Bùi Quang Triều, sinh viên (SV) chuyên ngành Sản xuất phim kỹ thuật số, Trường ĐH RMIT (TP.HCM) cho biết đã chọn con đường nghệ thuật sau khi gia nhập CLB nhiếp ảnh tại trường THPT. Nhờ có mặt trong những hoạt động đào tạo của CLB, Triều làm quen với nhiều đàn anh trong nghề, từ đó có cơ hội làm việc chuyên môn từ lớp 11.
Buổi diễn âm nhạc vào giờ ra chơi được tổ chức bởi nhiều CLB, giúp học sinh phát triển khả năng tổ chức sự kiện, truyền thông đa phương tiện lẫn trình diễn tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) |
NVCC |
“Khi ấy tôi thường xin đi theo để học hỏi nên không được trả công, dần dà anh chị thấy có năng lực nên giao các đầu việc nhỏ. Giờ tôi đã nhận những dự án lớn hơn, tạo ra thu nhập cố định. Môi trường CLB rất phù hợp với những ai có định hướng từ sớm, hay cần thời gian để tìm ra điểm mạnh, yếu của mình”, Triều đúc kết.
Từng không nghĩ sẽ theo đuổi công việc nghệ thuật cho đến năm lớp 12, Đào Duy Tùng (SV chuyên ngành Biên đạo múa đại chúng, Trường ĐH Sân khấu điện ảnh, Hà Nội) cũng tìm thấy đam mê nhờ liên tục cọ xát ở các sự kiện khi tham gia CLB văn nghệ của trường THCS, sau đó là THPT. “Tôi đang vừa học vừa về nhiều trường để biên đạo bài cho các em thi đấu hoặc trình diễn trong những dịp lễ như 20.11”, Tùng cho hay.
Tương tự, Lê Minh Duy (lớp 12A1 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM) từ đam mê quay phim nhất thời, hiện đã thấy bản thân phù hợp và dự định gắn bó lâu dài với nghề. “Tham gia CLB, em được hướng dẫn kỹ năng và thực hành rất nhiều như quay sự kiện cho trường, làm phim ngắn. Khi dần có kinh nghiệm, em nhận đi quay những sự kiện ngoài, bắt đầu có thu nhập từ đam mê”, Duy hào hứng chia sẻ.
Duy cho hay lúc đầu vì “ham làm” nên thành tích học tập bị ảnh hưởng. Nhưng khi quen với vừa làm vừa học, em đã cân bằng thời gian tốt hơn. Điều này cũng diễn ra với Huỳnh Bảo Ngọc (Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.Thủ Đức, TP.HCM) khi tham gia cộng tác với một tòa soạn nhờ những kinh nghiệm có được từ CLB báo chí. “Có lúc hạn nộp bài trùng lịch kiểm tra khiến em phải thức đến sáng, nhưng nhờ đó em dần quen với nhịp điệu và tính chất công việc, chuẩn bị tốt cho ước mơ trở thành phóng viên sau này”, Ngọc cho biết.
Vừa đảm nhận công tác hướng dẫn cho CLB Báo chí - truyền thông Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, thầy Hồ Hoài Khanh (giáo viên ngữ văn) cho biết đã lập tức đăng ký khóa nghiệp vụ báo chí tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM vì muốn cập nhật những thông tin mới nhất, giúp chỉ dẫn CLB đi đúng hướng.
Học sinh được giải đáp thắc mắc, hướng dẫn kỹ năng nhiếp ảnh trong buổi gặp gỡ CLB tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) |
NVCC |
“Khi làm việc cùng các em, tôi gặp một số khó khăn như thời gian giảng dạy nhiều nên không thể theo sát mọi hoạt động, hay mâu thuẫn trong quan điểm, tư tưởng giữa thầy và trò. Nhưng nhờ dung hòa bất đồng, luôn đầu tư chuyên nghiệp, hiện đại từ khi học phổ thông, các em hòa nhập rất sớm khi đến những môi trường khác như ĐH, cũng như đi nhanh hơn bạn cùng trang lứa trên con đường nghề nghiệp”, thầy Khanh chia sẻ.
Thầy Huỳnh Bá Trung, Trợ lý thanh niên Trường THPT Trần Quang Khải (Q.11, TP.HCM), nhận định các nghề truyền thông như TikToker, quay dựng phim, quảng cáo... đang thịnh hành, dễ kiếm việc làm. “Nếu trong môi trường phổ thông, HS có đam mê được cọ xát qua hoạt động CLB thì sẽ là một bước đệm quá tốt”, thầy Trung khẳng định, đồng thời khuyến khích CLB “phủ sóng” mạng xã hội để quảng bá hình ảnh, thu hút thêm thành viên.
Tuy nhiên, thầy Trung cũng lưu ý quá trình hướng nghiệp trong CLB ở nhiều nơi chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Đó là vì thời lượng học và kiểm tra trên trường còn dày đặc, HS chủ yếu dành thời gian ôn tập kiến thức các môn để chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT.
Bình luận (0)