'Ghét bếp, không nghiện nhà' kỷ lục hút cư dân mạng thời cách ly xã hội

Trần Kim Anh
Trần Kim Anh
14/04/2020 19:29 GMT+7

Ra mắt cộng đồng mạng dịp cách ly xã hội , nhóm “Ghét bếp, không nghiện nhà” nhanh chóng có gần 735.000 thành viên cư dân mạng chỉ sau vài ngày thành lập, một kỷ lục thực sự. Đơn giản như nhiều người nhận xét trên mạng xã hội , cộng đồng có chút đời, chút hài, tếu táo và cả những chuyện trong gian bếp, ngôi nhà để thư giãn trong thời điểm thời cách ly xã hội.

Việc nấu nướng, dọn dẹp của nhiều người đôi khi thất bại, không được như mong muốn khiến họ mất tự tin. Nhưng giờ đây họ đã có nhóm công khai “Ghét bếp, không nghiện nhà” – nơi để cùng nhau chia sẻ những thất bại trong chuyện bếp núc, đem lại những tiếng cười sảng khoái, đặc biệt trong những ngày cách ly xã hội.

Đời hơn với những sự cố trong bếp

Nếu hội "Yêu bếp" và "Nghiện nhà" thu hút nhiều người quan tâm, chú ý trước sự khéo léo, chỉn chu thì trái lại hội “Ghét bếp, không nghiện nhà” là những sai sót, bất cẩn, vụng về trong việc bếp, việc nhà cũng phát triển rất nhanh chóng.
Nhờ nhóm “Ghét bếp, không nghiện nhà”, nhiều người có không gian sống thật với bản thân, có nơi để chia sẻ những hình ảnh thật tại chính căn nhà của mình. Những chia sẻ thật ấy khiến cư dân mạng phải bật cười vì hài hước.

Làm món trứng ngâm xì dầu nhưng người nấu nhận kết quả như gặp người ngoài hành tinh

Ảnh: từ group Ghét bếp không nghiện nhà

Tài khoản Thu Thanh đăng lên thất bại của bản thân khi làm bánh flan nhưng quên nhiều thành phần khiến kết quả ngoài ý muốn. “Rõ khổ, mình đã chuẩn bị nguyên liệu đầy đủ, vừa học trên mạng vừa làm theo. Muối thì bỏ đủ mà lại quên bỏ sữa đặc, rồi lại không bỏ đường nữa chứ. Làm xong ra thành phẩm nhìn rất đẹp mắt, bánh mềm, mịn, dẻo, nhưng mà ăn vào nó vô cùng nhạt nhẽo. Đúng là não cá vàng rồi cả nhà ạ!”
Dưới bài đăng của tài khoản này có rất nhiều người bình luận đồng quan điểm. Tài khoản Nhàn Nhàn hài hước: “Ăn vậy để giảm béo luôn bạn ạ. Nhiều phụ nữ sau sinh đều có biểu hiện não cá vàng vậy đấy”. Còn tài khoản Ngọc Hoài Trần lại góp ý: “Em làm bánh này thường bỏ ít sữa mà pha nước cốt dừa với sữa đặc rồi đập xíu đá bỏ vào ăn kèm sẽ ngọt, dễ ăn hơn”.

Món cháo ăn dặm cho trẻ em

Ảnh: từ group Ghét bếp không nghiện nhà
“Ghét bếp, không nghiện nhà” trở thành nơi giao lưu của nhiều nhiều người chung hoàn cảnh dở khóc dở cười khi làm bếp, dọn nhà. Có người đãng trí, hậu đậu, làm sai công thức khiến sản phẩm làm ra bất ngờ không tưởng tượng. Có người lại chia sẻ những câu chuyện lần đầu làm bếp trớ trêu khiến cư dân mạng không khỏi bày tỏ cảm xúc và bình luận.
Tuy nhiên, một số người lại tìm đến nhóm này vì cảm thấy vui, giải trí trước sự vụng về của cuộc sống thật. Chị Mỹ Lan (25 tuổi, ngụ Q. Bình Thạnh) kể chị có thể thức đến khuya để xem những bài đăng của hội và cười mãi mà không thấy chán.

