Gặp biến cố trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, làm sao để vượt qua?

25/05/2023 16:46 GMT+7

Nếu trước ngày thi nhưng gặp biến cố thì làm thế nào để có thể vượt qua và tập trung cho kỳ thi thật tốt?

Trong chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề "Biến áp lực thành động lực mùa thi" diễn ra hôm nay (25.5) tại Báo Thanh Niên, thí sinh đã đặt câu hỏi về chương trình như vậy.

Cần tự thao túng tâm lý chính mình

Chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo, Trưởng bộ môn kỹ năng Trường ĐH Công nghệ TPHCM, cho rằng đã là biến cố chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống cũng như tinh thần của mỗi cá nhân

"Biến cố đến với mỗi một người khác nhau, và cái cách đón nhận biến cố với mỗi người cũng khác nhau. Nhưng dẫu thế nào thì kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn diễn ra. Và việc nào quan trọng thì phải giải quyết trước. Cái gì mà có ảnh hưởng lớn đến cá nhân, gia đình, tương lai thì chúng ta phải tập trung", chị Thảo nói.

Theo chị Thảo, mỗi người trẻ cần tự mình giải quyết cảm xúc của chính mình. Cố gắng sắp xếp mọi thứ để vẫn có thời gian ôn thi, vẫn có khoảng không gian riêng để tập trung cho việc quan trọng là kỳ thi. Những câu chuyện mà bản thân người trẻ không đủ khả năng giải quyết thì hãy để người lớn làm việc đó.

"Hãy tự ám thị não bộ, tự thao túng tâm lý chính mình, nhắc nhớ về hoạt động kỳ thi với mình. Hãy nghĩ đến ước mơ về mục tiêu quan trọng trước mắt. Hãy in ước mơ ra, hãy để nhiều hình ảnh liên quan đến ước mơ ở những nơi mà có thể nhìn thấy thường xuyên nhằm tạo ra cảm xúc tích cực, tươi đẹp. Qua đó, giúp bản thân có thể loại bỏ được những việc có thể cản trở kỳ thi", chị Thảo hướng dẫn.

Trong trường hợp nếu không tự giải quyết được thì phải nhờ sự giúp đỡ của người khác. "Chúng ta rất hay quên là có nhiều người đồng hành chung như bố mẹ, anh chị, những người bạn... Tại sao một thân một mình cứ tự bơi rồi bị chơi vơi trong mớ cảm xúc tiêu cực, trong khi bên cạnh có nhiều người bên ta và yêu thương ta? Thay vào đó, hãy tìm đến họ. Và lỡ khi cảm xúc tiêu cực quá thì hãy luôn bên cạnh một ai đó, hạn chế ở một mình quá lâu", chị Thảo nói thêm.

 Sắp thi tốt nghiệp THPT nhưng gặp biến cố, phải làm sao? - Ảnh 1.

Chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo (áo đen) và hai thủ khoa Thanh Bình (áo trắng) và Sơ Ni (áo xanh) chia sẻ những bí kíp giúp thí sinh vững vàng trong kỳ thi

THANH NIÊN

Áp lực nặng nề khi thấy nhiều thí sinh xin thêm giấy làm bài

Nguyễn Thị Thanh Bình, thủ khoa Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm 2021, chia sẻ câu chuyện vui từng gặp, đó là trong lần thi môn văn, khi nữ sinh này chưa viết được nhiều thì có bạn đã lên xin thêm giấy. Hết giờ thi, hỏi ra mới biết lý do là vì… bạn viết lộn nên xin giấy để viết lại.

Thanh Bình chia sẻ: "Trong trường hợp thấy nhiều thí sinh cùng phòng thi lên giám thị xin thêm giấy để làm bài thì hãy học cách mặc kệ, đừng tự tạo áp lực, vì sẽ tự hại cho chính mình. Hãy nghĩ là có khi thí sinh đó viết lộn nên cần xin giấy để lại. Hãy tự nhắc bản thân điệp khúc "không sao không sao, mặc kệ mặc kệ" và cứ bình tĩnh làm bài".

Lê Ngô Sơ Ni, thủ khoa Trường ĐH Giao thông vận tải phân hiệu TP.HCM năm 2022, cũng cho biết một trong những vấn đề thường gặp của thí sinh đó là hay bị phân tâm bởi những người xung quanh, những thứ diễn ra xung quanh trong phòng thi. 

"Nhưng mình nên tập trung vào bài làm của mình, việc chúng ta để ý đến bạn khác đang làm bao nhiêu tờ giấy thi sẽ càng làm mình áp lực hơn", Sơ Ni chia sẻ.

Có nhiều thí sinh thường gặp tâm lý hoảng loạn lúc phát đề những môn mà bản thân không giỏi, để rồi chính điều đó dẫn đến việc làm sai các câu dễ và mất phương hướng tìm ra câu trả lời cho câu khó. Họ không biết phải làm sao?

Chia sẻ về điều này, Thanh Bình nói: "Trong những đề thi mà phần trên là câu dễ, câu dưới khó thì đừng đọc phần khó, luôn luôn đọc phần dễ trước. Những câu khó thì hãy để tính sau. Còn nếu gặp đề xáo trộn, lỡ đọc đúng câu khó trước thì hãy hít thở lại bình tĩnh, cố gắng đánh dấu những câu nào làm được. Và khi đã làm chắc chắn không sai thì sau đó sẽ làm câu khó". 

Không ít thí sinh cũng mong các thủ khoa từng có kinh nghiệm thi cử bày cách để "chế ngự" sự phân tâm khi làm bài. Sơ Ni khẳng định mỗi người có thể rèn luyện sự tập trung. Bản thân cô gái gen Z này cũng thuộc tuýp người hay bị phân tâm. Nhưng sau đó, trong thời gian rèn giải đề ở nhà, Sơ Ni vẫn giả định như đang ở phòng thi, nhờ vậy đã luyện được sự tập trung.

Thanh Bình tự nhận bản thân cũng từng bị phân tâm vì nhiều khi làm bài mà ngồi nhìn vu vơ, hay nhìn đồng hồ, thờ thẫn. Sau đó, nữ sinh này đã tìm cách khắc phục, đó là tự hứa với bản thân không được tái lặp thói quen không tốt này. Cách để chế ngự sự phân tâm đó là nhanh chóng quay lại đọc đề, "trò chuyện với đề thi" nhằm giúp lấy lại được sự tập trung. 


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.