‘Ghét nhất thể loại đi chơi với nhau mà cứ bấm điện thoại’

Tấn Đạt
Tấn Đạt
21/09/2022 19:36 GMT+7

Một số người trẻ có 'ác cảm' với việc đối phương là bạn bè hay người thân khi đi chơi, chuyện trò với họ mà cứ mải mê bấm điện thoại.

Cảm thấy cuộc nói chuyện trực tiếp không còn ý nghĩa

"Đường ai nấy đi chỉ vì cái điện thoại thôi sao?", đó là dòng trạng thái đầy tâm trạng mà anh Nguyễn Tuấn (25 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM) đăng tải trên Facebook sáng 19.9.

Anh Tuấn cho hay anh và cô bạn gái mới quen 3 tháng vừa chia tay chỉ vì anh hay sử dụng điện thoại trong lúc hai người hẹn hò.

Có những anh chàng bị người yêu "đá" chỉ vì mải mê bấm điện thoại khi đi chơi cùng nhau (ảnh minh họa)

mh

Anh Tuấn kể: “Ngày hôm đó, hai đứa đã cãi nhau chỉ vì tôi mải mê nhắn tin cho đồng nghiệp. Cô ấy nói rằng 'lần nào hẹn gặp nhau, em thấy anh cũng bấm điện thoại. Nếu anh giải quyết xong công việc thì hãy hẹn em, không thì thôi. Cảm giác đi với anh, em rất trống trải, chẳng được quan tâm', rồi cô ấy đứng dậy đòi tính tiền bàn ăn. Sau khi chúng tôi về, cô ấy không muốn gặp tôi nữa”.

“Thật sự, trong những lúc đi chơi với bạn bè tôi cũng hay bấm điện thoại để lướt mạng xã hội hay trả lời những tin nhắn chờ… Với tôi, đây là một thói quen, nhưng không ngờ tôi bị người yêu 'đá' chỉ vì hành động này”, anh Tuấn nói.

Không riêng gì người yêu của anh Tuấn, Nguyễn Thị Mỹ Tiên ( nữ sinh viên Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM) nói: “Tôi ghét nhất thể loại đi chơi với nhau mà cứ bấm điện thoại. Nhiều khi mình hỏi chuyện thì họ cứ lơ nga lơ ngơ 'mọi người nói đến đâu rồi' hay 'hả', 'gì thế', những người như thế làm cuộc trò chuyện trực tiếp không còn ý nghĩa, bản thân cảm giác như không được tôn trọng... ”.

Một số bạn trẻ "ác cảm" với người đối diện bấm điện thoại trong cuộc trò chuyện (ảnh minh họa)

mh

Tiên chia sẻ, hiện tại nhóm bạn thân của cô mỗi khi gặp mặt nhau, hầu như ai cũng cất điện thoại vào một bên, để hòa mình vào cuộc trò chuyện với nhau.

“Trừ trường hợp cấp thiết như người nhà gọi thì chúng tôi mới nghe, còn những việc khác thì mọi người không sử dụng điện thoại. Vì các thành viên nghĩ rằng, một khi đã lên kế hoạch đi chơi hay cà phê cùng nhau thì tất nhiên chúng tôi đã dành thời gian cho nhau. Nếu ai vi phạm sẽ bị chỉ trích và phải trả hết chầu nước", Tiên nói.

Nữ sinh viên chia sẻ thêm: “Trong những buổi đi chơi, thường một người trong nhóm bấm điện thoại thì kéo theo vài người khác có hành động tương tự, điều ấy chắc chắn sẽ làm không khí cuộc hẹn trở nên tẻ nhạt. Nếu buổi trò chuyện có hai người, mà người kia mải mê bấm điện thoại thì bạn sẽ làm gì? Nếu ai gặp trường hợp như thế thì tôi khuyên bạn nên ở nhà thay vì hẹn người ta ra quán chuyện trò”.

Thiếu tôn trọng người khác

Ngoài việc có thành kiến với những người hay "cắm đầu" vào điện thoại, anh Lê Trọng Nghĩa (làm truyền thông tại Q.3, TP.HCM) cũng rất nghiêm khắc với bản thân về việc sử dụng "dế yêu" trong những lần gặp mặt bạn bè, người thân.

"Khi đã 'chốt' lịch đi chơi, ăn uống với ai đó thì tôi toàn tâm dành thời gian cho họ. Điện thoại của tôi sẽ để chế độ im lặng. Khi nào tôi đi vệ sinh, hoặc về nhà tôi mới kiểm tra nó", anh Nghĩa nói.

"Theo tôi nghĩ, hầu hết khi ai đó đã hẹn hò, đi uống nước, trò chuyện với nhau đều có lý do, có thể họ quý mến nhau hoặc sẵn sàng dành thời gian cho bạn và ngược lại. Do đó, mọi người hãy trân trọng khoảnh khắc ấy, không nên vì sự thoải mái và thông cảm của đối phương mà lạm dụng chiếc điện thoại để giải quyết việc riêng tư quá lâu, thành ra thiếu tôn trọng người đối diện", anh Nghĩa chia sẻ.

Đồng quan điểm với anh Nghĩa, anh Phạm Thanh Tuấn (giáo viên dạy môn giáo dục công dân, Trường THCS-THPT Diên Hồng, TP.HCM) cho biết một cá nhân mải mê bấm điện thoại trong cuộc hẹn, chuyện trò của họ thì thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với người đối diện.

Theo anh Tuấn, mọi người có thể nói những chuyện như công việc, niềm vui trong cuộc sống trong những buổi chuyện trò với bạn bè, người yêu

mh

"Thay vì sử dụng điện thoại, bạn có thể nói với nhau về công việc, niềm vui... và bất cứ những gì bạn muốn nói. Hãy hạn chế tối đa việc sử dụng điện thoại, còn nếu có công việc cần giải quyết thì bạn hãy thông báo cho người đối diện và nhanh chóng hoàn thành cuộc gọi. Là một giáo viên, tôi thường dạy cho học sinh về điều này, để các em có được những kỹ năng tốt hơn trong quá trình giao tiếp", anh Tuấn nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.