Gặp gỡ 'phù thủy' hóa trang Trịnh Xuân Chính

23/11/2017 08:00 GMT+7

Hơn nửa thế kỷ hoạt động nghệ thuật, trong đó có 20 năm làm nghệ sĩ biểu diễn sân khấu kịch nói, nghệ sĩ Trịnh Xuân Chính đã chuyển sang làm công tác hóa trang, tham gia khắc họa chân dung hàng ngàn nhân vật.

Nhắc đến nghệ sĩ Trịnh Xuân Chính, giới làm nghề tại Việt Nam không mấy ai xa lạ. Ông là người duy nhất ở Việt Nam được cử đi học hóa trang tại Ba Lan đến thời điểm này. Với bàn tay tài hoa và trí sáng tạo, ông đã khắc họa hình tượng những nhân vật trong phim từ Đông Tây kim cổ cho sân khấu, điện ảnh với gần 700 tác phẩm, khiến cho nhiều đạo diễn khó tính đến mấy cũng phải hài lòng.
Đến bác sĩ cũng phải nhầm
Có lần, ông hóa trang nhân vật một người mẹ bị cùi trong phim Bến sông trăng của đạo diễn Đỗ Phú Hải (diễn viên Kim Em đóng). Trong thời gian chờ diễn, một bác sĩ của bệnh viện đi qua, tưởng đó là bệnh nhân thật nên đã la y tá rằng sao lại để bệnh nhân nằm ngoài hành lang nắng như vậy. Cũng có lần diễn viên đó ngồi nghỉ bên lề đường chờ cảnh quay ở Vũng Tàu, một người khách qua đường thấy tội nghiệp quá đã biếu cô 50.000 đồng để mua thuốc…
Nghệ sĩ Xuân Chính hóa trang cho nhân vật cô gái trẻ bị bỏng bom Napalm trong phim Số phận một tình yêu của đạo diễn - NSND Hải Ninh
Theo nghệ sĩ Trịnh Xuân Chính, để hóa trang các loại vết thương cho giống như thật ông đã phải vào bệnh viện xin quan sát, chụp ảnh và hỏi các bác sĩ về chuyên môn, tìm đọc sách y khoa, để hiểu thêm về bệnh lý, vậy mới có thể tạo hình đúng được.
[VIDEO] Kỹ năng hóa trang phi thường của nghệ sĩ Trịnh Xuân Chính 
Nghệ sĩ Trịnh Xuân Chính cũng đã giảng dạy rất nhiều khóa học cho các đạo diễn, diễn viên tại các trường cao đẳng, đại học chuyên ngành sân khấu, điện ảnh... Ông cũng đoạt nhiều giải thưởng nhà nước về công trình nghiên cứu khoa học, huân chương lao động hạng ba về quá trình cống hiến nghệ thuật, nhiều huy chương, bằng khen vì sự nghiệp văn hóa thông tin và giáo dục…
Trước đây khi phim Ba mùa (Three Seasons) do đạo diễn Tony Bùi cùng hãng phim Open city của Mỹ thực hiện các cảnh quay tại Việt Nam, phía Mỹ dự định 2 phương án làm bàn tay cùi cho nhân vật thầy Đào (diễn viên Mạnh Cường đóng). Thứ nhất, làm bàn tay giả như của robot ghép vào nhân vật, điều khiển bằng kỹ thuật máy tính hiện đại. Thứ hai, diễn viên phải giấu cánh tay thật đi rồi áp bàn tay của bệnh nhân bị cùi thật vào người để có thể thực hiện cảnh quay cận... Nhưng hai phương án này đều không khả thi.
Nghệ sĩ Xuân Chính được mời hợp tác làm việc. Ông đã sáng tạo ra một phương án đơn giản là đúc một bàn tay rỗng như một chiếc găng tay da người, làm cụt ngón theo yêu cầu của đạo diễn để diễn viên lồng tay vào, vẫn có thể cử động dễ dàng như thật... Đó là một sáng tạo đã được đoàn làm phim Mỹ đánh giá cao. Phim này sau đó nhận ba giải thưởng tại Liên hoan phim Sundance năm 1999 tại Mỹ.
Là cứu tinh của nhiều đạo diễn
Với tinh thần bền bỉ tìm tòi sáng tạo, nghệ sĩ Xuân Chính đã giúp cho nhiều đoàn phim có những cảnh quay chân thực và ấn tượng như tạo hình vết sẹo lớn do bom đạn trên cổ một chiến sĩ trong phim Ba lần và một lần (đạo diễn Trần Vịnh) do NSND Ngọc Thủy đóng.
