Gen Z ‘cách tân’ câu lạc bộ trường phổ thông

19/11/2022 15:09 GMT+7

Chú trọng ‘đầu vào’, sinh hoạt chuyên nghiệp và sáng tạo thông điệp nhân văn là những điểm chung của câu lạc bộ trường phổ thông tại TP.HCM do học sinh thế hệ Z (Gen Z) điều hành.

Tham gia “không hề dễ”

Không còn là nơi học sinh (HS) chỉ cần đăng ký là được tham gia, nhiều câu lạc bộ (CLB) trường phổ thông hiện nay tạo ra các vòng tuyển khác nhau để sàng lọc ứng viên, nâng cao “chuẩn đầu vào” dựa theo nhiều tiêu chí.

Học sinh tự chuẩn bị các khâu như viết kịch bản văn học, làm nhạc chủ đề, thực hiện sân khấu, truyền thông bán vé... cho vở kịch nói

clb kịch hoàng hoa thám

Chẳng hạn, Nguyễn Ngọc Hân (lớp 11A12, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai), chủ nhiệm CLB Báo chí-truyền thông, cho hay ứng viên cần tham gia điền đơn trực tuyến, làm việc nhóm và phỏng vấn để được đánh giá thái độ, kỹ năng, cách xử lý tình huống. “Qua 3 vòng tuyển, CLB mong muốn thành viên tương lai sẽ mạnh dạn sáng tạo, có trách nhiệm với công việc đã chọn”, Hân giải thích, cho hay ở mỗi vòng sẽ loại dần ứng viên.

Mục tiêu của vòng tuyển còn để chọn ra thành viên tiềm năng và phù hợp, theo Lê Phạm Diệu Thảo (lớp 12A7, Trường THPT Hoàng Hoa Thám), phó chủ nhiệm CLB Kịch. “Nếu muốn trở thành diễn viên, các bạn cần trình bày tiểu phẩm tự chuẩn bị. Muốn làm kịch bản-dàn dựng thì phải viết tiểu phẩm ngắn, hay với truyền thông thì sẽ thực hiện thử thách được đặt ra. Riêng nhóm hậu cần không yêu cầu nhiều tiêu chí như vậy”, nữ sinh chia sẻ.

Học sinh được giải đáp thắc mắc, hướng dẫn kỹ năng nhiếp ảnh trong buổi gặp gỡ với anh chị lớp trên

clb nhiếp ảnh THPT chuyên lê hồng phong

Mở rộng đối tượng tham gia cho HS toàn thành và yêu cầu cả kiến thức chuyên môn là những điểm đáng chú ý trong hoạt động tuyển thành viên của CLB Nhiếp ảnh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và CLB Báo chí-truyền thông Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, theo 2 chủ nhiệm Nguyễn Thị Bích Phượng (lớp 11CV2) và Nguyễn Huỳnh Nhật Linh (lớp 11CA3). “Đợt tuyển không hề dễ vì CLB có truyền thống và sự chuyên nghiệp”, Linh bật mí.

Muôn kiểu phát triển kỹ năng

Nhật Linh chia sẻ qua 9 năm hoạt động, CLB đã “bỏ túi” các sản phẩm có giá trị tinh thần cao như nội san, cuộc thi gương mặt ảnh bìa và những bài báo phát hành hàng tháng trên bảng tin trường. Khi dịch Covid-19 lan rộng, để không “đứt đoạn” sinh hoạt, CLB còn tận dụng nền tảng Behance làm nơi lưu trữ, lan truyền tin tức. “Yếu tố quyết định tính chuyên nghiệp là sự trau chuốt cho từng bài viết, hình ảnh và bất kỳ dự án nào chúng em thực hiện”, nữ sinh khẳng định.

Ấn phẩm nội san gây quỹ được chính học sinh thiết kế

clb báo chí - truyền thông THPT chuyên trần đại nghĩa

Với Linh, CLB là môi trường để học hỏi những thứ bên ngoài sách vở như thiết kế đồ họa, xây dựng nội dung và quản lý truyền thông. Qua cọ xát hoạt động thực tế, nữ sinh đã có nhiều kinh nghiệm làm việc, mở rộng vòng kết nối và biết rõ điểm mạnh, yếu lẫn đam mê cá nhân. “Việc tham gia CLB không chỉ dừng lại ở giao lưu, giải trí mà nó còn là tâm huyết, công sức của HS với mong muốn đóng góp cho cộng đồng những điều ý nghĩa”, em bộc bạch.

