Tra bản đồ sẽ dễ dàng nhận ra tọa độ của đảo Gạc Ma: 9°43'9"N 114°16'57"E. Nhưng đó sẽ là những thông số khô khan nếu không biết thêm điều này: Gạc Ma là hòn đảo chìm nằm trong cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của VN bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép kể từ trận hải chiến bi hùng khiến 64 người lính của chúng ta đã phải ngã xuống trong một thế trận mà “súng chỉ nổ từ một phía”. Xem lại đoạn video clip được tung lên mạng do chính phía Trung Quốc ghi lại, lòng chúng ta không khỏi ngậm ngùi. Các anh đã nắm tay nhau như một tràng hoa biển trước khi nhận những trái đạn oan nghiệt từ phía kẻ thù. Lửa chiến tranh đã tắt 13 năm trước đó, nhưng có ai ngờ, biển Đông lại thêm một lần dậy sóng.
Vì những lý do khác nhau, cái tên Gạc Ma cùng trận hải chiến ngày ấy hầu như ít được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông. Nhưng có lẽ, trong lòng mỗi người dân VN, không một ai có thể tự cho phép mình bôi xóa cái tên Gạc Ma thiêng liêng ấy.
24 năm sau kể từ ngày các anh ngã xuống, Báo Thanh Niên đã làm một cuộc tìm về với những người mẹ các anh trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Địa danh Gạc Ma lại có dịp thức dậy tươi nguyên như chưa từng bị quên lãng bao giờ. Đó là cuộc tìm về rưng rưng nước mắt và mang nhiều ý nghĩa, nó vượt ra ngoài khuôn khổ của những cuộc thăm hỏi hay động viên thông thường.
|
Những cuộc tìm về
Ý tưởng về một cuộc gặp mặt các “mẹ Gạc Ma” lóe lên một cách tình cờ khi chúng tôi xem lại đoạn video clip về trận hải chiến năm 1988. Anh Đặng Hồng Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh tập đoàn dầu khí, chợt thốt lên: “Tại sao chúng ta không tổ chức cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa đó nhân kỷ niệm 24 năm ngày các anh ngã xuống?”.
Báo Thanh Niên và Hội Cựu chiến binh tập đoàn dầu khí đã nhanh chóng triển khai các bước chuẩn bị cho cuộc gặp mặt tại Cam Ranh đúng vào ngày 14.3.2012. Những tưởng công việc sẽ được xuôi chèo mát mái thì kế hoạch đã phải hoãn lại. Chúng tôi buộc phải chuyển sang “phương án dự phòng”, đó là đến thăm từng nhà của 64 liệt sĩ.
Hay tin kế hoạch gặp các mẹ liệt sĩ Gạc Ma bị hoãn và nguồn kinh phí tài trợ cho các mẹ cũng tạm gác lại, tập đoàn công nghiệp cao su, các ngân hàng BIDV, Agribank và đại diện Ban tài trợ Hội Thầy thuốc trẻ VN đã có một nghĩa cử vô cùng cảm động: tài trợ toàn bộ số kinh phí mà Báo Thanh Niên dự kiến sẽ trao cho các mẹ trước đó. Thậm chí, số tiền không dừng lại ở 10 triệu/gia đình như dự kiến mà đã tăng lên 20 triệu đồng/gia đình. Trong suốt hai tháng 4 và 5.2012, dấu chân của các PV Thanh Niên đã có mặt ở hầu khắp các địa phương từ Khánh Hòa cho đến tận vùng rừng tỉnh Phú Thọ.
Đã gần một phần tư thế kỷ trôi qua, bao vật đổi sao dời, nhiều mẹ liệt sĩ đã không còn có mặt trên cõi đời này nữa. Nhiều người thân các anh đã phiêu bạt khắp mọi miền. Có những trường hợp ở Quảng Bình, Ninh Bình, hỏi dò ra địa chỉ người thân các anh nhưng đến nơi thì gia đình đã chuyển vào miền Nam, chúng tôi lại phải tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm. Thế nhưng, dù khó khăn đến đâu, chúng tôi vẫn luôn động viên nhau là phải tìm cho bằng được người thân các anh. Không chỉ là để gửi một chút quà chậm muộn mà là để nói với các mẹ và người thân các anh một lời rằng, thời gian có thể bôi xóa nhiều thứ nhưng sự hy sinh của các anh thì mãi mãi sẽ được Tổ quốc và nhân dân tri ân.
Làm sao có thể quên được hình ảnh người mẹ già đã kề cận tuổi 90 Lê Thị Niệm, mẹ liệt sĩ Phan Tấn Dư ở Phú Yên, suốt 24 năm qua, chiều nào cũng ngồi ngay bậu cửa, luôn chờ một dòng tin về số phận đứa con mình; mẹ Lê Thị Lan, mẹ liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc ở Đà Nẵng đã qua tuổi 70 nhưng phải tự mình bươn chải nuôi thân; rồi chị Trần Thị Liễu, vợ liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong ở Quảng Bình; chị Đỗ Thị Hà, vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh ở Cam Ranh… suốt đời lam lũ, cả một thời xuân sắc đi qua, các chị vẫn ở vậy thay chồng nuôi con khôn lớn.
