Ghép tế bào gốc đồng loại có thể điều trị khỏi bệnh suy tủy xương

30/11/2022 08:04 GMT+7

Hội nghị khoa học Huyết học - Truyền máu toàn quốc năm 2022 đã được Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư tổ chức trong hai ngày 24 - 25.11 tại Hà Nội .

Dịp này, các nhà khoa học trong nước và quốc tế có các phiên báo cáo về các chuyên đề: truyền máu, tế bào gốc, đông máu, thalassemia, miễn dịch - di truyền - sinh học phân tử…

Báo cáo tại hội nghị, bác sĩ Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, cho biết ghép tế bào gốc là phương pháp điều trị có hiệu quả cao với bệnh nhân suy tủy xương. Tỷ lệ mọc mảnh ghép ngày thứ 30 sau ghép đạt 100%; ước tính tỷ lệ sống thêm toàn bộ và sống thêm không bệnh 5 năm sau ghép lần lượt là 84,8% và 91% (với bệnh nhân suy tủy xương được ghép tế bào gốc máu ngoại vi từ người hiến cùng huyết thống phù hợp hoàn toàn). Người bệnh suy tủy xương thể nặng có tỷ lệ tử vong 25% trong vòng 4 tháng đầu và 50% trong vòng 1 năm nếu không ghép tế bào gốc.

Các y bác sĩ đang truyền tế bào gốc cho người bệnh trong phòng cách ly

VIỆN HUYẾT HỌC - TRUYỀN MÁU T.Ư

Ghép tế bào gốc đồng loại hiện nay là phương pháp duy nhất có thể điều trị khỏi suy tủy xương. Để ghép tế bào gốc cho người bệnh suy tủy xương, lựa chọn tối ưu là nguồn tế bào gốc của anh chị em ruột hòa hợp hoàn toàn. Bên cạnh đó, còn có thể ghép từ nguồn tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng, ghép nửa hòa hợp hoặc ghép máu dây rốn kết hợp với ghép nửa hòa hợp. Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư đã ứng dụng phương pháp truyền khối bạch cầu hạt để hỗ trợ chống nhiễm khuẩn trong giai đoạn người bệnh sau ghép chờ phục hồi bạch cầu hạt trung tính. Khối bạch cầu được gạn tách từ người thân cùng nhóm máu với người bệnh thông qua hệ thống máy tách tự động. Kỹ thuật này góp phần quan trọng giúp giảm nguy cơ tử vong và nâng cao khả năng thành công trong ghép tế bào gốc ở người bệnh suy tủy xương.

Theo PGS-TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, trong nước, các nhà khoa học, các bác sĩ đã thực hiện được đa phần những kỹ thuật mới nhất mà khu vực và trên thế giới đang thực hiện như: điều trị đích bằng các thuốc mới nhất, ghép tế bào gốc tạo máu, truyền máu chất lượng cao cho bệnh nhân; có những chương trình phòng bệnh tan máu bẩm sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh mắc các bệnh máu di truyền. Tới đây, trong nước sẽ tập trung vào những kỹ thuật mới nhất mà trong khu vực và trên thế giới đang phát triển như: ghép tế bào gốc tạo máu, ghép tế bào gốc trung mô, điều trị tế bào, điều trị nhắm đích bằng thuốc mới… Những trị liệu đó giúp tiên lượng, điều trị chính xác hơn nhiều so với trước đây, giúp người bệnh cải thiện tốt hơn chất lượng cuộc sống và khỏi bệnh trong một số trường hợp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.