Theo Bích Phượng, HS còn cách khác để nâng cao trình độ đó là dự các lớp học, workshop do CLB tổ chức với sự tham gia của những "tiền bối" giàu kinh nghiệm hoạt động nghệ thuật như nhiếp ảnh, thiết kế, quay dựng phim. “CLB cũng hợp tác và làm việc trong những dự án, chương trình của trường như Festival LHP, Flashmob ra trường... và đây là cơ hội 'thực chiến' cho các thành viên”, nữ sinh cho hay.

Không chỉ làm việc, Phượng nhìn nhận CLB còn là nơi để mỗi thành viên chia sẻ câu chuyện, đam mê, giúp những “sắc màu” cá tính riêng biệt giao nhau. “CLB cũng là nơi định hình phong cách cho HS. Và dù sau này các bạn có phát triển theo đúng lĩnh vực hay không, các bạn luôn có thể phát triển kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, hoặc kỹ năng cứng như sử dụng các phần mềm”, Phượng cho hay.

Vở kịch nói của CLB thu hút cả học sinh, sinh viên lẫn phụ huynh đón xem với 310 vé bán ra

clb kịch hoàng hoa thám

Chọn chủ đề trầm cảm ở trẻ vị thành niên, vừa qua CLB Kịch Hoàng Hoa Thám đã công diễn vở kịch nói Triệu chứng cuối cùng với khoảng 6 tháng tự chuẩn bị các khâu như viết kịch bản văn học, làm nhạc chủ đề, thực hiện sân khấu, truyền thông bán vé... trong đó có 3 tháng tập kịch liên tục. Hoạt động được cố vấn bởi các nghệ sĩ lành nghề như NSƯT Trần Vương Thạch, đạo diễn Nguyễn Mạnh Duy...

“Theo em, CLB là nơi giúp phát triển kiến thức và kỹ năng cho tất cả thành viên. Em vừa được học về kịch nói, vừa được trau dồi kỹ năng sống như làm việc nhóm, biết cách lắng nghe khó khăn, tìm hướng giải quyết, đặc biệt là yêu thương, thấu hiểu và cùng hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ”, Diệu Thảo nhìn nhận.

Buổi diễn âm nhạc vào giờ ra chơi được tổ chức bởi nhiều CLB, giúp học sinh phát triển khả năng tổ chức sự kiện, truyền thông đa phương tiện lẫn trình diễn

clb báo chí - truyền thông minh khai

Hướng nghiệp hữu hiệu

Sinh hoạt CLB còn là một phương pháp hữu hiệu để giáo dục hướng nghiệp, theo thầy Huỳnh Kim Ngọc, Trợ lý thanh niên Trường THPT Hiệp Bình (TP.Thủ Đức, TP.HCM). Thầy Ngọc dẫn chứng thực tế tại trường đã thành lập CLB Hướng nghiệp - khởi nghiệp giúp HS chọn đúng ngành, nghề thông qua tổ chức những buổi chia sẻ, giải đáp thắc mắc hàng tuần với khách mời là cựu HS, song song đó là tạo cơ hội tham quan nhà máy, xí nghiệp các công ty.

Học sinh xem CLB là "gia đình thứ hai" để cùng nhau chia sẻ câu chuyện và đam mê

clb nhiếp ảnh THPT chuyên lê hồng phong

Ngoài ra, trường cũng có 9 CLB khác về các mảng học thuật, năng khiếu, đam mê sáng tạo... được đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, phòng thực hành hoặc khu tập luyện, với số thành viên dao động từ 15-40 và nhiều lần đạt thành tích cao tại các cuộc thi cấp thành phố, quận đoàn. “Thông qua hoạt động CLB, HS không chỉ được nâng cao kỹ năng hay phục vụ quá trình học tập mà còn có cơ hội định hướng nghề nghiệp tương lai”, thầy Ngọc khẳng định.

Minh họa cụ thể quan điểm trên, Ngọc Hân cho biết nhiều thành viên nhờ kinh nghiệm tại CLB đã có thể tạo ra thu nhập từ lớp 11. “Các bạn hiện là cộng tác viên của các báo. Nhiều thành viên còn đang tham gia những tổ chức phi lợi nhuận, dự án về truyền thông trong và ngoài trường. Cũng có không ít thành viên trước đó chưa biết mình muốn làm nghề gì, sau khi tham gia CLB thì đã quyết định theo ngành báo chí, truyền thông”, Hân thông tin.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.