Cũng qua cuộc tìm về này cùng loạt bài đăng trên Thanh Niên, chúng tôi đã nhận được hàng ngàn lá thư và ý kiến chia sẻ của bạn đọc gần xa, trong đó có nhiều bạn trẻ sinh ra đúng vào năm mà 64 liệt sĩ Gạc Ma ngã xuống. Các bạn chưa hề có trong ký ức về cuộc hải chiến bi thương ấy, song bầu máu nóng thì luôn sôi sục với một quyết tâm phải giữ nước đến cùng, như câu nói bất hủ của thiếu úy Trần Văn Phương: “Chúng ta thà hy sinh đến người cuối cùng nhưng nhất quyết không được để mất đảo”.
Địa danh Gạc Ma một lần nữa lại thức dậy và ghi tên mình vào bộ nhớ của nhiều người. Chúng tôi, những người làm Báo Thanh Niên cảm thấy ấm lòng vì điều đó.
Nghẹn lòng đọc thư cha Trong số 9 liệt sĩ quê Thái Bình hy sinh tại Gạc Ma, có liệt sĩ Trần Đức Thông, là trung tá, Lữ đoàn phó, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân, người chỉ huy cao nhất tại chiến trường của đơn vị đã bảo vệ Gạc Ma năm 1988. Đầu năm 1988, Lữ đoàn 125 Hải quân sử dụng 2 tàu HQ-604, HQ-505 chở theo gần 100 cán bộ, chiến sĩ ra các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Đoàn công tác do trung tá Trần Đức Thông, lúc ấy là Lữ đoàn phó 146 chỉ huy. Lúc đang chuyển vật liệu vào xây dựng doanh trại trên đảo chìm Gạc Ma vào sáng sớm 14.3 thì các cán bộ, chiến sĩ tàu HQ-604 phát hiện 4 tàu của Trung Quốc đang lao đến. Trung tá Trần Đức Thông ra lệnh cho thiếu úy Trần Văn Phương cùng 2 chiến sĩ Nguyễn Văn Tư và Nguyễn Văn Lanh cơ động bằng xuồng máy, nhanh chóng vào bãi cạn đảo Gạc Ma bảo vệ cờ Tổ quốc.
Khi thấy ta cho lực lượng lên bảo vệ cờ, quân Trung Quốc đã cho lính trang bị đầy đủ vũ khí nã đạn vào các chiến sĩ đang bảo vệ đảo. Thiếu úy Trần Văn Phương bị trúng đạn ngã xuống, lập tức chiến sĩ Nguyễn Văn Lanh lao đến giữ vững lá cờ. Địch vội tăng cường thêm lính và vũ khí tiếp tục nã đạn. Thuyền trưởng tàu HQ-604 Vũ Phi Trừ chỉ huy bộ đội ta chống trả quyết liệt. Thấy vậy, tàu địch dùng pháo lớn bắn cấp tập khiến tàu HQ-604 chìm xuống biển. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, trung tá Trần Đức Thông và nhiều cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và anh dũng hy sinh. Chị Trần Thị Thu Hà, con gái liệt sĩ Trần Đức Thông, hiện là cán bộ Công an tỉnh Hà Nam, cho biết: “Bố tôi hy sinh vào ngày 14.3, nhưng điều lạ là đến gần 1 tháng sau, đến tận tháng 4.1988, chúng tôi vẫn nhận được thư của bố tôi gửi về. Sau này chị em tôi mới biết, trước khi ra đảo làm nhiệm vụ, bố đã viết sẵn hàng chục lá thư, để lại đất liền dặn một chú cùng đơn vị là cách vài ngày lại điền ngày tháng vào thư để gửi về nhà cho mẹ và chị em chúng tôi. Bố muốn mẹ và chúng tôi thường xuyên nhận được thư để yên tâm công tác, học tập, khỏi lo lắng ảnh hưởng đến sức khỏe, vậy mà...”. Anh Trần Hoài Nam, em ruột chị Hà nghẹn ngào: “Tết năm ấy bố tôi về ăn tết, bố mang về cho chúng tôi rất nhiều ốc biển, san hô… Lần ấy về, trước khi đi bố dặn chúng tôi phải chịu khó học bài, chăm sóc mẹ chờ bố về, nhưng không ngờ đó là chuyến đi cuối cùng của bố...”. T.T - K.L - L.Q |
Trần Đăng
>> Hỗ trợ kinh phí đưa 3 gia đình liệt sĩ Gạc Ma ra Trường Sa
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Máu xương làm dấu mốc biên cương
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma tại Khánh Hòa - Phú Yên
>> Khởi động đợt 2 chương trình Tri ân liệt sĩ Gạc Ma
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Mòn mỏi đợi em về
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma - Muốn ra nơi con bị giặc sát hại
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma - Khát vọng phụng sự Tổ quốc
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Quyết chiến bảo vệ đảo
Bình luận (0)