Gấu nước bị bắn khỏi nòng súng nhưng vẫn sống sót

22/05/2021 18:00 GMT+7

Loài gấu nước tiếp tục chứng tỏ năng lực bền bỉ đáng kinh ngạc, sau khi các nhà nghiên cứu đã thử nạp chúng vào nòng súng và khai hỏa với tốc độ gần 3.480 km/giờ trong điều kiện không gian, nhưng chúng vẫn sống sót.

Với chiều dài cơ thể trung bình khoảng 1 mm hoặc ngắn hơn, gấu nước đã được công nhận là sinh vật có cơ thể “kim cương bất toại” và rắn chắc nhất trong thế giới động vật.
Chúng có thể sống sót mà không cần nước trong 10 năm, chịu được áp suất và nhiệt độ ở mức khắc nghiệt cũng như chống chọi trước sự tấn công của bức xạ tia cực tím độc hại và thậm chí sống sót trong không gian.
Dù bị đóng băng trong 30 năm, một số con sau khi rã đông vẫn đủ sức sinh sản hậu duệ. Và nghiên cứu mới đây một lần nữa xác nhận năng lực siêu nhiên của loài này.
Theo báo cáo trên chuyên san Astrobiology, hai chuyên gia Alejandra Traspas và Mark Burchell của Đại học Kent (Anh) đã nhồi một nhóm Hypsibius dujardini (thuộc loài gấu nước) bị cưỡng chế ngủ đông vào các viên đạn bằng nhựa.
Kế đến, họ nạp đạn vào khẩu súng và bắn vào một mục tiêu bằng cát được đặt trong khoang chân không, tái lập môi trường như không gian. Tốc độ đạn rời khỏi nòng dao động từ 556 m đến 1 km/giây.
Kết quả cho thấy gấu nước vẫn có thể sống sót với tốc độ va chạm đến 825 m/giây. Sau mốc này, chúng bị tan vỡ và không thể “phục sinh”, theo các nhà nghiên cứu.
Vào tháng 4.2019, loài gấu nước trở thành đề tài trên trang báo sau khi tàu thăm dò Beresheet của Israel rơi xuống mặt trăng, mang theo hàng ngàn cá thể của loài sinh vật này đâm xuống bề mặt chị Hằng. Vẫn chưa có ai kiểm tra được liệu nhóm này còn sống sót hay không.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.