờ kết quả chung đó mà chỉ trong 5 tháng sản lượng gạo xuất khẩu đã bằng 50% tổng sản lượng xuất khẩu 12 tháng năm 2023. Điều này cho thấy dư địa phát triển trong 7 tháng còn lại là rất lớn, nhiều khả năng tiếp tục phá kỷ lục xuất khẩu của năm 2023.

Thương vụ VN ở Philippines cho biết tại thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới này, thị phần gạo VN vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo, lên tới 73% với sản lượng lên tới 1,44 triệu tấn. Các giống gạo được ưa chuộng có ĐT8 và OM5451. Đứng thứ hai là Thái Lan với sản lượng 300.000 tấn. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines đạt 1,97 triệu tấn, tăng 20,3% so với 5 tháng đầu năm 2023. Con số này cho thấy dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) về sản lượng nhập khẩu gạo của Philippines lên tới trên 4 triệu tấn trong năm 2024 là khá sát. Năm 2023, Philippines nhập khẩu 3,6 triệu tấn gạo.

Bên cạnh Philippines, thị trường lớn thứ 2 là Indonesia vẫn tiếp tục tăng nhập khẩu gạo qua các hợp đồng tập trung. Việc gọi thầu thất bại trong tháng 5 vừa qua của nước này cho thấy nguồn cung thế giới hạn chế và có xu thế giá tăng, bằng chứng là các doanh nghiệp Thái Lan không giảm giá để bán được gạo.

Thêm cơ hội tăng tốc cho gạo VN

Trong một diễn biến mới, ngày 4.6, ông Arsenio Balisacan, Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Philippines, tuyên bố trong một cuộc họp báo: Tổng thống đã đồng ý sẽ giảm thuế nhập khẩu với mặt hàng gạo xuống 15% thay vì 35% như hiện nay. Tuy không nói rõ thời điểm cụ thể bắt đầu áp dụng mức thuế mới, nhưng dự kiến sẽ kéo dài từ 2024 - 2028 cho cả sản phẩm gạo trong và ngoài hạn ngạch.

Đây là thông tin tích cực với ngành gạo VN bởi Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới và khách hàng chính của chúng ta. Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP.Cần Thơ), nhận định: Trước khi giảm thuế, Philippines đã thử và cân nhắc nhiều giải pháp khác nhau nhưng đều không giúp giảm giá gạo nội địa, chống lạm phát. Việc giảm thuế rất sâu lần này cho thấy họ thừa nhận mặt bằng giá gạo hiện tại và cũng thể hiện nhu cầu tăng nhập khẩu trong thời gian tới.

Không chỉ Philippines hay Indonesia mà ngay cả các nước Nam Mỹ cũng đang tăng nhập khẩu gạo. Do nhu cầu nhập khẩu tăng nên giá gạo thế giới và VN vẫn sẽ ở mức cao ít nhất đến cuối năm nay.

Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP.Cần Thơ)

"Khi nhà mua hàng lớn nhất thế giới thể hiện quan điểm như vậy sẽ góp phần thúc đẩy xu hướng chung của thị trường toàn cầu đi lên. Không chỉ Philippines hay Indonesia mà ngay cả các nước Nam Mỹ cũng đang tăng nhập khẩu gạo. Do nhu cầu nhập khẩu tăng nên giá gạo thế giới và VN vẫn sẽ ở mức cao ít nhất đến cuối năm nay. Tuy nhiên, VN sẽ tận dụng cơ hội này thế nào lại là vấn đề khác", ông Phạm Thái Bình nói và bày tỏ lo lắng khi từ đầu năm đến nay nhiều DN liên tục đua nhau giảm giá gạo, kéo thị trường đi xuống. Đây là điều rất đáng tiếc cho cả ngành lúa gạo nói chung.

Cùng quan điểm, bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang thị trường lúa gạo Ssricenews, phân tích: VN sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách thuế mới của Philippines. Trong nhiều năm qua, gạo VN "vô đối" ở thị trường này nhờ 3 ưu thế lớn mà ngay cả Thái Lan cũng không có được là chủng loại đa dạng, chất lượng cao và giá tốt. Các nước Thái Lan và Pakistan chỉ chen chân vào được thị trường này khi nguồn cung VN thiếu hụt tạm thời và giá tăng quá cao.

Gạo Việt sẽ tiếp tục phá kỷ lục?- Ảnh 2.

Nông dân ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa hè thu

CÔNG HÂN

Nhìn về tổng thể, Ấn Độ, nguồn cung gạo lớn nhất thế giới, chưa mở lại hoạt động xuất khẩu như bình thường sau kỳ bầu cử nên khó ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của VN. Bởi theo bà Phan Mai Hương, bên thắng cử là chính phủ đương nhiệm, những người đã đưa ra các chính sách hạn chế xuất khẩu nhằm kiềm chế lạm phát, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Do đó việc họ bỏ ngay lệnh cấm sau kỳ bầu cử là khó xảy ra. Thời gian qua, Ấn Độ xuất khẩu gạo qua kênh ngoại giao với số lượng hạn chế, chỉ vài chục ngàn tấn mỗi hợp đồng. Bên cạnh đó, nắng nóng gay gắt kéo dài ảnh hưởng đến an ninh lương thực cũng là điều mà chính phủ nước này sẽ cân nhắc trước khi muốn bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo. "Nếu có tháo dỡ lệnh cấm thì khả năng cũng sẽ là từng phần và sớm nhất cũng vào cuối tháng 9, đầu tháng 10", bà Hương dự đoán.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Thái Bình nhận định: Trung bình mỗi năm Ấn Độ xuất khẩu khoảng 20 triệu tấn gạo, nếu so với dân số hơn 1,4 tỉ người của họ thì không hề lớn. Cho nên câu chuyện an ninh lương thực với Ấn Độ rất quan trọng, đặc biệt trong xu hướng nguồn cung ngày càng hạn chế vì thời tiết bất lợi. Và ngay cả việc họ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trong năm nay cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động xuất khẩu gạo VN vì sản phẩm của họ và VN khác nhau về phân khúc và thị trường. Hiện nay giá các mặt hàng gạo của Ấn Độ (không bị cấm) cũng đang rất tốt và cũng sẽ muốn giữ giá.

Hiện tại, gạo đông xuân trong kho của DN VN vẫn còn, vụ hè thu chuẩn bị thu hoạch. Nguồn cung VN đang rất tốt, còn chính sách thuế của Philippines sẽ sớm có hiệu lực trong tháng này hoặc tháng 7. Cung - cầu gặp nhau cùng thời điểm sẽ là tích cực cho cả hai bên. Bà con nông dân cũng như DN không nên vội bán khi chưa được giá tốt.

Phan Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang thị trường lúa gạo Ssricenews

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.