Trong phim này người hóa trang của đoàn làm chưa đạt yêu cầu về tạo hình và chất liệu hóa trang không tốt, làm da cổ của diễn viên bị rộp lên và ngứa, phải ngừng quay. Nghệ sĩ Xuân Chính đã cứu nguy bằng cách dùng chất liệu tốt đúc sẵn vết sẹo đúng theo hình dạng đã quay trước đó có thể bóc ra, dán vào nhiều lần, giữ đúng raccord (nguyên mẫu ban đầu) vừa không phải mất nhiều thời gian hóa trang, không làm hại da của diễn viên.
“Phù thủy” hóa trang Trịnh Xuân Chính 2
Nghệ sĩ hóa trang tài hoa Trịnh Xuân Chính
Lần khác khi đạo diễn Hoàng Triệu Quân làm phim về cuộc đời Đức Phật, chỉ còn 4 cảnh quay nữa là kết thúc phim thì xảy ra trục trặc, hóa trang của phim không tiếp tục công việc. Đoàn làm phim phải mời nghệ sĩ Xuân Chính “chữa cháy”, quay nốt mấy cảnh cuối cùng của vai Đức Phật (yêu cầu hóa trang giữ được raccord như những cảnh đã quay trước). Dù sắp phải đi nước ngoài, nhưng ông vẫn vui vẻ nhận lời hóa trang miễn phí để bộ phim hoàn thành đúng tiến độ.
Cách đâu không lâu, khi bộ phim Điện Biên Phủ trên không quay ngoài Bắc có một số diễn viên bị tiêu chảy, vì dị ứng với máu dùng cho hóa trang khi phải ngậm vào miệng, ông đã hỗ trợ đoàn bằng loại máu giả an toàn do mình tự chế. Ở Việt Nam chưa có xưởng hóa trang nên ông phải tự thân nghiên cứu, tìm tòi, có lúc phải liều uống máu giả do mình pha chế để xem có độc hại gì không. Theo ông, bất cứ hóa mỹ phẩm nào dùng cho hóa trang, tuyệt đối phải an toàn cho sức khỏe của diễn viên.
Nghệ sĩ Xuân Chính không chỉ hóa trang cho diễn viên trong phim ảnh, sân khấu, mà có lần ông còn hóa trang cả ngoài đời. Có lần, một bà mẹ có đứa con trai hư hỏng, trốn tránh bà đã lâu mà bà không tiếp cận được... Bà đã tới cầu khẩn ông giúp hóa trang thành người khác để vào một tiệm ăn (nơi con trai bà làm phục vụ) ngồi quan sát, tận mắt theo dõi người con mới vào làm tại đây. Hôm đó, người con trai đã bưng bê thức ăn cho bà mà không nhận ra đó chính mẹ của mình.
Nghệ sĩ Xuân Chính (thứ ba từ trái sang) cùng một đoàn làm phim nước ngoài trong phim chiến tranh
Những trăn trở tuổi về chiều
Nghệ sĩ Xuân Chính cũng là một trong những cánh chim đầu đàn của ngành hóa trang phim ảnh, sân khấu tại Việt Nam. Ông có nhiều sáng chế nguyên vật liệu hóa trang để làm đầu trọc, đầu hói, vết thương, râu tóc, tạo được nhiều hiệu quả giống, đúng, đẹp, góp phần không nhỏ cho thành công của nhiều tác phẩm. Đặc biệt, ông có khả năng pha chế hóa mỹ phẩm cho hóa trang hiệu ứng đặc biệt bằng nguyên liệu trong nước, giúp tiết kiêm hơn chục lần nếu phải mua ở nước ngoài.
Ông là người thầy uyên bác, nhiều kinh nghiệm và cũng là người nghệ sĩ tận tụy, tâm huyết trong sáng tạo nghệ thuật. Đến nay dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn hăng say làm việc, luôn canh cánh, trăn trở cho nghề hóa trang tại Việt Nam. Dù được tôn vinh, ca ngợi, nhưng ông không lấy đó làm vui. Ông tâm sự: “Nếu tôi được tôn vinh giữa hàng ngàn đồng nghiệp giỏi thì mới thấy vinh dự. Thực lòng tôi không muốn làm người lữ hành đơn độc... Tuổi tôi cao rồi, trời cho khỏe ngày nào thì còn làm việc ngày đó, bao giờ tay không còn cầm nổi cây bút nữa tôi mới phải ngừng. Chỉ mong sao nghệ thuật hóa trang của nước ta được quan tâm hơn để có nhiều nhân tài và ngày càng phát triển…”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.