Món cháo cá chép khiến người nấu nhìn và không dám ăn thử

Ảnh: từ group Ghét bếp không nghiện nhà
Lan tâm sự: “Giai đoạn này mình làm online tại nhà, phát hiện ra nhóm thú vị quá nên cứ hễ rảnh là lại vào đọc bài ngay. Mình thấy bài đăng rất nhiều, đa phần đều hài hước, gây cười. Từ ngày tham gia hội, mình có thể thức đến 1-2 giờ sáng đọc và cười mà không thể kiềm chế được. Với mình thì nhóm rất tuyệt, như là nơi làm mình bớt căng thẳng và cũng cho mình nhiều bài học trong chuyện bếp núc nữa”.

Một số tài khoản còn tham gia hội nhằm tìm kiếm những người giống mình để không cảm thấy bị cô đơn

Ảnh: từ group Ghét bếp không nghiện nhà

Cũng không nên Troll nhau quá

Cũng có nhiều luồng ý kiến là cộng đồng hay xuất hiện những hình ảnh mất thẩm mỹ, hoặc phản cảm bởi sự trêu nhau quá đáng. Nhiều thành viên cũng đề nghị thẳng thắn bài vở nội dung cần có quy định cụ thể. Tài khoản Dinh Cẩm Tú đưa ra ý kiến mong những tài khoản đăng bài vào nhóm cần chọn lọc nội dung trước khi đăng, Cẩm Tú viết: “Theo mình nhóm nên có nội quy nhóm về bài đăng. Còn những kiểu khoe nhà bừa bộn, quần áo ném linh tinh, hỏi thế nào là thịt nạc vai hay em không biết thế nào là thịt …thì không nên cho đăng bài. Vì mình thấy điều đó chẳng có gì mang tính chất giải trí mà đăng lên rất dễ gây loãng nội dung, ý nghĩa ban đầu của nhóm”.

Nhiều tài khoản đăng bài chia sẻ sự đối lập giữa ảnh mẫu và ảnh thật, trước và sau khi chế biến món ăn

Ảnh: từ group Ghét bếp không nghiện nhà

Mạng xã hội có thể ảo nhưng cuộc sống nhất định phải thật

Anh Đinh Đức Thành (người tạo nhóm “Ghét bếp, không nghiện nhà”) đã lập nhóm với triết lý mạng xã hội có thể ảo nhưng cuộc sống nhất định phải là thật. Nhóm thu hút đông người quan tâm và tốc độ thành viên tăng chóng mặt khiến anh Thành phải bất ngờ.
Người tạo nhóm “Ghét bếp, không nghiện nhà” chia sẻ: “Mình có chút kinh nghiệm khi quản lý một nhóm khác về làm phim và việc quản trị nhóm này có thêm sự giúp đỡ của các thành viên khác nên không quá nhiều khó khăn. Nhưng vì tốc độ phát triển quá nhanh của nhóm cũng làm mình phải dành nhiều thời gian hơn để dọn dẹp, tránh những bài đăng phản cảm hoặc tin rác”.

Anh Đinh Đức Thành là người đã tạo nhóm “Ghét bếp, không nghiện nhà”

Ảnh: NVCC
“Thỉnh thoảng mình có nấu ăn và tất nhiên là sẽ có những món ngon và món dở. Món ngon thì mình đăng lên Facebook còn món dở thì chỉ chụp ảnh để đấy thôi. Nên mình nghĩ sẽ nhiều người giống như mình, và đó cũng là lý do mình tạo ra nhóm này. Mục đích là để mọi người chia sẻ những lần thất bại, coi đó là niềm vui và bài học cho nhau", anh Thành nói thêm.
Hiện tại số lượng thành viên tham gia nhóm đã gần 600.000 người và số lượng này vẫn tiếp tục tăng nhanh, vì vậy việc kiểm soát nội dung bài đăng cũng cần được quan tâm. Một số thành viên nhóm đã đóng góp ý kiến riêng để “Ghét bếp, không nghiện nhà” luôn đúng nghĩa là nhóm giải trí lành mạnh.

Vì hậu đậu khi làm việc nhà nên người phụ nữ phải nhận kết quả té sàn, làm đổ luôn hũ siro mới khoe.

Ảnh: từ group Ghét bếp không nghiện nhà
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.